Chủ Nhật, 13/03/2022 22:00

Dấu hiệu hậu Covid-19 cảnh báo vấn đề về phổi

Nhiều người bệnh sau khi khỏi Covid-19 vẫn gặp phải tình trạng hụt hơi, khó thở dù chỉ đi bộ, leo cầu thang hay tập thể dục nhẹ nhàng.

Khó thở chính là một trong những dấu hiệu đáng quan ngại nhất của Covid-19 do ảnh hưởng mọi hoạt động hàng ngày, kể cả lúc nghỉ ngơi. Đây cũng là dấu hiệu phổ biến cùng với các triệu chứng như ho và sốt. Dấu hiệu này cho thấy cơ thể không nhận đủ oxy. Lượng oxy thấp sẽ ảnh hưởng não, tim và các cơ quan quan trọng khác trong cơ thể.

Một số người mô tả họ gặp khó khăn trong việc thở mạnh, cảm thấy tức ngực khi hít vào hoặc thở ra, muốn hít mạnh hơn do cảm thấy thiếu không khí. Cảm giác khó thở này có thể tiếp diễn trong một khoảng thời gian sau khi khỏi bệnh.

Dấu hiệu khó thở hậu Covid-19

Là bệnh truyền nhiễm của hệ hô hấp, SARS-CoV-2 gây bội nhiễm trong phổi sau khi xâm nhập vào cơ thể, ảnh hưởng hoạt động của cơ quan này theo nhiều cách. Trong trường hợp nghiêm trọng, nó dẫn đến khó thở, sau đó là viêm phổi. Các trường hợp khó thở được báo cáo thậm chí vài tháng sau lần nhiễm trùng ban đầu, đó có thể là dấu hiệu của tổn thương phổi.

Các hoạt động bình thường có thể khiến bạn cảm thấy khó thở, ví dụ mặc quần áo, tắm rửa, làm công việc nhà, đi lên xuống cầu thang, đi bộ...

Khó thở hậu Covid-19 ảnh 1

Nhiều người bị khó thở hậu Covid-19 dù chỉ làm những hoạt động thường ngày như đi cầu thang, tập thể dục nhẹ nhàng. Ảnh: Runnersworld.

Khó thở dai dẳng có thể là dấu hiệu tổn thương phổi

Theo phát hiện mới được công bố trên tạp chí y khoa Immunity, khó thở dai dẳng có thể là dấu hiệu của tổn thương phổi. Kết quả của nghiên cứu phát hiện đây là dấu hiệu cho thấy phổi của người bệnh vẫn chưa được chữa lành hoàn toàn khỏi những tổn thương do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Theo India Times, tiến sĩ James Harker, thuộc Viện Tim và Phổi Quốc gia của Đại học Hoàng gia London (Anh), một trong những tác giả của nghiên cứu, giải thích tình trạng khó thở kéo dài cho thấy sự hiện diện của các tế bào miễn dịch bất thường, được tạo ra do Covid-19.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi những trường hợp khó thở liên tục bằng cách kiểm tra mẫu chất lỏng chiết xuất từ ​​phổi. Họ đã theo dõi 38 bệnh nhân nhiễm virus từ 3 đến 6 tháng trước khi nghiên cứu thực hiện.

Mục tiêu chính của nghiên cứu là tìm hiểu những tế bào miễn dịch nào đang hoạt động bên trong phổi dẫn đến vấn đề khó thở hậu Covid-19. Họ phát hiện sự hiện diện của tế bào miễn dịch bị thay đổi trong đường thở của họ.

Theo nghiên cứu, tình trạng khó thở dai dẳng ở bệnh nhân Covid-19 có thể là phản ứng miễn dịch sau thời gian dài bị nhiễm virus, dẫn đến viêm và tổn thương đường thở. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tình trạng bệnh có thể trở nên tồi tệ hơn. Theo các nhà nghiên cứu, khó thở dai dẳng nếu được điều trị kịp thời có thể cải thiện tình trạng phổi và ngăn ngừa bất kỳ tổn thương nào thêm.

Trong nghiên cứu, tất cả bệnh nhân được khám đều nhập viện và bị mắc Covid-19 nặng. Vì vậy, các nhà khoa học vẫn cần thêm nghiên cứu để tìm hiểu liệu nghiên cứu tương tự có thể áp dụng cho trường hợp mắc bệnh ít nghiêm trọng hơn hay không.

Khó thở hậu Covid-19 ảnh 2

Khó thở có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, ảnh hưởng các hoạt động hàng ngày. Ảnh: Prevention.

Làm gì khi bạn bị khó thở hậu Covid-19?

Theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), cảm thấy khó thở có thể khiến bạn hoảng sợ hoặc lo lắng. Điều này có thể làm cho tình trạng khó thở của bạn trở nên tồi tệ hơn.

