Thế giới đối mặt cuộc khủng hoảng lương thực vì xung đột Nga - Ukraine
Cú sốc giá do xung đột Nga - Ukraine có thể gây ra cuộc khủng hoảng an ninh lương thực nghiêm trọng trên toàn cầu, đẩy hàng triệu người vào cảnh đói nghèo.
Theo New York Times, cuộc chiến ở Ukraine đã tạo ra cú sốc cho thị trường năng lượng toàn cầu. Nhưng giờ, thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn. Đó là tình trạng thiếu lương thực.
Lúa mì, ngô và lúa mạch đang mắc kẹt ở Nga và Ukraine, phân bón Nga và Belarus không thể tới tay khách hàng. Giá lương thực và phân bón toàn cầu tăng vọt. Tính từ thời điểm Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, giá lúa mì đã tăng 21%, giá lúa mạch tăng 33%, giá một số loại phân bón tăng 40%.
Xung đột Nga - Ukraine cộng hưởng với hàng loạt thách thức khiến nguồn cung lao dốc và giá cả tăng vọt, bao gồm các đợt bùng phát dịch Covid-19, hệ thống vận tải toàn cầu bị gián đoạn, chi phí năng lượng tăng cao, hạn hán, lũ lụt và hỏa hoạn.
Thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực. Ảnh: New York Times.
|
Khủng hoảng an ninh lương thực
Các chính phủ, nhà kinh tế và nhiều tổ chức đã cảnh báo về nguy cơ nạn đói gia tăng. Giá thực phẩm, phân bón, dầu, khí đốt, nhôm, nickel và palladium đều tăng nhanh. Giới quan sát dự báo giá sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa nếu xung đột leo thang.
Các trang trại Ukraine sắp bỏ lỡ mùa gieo trồng và thu hoạch quan trọng. Những nhà máy phân bón ở châu Âu phải cắt giảm sản lượng vì giá nhiên liệu tăng cao. Nông dân từ Brazil đến Texas phải dùng ít phân bón hơn. Điều này đe dọa quy mô của các vụ thu hoạch tiếp theo.
Lũ lụt nghiêm trọng khiến Trung Quốc thất thu lúa mì. Điều này khiến đất nước 1,4 tỷ dân phải nhập khẩu nhiều hơn từ các nước khác. Nhu cầu nhập khẩu lúa mì Ấn Độ cũng tăng gấp 3 lần so với năm ngoái.
Giá cả leo thang ở mọi ngóc ngách trên thế giới. Vào tháng 2, giá hàng hóa tại Mỹ tăng 8,6% so với một năm trước, đánh dấu mức tăng lớn nhất trong vòng 40 năm. Các nhà kinh tế cảnh báo giá sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Đại dịch đã khiến số người nghèo đói tăng khoảng 18% lên 720-811 triệu người. Đầu tháng này, Liên Hợp Quốc cảnh báo chỉ riêng tác động của chiến tranh đối với thị trường lương thực toàn cầu có thể khiến thêm 7,6-13,1 triệu người rơi vào cảnh đói.
Hầu hết lúa mì tiêu thụ ở Armenia, Mông Cổ, Kazakhstan và Eritrea được nhập khẩu từ Nga và Ukraine. Giờ, họ phải tìm nguồn cung mới, thậm chí tranh giành với những khách hàng lớn hơn nhiều như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Bangladesh và Iran.
Nga và Ukraine chiếm gần 30% lượng mì xuất khẩu trên thế giới. Ảnh: New York Times.
|
Nguồn cung thậm chí còn eo hẹp hơn khi Trung Quốc - nước sản xuất và tiêu thụ lúa mì lớn nhất thế giới - dự kiến nhập khẩu nhiều lúa mì hơn trong năm nay. Hôm 5/3, Trung Quốc tiết lộ lũ lụt nghiêm trọng hồi năm ngoái đã ảnh hưởng đến việc gieo trồng khoảng 1/3 vụ lúa mì của nước này.
Từ lâu, giá lương thực tăng cao đã là chất xúc tác cho những biến động xã hội và chính trị ở các nước nghèo tại châu Phi và Ả Rập. Nhiều nước phải trợ cấp cho người dân những mặt hàng chủ lực như bánh mì.
Tuy nhiên, nền kinh tế và ngân sách của các nước này - vốn đã bị tác động tiêu cực bởi đại dịch và chi phí năng lượng tăng cao - khó có thể chống chịu với cú sốc giá lương thực.
Mỹ tưởng rằng họ chỉ trừng phạt Nga và các nhà băng của Nga. Nhưng Mỹ đã trừng phạt cả thế giới.
Ông Nooruddin Zaker Ahmadi, Giám đốc Bashir Navid Complex
|
Ngay từ trước cuộc chiến ở Ukraine, Tunisia đã gặp khó trong việc chi trả cho những mặt hàng lương thực nhập khẩu. Giờ, quốc gia này chật vật ngăn kinh tế sụp đổ. Lạm phát tăng cao cũng gây ra các cuộc biểu tình ở Maroc và tạo ra những bất ổn mới tại Sudan.
Các quốc gia bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột kéo dài, bao gồm Yemen, Syria, Nam Sudan và Ethiopia, đang phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng. Giới quan sát lo ngại tình hình có thể nhanh chóng trở nên trầm trọng hơn.
Tại Afghanistan, các tổ chức cứu trợ cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng nhân đạo đã trở nên trầm trọng hơn do cuộc chiến ở Ukraine. Khoảng 23 triệu người Afghanistan - hơn một nửa dân số - gặp khó trong việc kiếm cái ăn.
Theo ông Nooruddin Zaker Ahmadi - Giám đốc Bashir Navid Complex, một công ty nhập khẩu Afghanistan, giá đang tăng trên diện rộng. Trong tháng qua, ông mất tới 5 ngày để tìm kiếm dầu ăn Nga.
Ông mua các thùng carton 15 lít với giá 30 USD/thùng và bán lại trên thị trường Afghanistan với giá 35 USD/thùng. Trước cuộc chiến ở Ukraine, ông Nooruddin Zaker Ahmadi chỉ bán với giá 23 USD/thùng.
"Mỹ tưởng rằng họ chỉ trừng phạt Nga và các nhà băng của Nga. Nhưng Mỹ đã trừng phạt cả thế giới", ông bình luận.
Khủng hoảng nối khủng hoảng
Trong 5 năm qua, Nga và Ukraine chiếm gần 30% lượng mì xuất khẩu trên thế giới, 17% ngô, 32% lúa mạch - nguồn thức ăn chăn nuôi quan trọng và 75% dầu hạt hướng dương.
Các lệnh trừng phạt nhắm vào ngân hàng và tổ chức tài chính của Nga khiến nước này không thể xuất khẩu lương thực. Trong khi đó, nguồn cung từ Ukraine cũng bị gián đoạn nghiêm trọng.
Nga đã chặn Biển Đen. Ukraine cũng không đủ tàu để vận chuyển lương thực qua đường bộ.
Mọi thứ đang ngày càng trở nên tồi tệ. Hôm 11/3, Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine xin hỗ trợ 1.900 toa tàu chở nhiên liệu từ đồng minh. Ông cho biết các trang trại của Ukraine đã cạn kiệt sau khi nguồn cung được chuyển sang cho quân đội.
Theo ông, nếu không có nhiên liệu, nông dân Ukraine sẽ không thể trồng trọt hay thu hoạch.
Đáng nói, theo ước tính của Liên Hợp Quốc, có tới 30% diện tích đất nông nghiệp của Ukraine có thể trở thành vùng chiến sự. Hàng triệu người Ukraine đã chạy trốn khỏi đất nước hoặc gia nhập chiến tuyến. Số nông dân sẽ ít hơn nhiều.
Trong khi đó, không dễ để thay thế nguồn cung lúa mì của Nga và Ukraine. Argentina đang hạn chế xuất khẩu, còn Australia hết công suất vận chuyển. Trong năm qua, giá lúa mì tăng 69%.
Giá ngô và lúa mạch - 2 trong số những lương thực xuất khẩu chính của Nga và Ukraine - tăng lần lượt 36% và 82%.
Cuộc chiến ở Ukraine cũng có nguy cơ tạo ra một cú sốc khác đối với thị trường lương thực. Đó là thiếu phân bón.
Cuộc chiến ở Ukraine cũng dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung phân bón trên thế giới. Ảnh: New York Times.
|
Giá cả tăng vọt khiến anh Matt Huie - một nông dân sống gần Corpus Christi, (bang Texas, Mỹ) - phải ngừng bón phân cho các cánh đồng chăn thả hàng trăm con bò. Giờ, anh cũng phải cắt giảm lượng phân bón cho vụ ngô tiếp theo. Điều này sẽ làm giảm năng suất đáng kể.
Nga là nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, cung cấp khoảng 15% nguồn cung toàn cầu. Trong tháng này, ngay vào thời điểm những nông dân trên khắp thế giới chuẩn bị gieo trồng, Nga yêu cầu các nhà sản xuất phân bón ngừng xuất khẩu.
Các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga cũng khiến những giao dịch mua bán phân bón trở nên khó khăn.
Các lệnh trừng phạt cũng giáng vào đồng minh thân cận nhất của Nga - Belarus, nhà sản xuất phân bón kali hàng đầu. Loại phân bón này rất quan trọng với một số loại cây trồng như đậu nành và ngô.
Thêm vào đó, đầu tháng này, các nhà sản xuất phân bón châu Âu thông báo giảm sản lượng, thậm chí dừng sản xuất do giá năng lượng tăng cao. Nhiều loại phân bón được sản xuất bằng khí đốt tự nhiên.
Trong vỏn vẹn một năm, các loại phân bón lớn trên thế giới hiện đã tăng giá gấp đôi hoặc gấp ba.
Brazil - nước sản xuất đậu nành lớn nhất thế giới - mua gần một nửa lượng phân kali từ Nga và Belarus. Giờ, số phân bón dự trữ chỉ còn đủ dùng trong 3 tháng.
Hiệp hội nông dân trồng đậu nành toàn quốc đã hướng dẫn các thành viên sử dụng ít phân bón hơn. Điều này đe dọa vụ mùa đậu nành của Brazil, vốn đã giảm sút do hạn hán nghiêm trọng.
Thảo Cao
ZING
|