Từ bỏ chiến lược 'Zero Covid-19' có thể là thảm họa với Trung Quốc
Một số chuyên gia nhận định biến chủng Omicron đã cho thấy tính không bền vững trong chính sách "Zero Covid-19" của Trung Quốc, nhưng từ bỏ nó bây giờ có thể là thảm họa.
Trong gần hai năm, số ca mắc Covid-19 được báo cáo hàng ngày tại Trung Quốc hiếm khi kéo dài với 3 con số. Thậm chí, một khoảng thời gian dài, nước này không ghi nhận trường hợp nào.
Thế nhưng, tất cả đã thay đổi trong tháng này, khi các đợt bùng phát trên khắp cả nước đẩy số ca nhiễm ở Trung Quốc lên mức cao nhất kể từ khi Bắc Kinh kiểm soát được làn sóng dịch đầu tiên ở Vũ Hán vào đầu năm 2020.
Hơn 10.000 ca mắc mới đã được báo cáo chỉ trong ba ngày qua, tính tới 23/3. Con số này có vẻ nhỏ so với dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc, cũng như khi so sánh với phần còn lại của thế giới.
Tuy nhiên, với chính quyền Bắc Kinh đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh để minh chứng tính ưu việt của mô hình “Zero Covid-19”, sự bùng phát này là một thách thức đáng kể.
Các nhà chức trách đã dành hai năm để ngăn virus Covid-19 bên ngoài biên giới và kiểm soát sự lây lan. Nhưng giờ đây, khi có nhiều câu hỏi được đặt ra về tính bền vững của "Zero Covid-19", các chuyên gia cho rằng quốc gia này vẫn chưa chuẩn bị đủ cho giải pháp thay thế "sống chung với dịch bệnh".
"Chúng tôi chưa chuẩn bị bất kỳ thứ gì. Làm thế nào chúng tôi dám 'nằm yên' (và cho phép virus lây lan)?", bác sĩ Zhang Wenhong, người đứng đầu Hội đồng chống Covid-19 Thượng Hải, cho biết.
Một bệnh viện tạm thời dành cho bệnh nhân Covid-19 ở Trường Xuân, thủ phủ của tỉnh Cát Lâm, phía đông bắc Trung Quốc vào tháng 3. Ảnh: Tân Hoa Xã.
|
Chưa chuẩn bị
Trước đó, Trung Quốc đã thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, phát triển vaccine với tốc độ kỷ lục. Chỉ tính riêng năm 2021, nước này đã sản xuất 2,8 tỷ liều vaccine trong nước.
Thế nhưng, vẫn còn những lỗ hổng nghiêm trọng trong nỗ lực tiêm chủng của Bắc Kinh. Và mặc dù vaccine được cho là có hiệu quả chống lại bệnh nặng và tử vong do Omicron gây ra, câu hỏi về cách chúng có thể bảo vệ tốt đến mức nào, đặc biệt là đối với các nhóm dễ bị tổn thương, vẫn còn bỏ ngỏ.
Điều đó đặt ra mối lo ngại đáng kể trong quá trình chuyển đổi từ “Zero Covid-19” sang "sống chung với dịch bệnh" ở một quốc gia vốn đã quen với việc không có trường hợp tử vong nào do Covid-19 gây ra.
Trong khi phần lớn các ca mắc ở Trung Quốc là nhẹ hoặc không có triệu chứng, chính phủ đã báo cáo ca tử vong do Covid-19 đầu tiên trong hơn một năm qua vào hôm 19/3. Các nhà chức trách y tế cho biết đó là hai bệnh nhân Covid-19 lớn tuổi ở tỉnh Cát Lâm, một người đã được tiêm vaccine và một người chưa tiêm.
Theo số liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, ước tính 40 triệu người Trung Quốc trên 60 tuổi vẫn chưa được tiêm vaccine.
Trong khi đó, theo một phân tích về dữ liệu dân số và vaccine, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết khoảng 17 triệu người trên 80 tuổi vẫn chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Khoảng 17 triệu người trên 80 tuổi tại Trung Quốc vẫn chưa được tiêm chủng đầy đủ. Ảnh: Reuters.
|
Các chuyên gia cho rằng nguy cơ xảy ra một tình huống nghiêm trọng hơn có thể thấy rõ đối với Trung Quốc đại lục, sau khi thế giới chứng kiến làn sóng dịch ở Hong Kong khiến các bệnh viện và nhà xác quá tải.
Trong vài tháng đầu năm nay, hơn 5.500 người đã chết vì Covid-19 ở Hong Kong, phần lớn là do tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi thấp.
"Cả hai khu vực đều theo đuổi chiến lược 'Zero Covid-19', đều có một lượng lớn dân số già chưa được tiêm chủng và thêm vào đó đều không đầu tư vào việc xây dựng năng lực tăng cường sức khỏe cộng đồng trước khi làn sóng dịch Omicron ập đến", Yanzhong Huang, một thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho biết.
Trong khi tỷ lệ tiêm chủng nói chung của Trung Quốc đạt mức cao nhất là 87%, thì việc tiêm chủng cho người cao tuổi và đặc biệt là những người dễ bị tổn thương trên 80 tuổi, lại thấp hơn so với các nước như Mỹ hoặc Anh. Nguyên nhân là nhóm này ban đầu không được ưu tiên trong chiến dịch tiêm chủng của Trung Quốc.
"Chúng tôi đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về điều này - đó là một bài học khó không chỉ cho Hong Kong mà còn cho cả Trung Quốc", Jin Dongyan, giáo sư tại Trường Khoa học Y sinh của Đại học Hong Kong cho biết.
Vấn đề tiềm ẩn của Trung Quốc càng thêm phức tạp do nước này “miễn cưỡng” phê duyệt vaccine mRNA nước ngoài để sử dụng như liều tăng cường.
"(Không chấp thuận vaccine BioNTech) có thể sẽ khiến Trung Quốc bỏ lỡ cơ hội loại bỏ virus", chuyên gia an ninh y tế Nicholas Thomas, phó giáo sư tại Đại học Hong Kong, cho biết. Ông nói thêm việc chỉ ủng hộ các loại vaccine nội địa là một ví dụ rõ ràng về “chủ nghĩa dân tộc vaccine".
“Nếu họ (phê duyệt vaccine BioNTech ngay từ năm ngoái), với nguồn lực ấn tượng mà Trung Quốc đã triển khai trong chương trình tiêm chủng trước đó thì giờ đây, có lẽ họ đã không phải đối mặt với mối đe dọa tương tự từ đợt bùng phát Omicron”, ông cho hay.
CNN đánh giá những người cao tuổi sống ở nông thôn Trung Quốc, nơi có hệ thống chăm sóc sức khỏe kém tiên tiến hơn đáng kể so với ở thành phố, sẽ là nhóm đối mặt với rủi ro cao nhất. Khả năng điều trị các trường hợp nghiêm trọng của Trung Quốc cũng có thể bị cản trở bởi năng lực ICU của nước này, vốn thấp hơn nhiều so với các nước phương Tây.
Thay đổi?
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất phải đối mặt với những vấn đề trên. Nhiều nước trên thế giới cũng đang vật lộn đối phó dịch bệnh với tỷ lệ tiêm chủng thấp ở người già và hệ thống y tế yếu kém.
Người dân xếp hàng để xét nghiệm Covid-19 bên ngoài một bệnh viện ở Thượng Hải. Ảnh: AP.
|
Ở Trung Quốc, vì các hạn chế nghiêm ngặt cho đến nay đã giúp người dân tránh khỏi những tác động của virus, các chuyên gia cho rằng việc nới lỏng những biện pháp đó có thể là một cú sốc.
"Áp lực duy trì chính sách ‘Zero Covid-19’ không chỉ từ chính quyền trung ương mà còn từ công chúng", Xi Chen, giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Yale, cho biết, và chỉ ra sự ủng hộ của công chúng đối với các biện pháp của chính phủ trong hai năm qua.
Mặc dù có những dấu hiệu cho thấy người dân và các chuyên gia ở Trung Quốc đang bắt đầu hướng nhiều hơn đến chính sách "sống chung với virus", điều này có thể đòi hỏi một sự thay đổi đáng kể đối với thông điệp của Bắc Kinh.
Trước đó, theo CNN, các thông điệp của Trung Quốc thường đề cập đến mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng y tế ở các nước phát triển, ngay cả khi chiến dịch tiêm chủng hàng loạt đã làm giảm tỷ lệ tử vong.
"Vấn đề là nếu cứ tiếp tục làm nổi bật sự nguy hiểm của Covid-19 trong khi phủ nhận những nỗ lực ứng phó đại dịch của các quốc gia khác, thì nỗi sợ hãi trong công chúng sẽ khó biến mất và việc từ bỏ chiến lược ‘Zero Covid-19’ sẽ trở nên khó khăn", ông Huang nói.
Và ngay cả khi đợt bùng phát lần này được kiểm soát, những câu hỏi này sẽ tiếp tục gia tăng ở Trung Quốc, vì ngăn chặn Omicron được xem như “nỗ lực bất khả thi".
"Họ sẽ không thể xóa sổ tất cả trường hợp mắc Omicron ở Trung Quốc. Họ chỉ đang chờ đợi đợt tiếp theo", ông cho hay.
Minh An
ZINg
|