Khi bạn cảm thấy khó thở, hãy ngừng nói và di chuyển, cho bản thân thời gian để phục hồi hơi thở, thư giãn hoặc đánh lạc hướng bản thân bằng cách tập trung vào bức ảnh nào đó hay khung cảnh bên ngoài cửa sổ, thay đổi tư thế giúp bạn dễ thở.

Để kiểm soát tình trạng khó thở, bạn nên lập kế hoạch cho các hoạt động của mình, cố gắng không vội vàng hoặc làm mọi việc nhanh chóng, tiết kiệm năng lượng và cân bằng giữa hoạt động và nghỉ ngơi. Tuy nhiên, bạn không nên ngừng làm những việc khiến bạn cảm thấy khó thở. Vì điều này có thể khiến các cơ yếu đi do không được sử dụng, càng làm cho tình trạng khó thở trở nên tồi tệ hơn.

Bên cạnh đó, một số tư thế thư giãn có thể giúp người bệnh giảm khó thở:

- Ngồi ngả người phía trước: Khi ngồi trên ghế, bạn nên ngồi ngả người về phía trước, đặt khuỷu tay lên đầu gối hoặc tay ghế.

- Ngồi dựa vào bàn: Bạn có thể ngồi ngả người về phía trước, đặt khuỷu tay lên bàn, có thể thêm gối hoặc đệm lên bàn để tạo cảm giác thoải mái.

- Nằm nghiêng với đầu cao: Bạn hãy chồng các gối lại với nhau, sau đó nằm nghiêng một bên với nhiều gối dưới đầu và vai.

- Đứng nghiêng người về phía trước: Thao tác này được thực hiện với ghế. Bạn đứng nghiêng người về phía trước, 2 khuỷu tay đặt trên ghế, tường hoặc lan can. Bạn cũng có thể sử dụng gậy, khung tập đi.

Khó thở hậu Covid-19 ảnh 3

Ngồi ngả người về phía trước có thể giúp bạn dễ thở hơn. Ảnh: HSE.

Ngoài ra, thực hiện một số bài tập có thể giúp bạn kiểm soát hơi thở của mình:

- Kiểm soát nhịp thở: Ngồi ở tư thế thoải mái trên ghế có tựa lưng tốt, đặt một tay lên bụng, từ từ hít thở sâu bằng mũi. Khi hít vào, bạn hãy để bụng của bạn nhô lên. Khi thở ra từ từ, hãy thả lỏng bụng. Điều này có thể mất thời gian thực hành để làm quen nhưng rất hữu ích trong việc giảm khó thở.

- Thở môi mím chặt: Bài tập này giúp kiểm soát tình trạng khó thở khi bạn đang đi bộ hoặc hoạt động. Cách thực hiện: Hít vào bằng mũi, sau đó nhẹ nhàng thở ra bằng miệng và mím môi, giống khi bạn đang huýt sáo hoặc thổi nến. Cố gắng thở ra lâu hơn hít vào.

- Kiểm soát hơi thở khi đi bộ: Hít vào trước khi bạn bắt đầu di chuyển, sau đó thở ra khi bạn thay đổi tư thế, chẳng hạn cúi xuống, nâng vật nặng hoặc đi lên cầu thang.

Khó thở là một trong những dấu hiệu nghiêm trọng của Covid-19 kéo dài. Vì vậy, nếu người bệnh phớt lờ, tình trạng này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy sức khỏe khác. Vì vậy, nếu gặp phải triệu chứng này sau khi hồi phục Covid-19, bạn nên nói chuyện với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng khi quá muộn.

Phương Mai

Zing

Các tin tức khác

>   Đề xuất nâng số giờ làm thêm: Chưa thống nhất mức trần (11/03/2022)

>   Mọi thứ tăng giá nhưng lương vẫn vậy (11/03/2022)

>   Lại xảy ra tình trạng ‘hết xăng’ trước ngày điều chỉnh giá (10/03/2022)

>   Người giàu Việt Nam tăng nhanh nhưng cửa đầu tư định cư nước ngoài lại dẹp dần (10/03/2022)

>   Gia tăng gắn kết gia đình bằng giải pháp không gian (10/03/2022)

>   Người dân TP.HCM điều chỉnh thói quen khi vật giá leo thang (10/03/2022)

>   Có nên bỏ khái niệm F1, F0? (09/03/2022)

>   Pepsi, Coca-Cola, McDonald's, Starbucks ở Nga đua nhau đóng cửa (09/03/2022)

>   Citigroup: GDP toàn cầu sẽ có thêm 2 ngàn tỷ USD nếu… (09/03/2022)

>   Chóng mặt khi giá hàng hóa “nhảy múa” (09/03/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật