Đồng tiền Nga và Ukraine đang bị ảnh hưởng như thế nào?
Trước tình trạng nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột, chính quyền Nga và Ukraine đã triển khai các chiến thuật khác nhau để bảo vệ đồng tiền suy yếu của họ và đạt được mức độ thành công khác nhau.
Đồng rúp Nga, được giao dịch quanh mức 80 rúp/USD trước khi Moscow đưa quân vào Ukraine ngày 24/02, đã mất 40% giá trị trong những ngày tiếp theo, giảm xuống mức chưa từng có 150 rúp/USD.
Kể từ đó, tỷ lệ này được rút ngắn lại, giao dịch ở mức khoảng 105 rúp/USD, có thể do tác động tích cực từ các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kyiv để chấm dứt xung đột.
Mặc dù đang chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây về vấn đề dự trữ ngoại tệ, Ngân hàng trung ương Nga vẫn thỉnh thoảng bán một số để hỗ trợ đồng rúp.
Cùng với những biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ, yêu cầu các công ty xuất khẩu phải bán phần lớn ngoại tệ cho ngân hàng trung ương và hạn chế việc nắm giữ của người tiêu dùng, các biện pháp này dường như đang phát huy tác dụng.
“Trong 10 năm qua, Ngân hàng trung ương Nga chỉ can thiệp trực tiếp vài lần, và lần này đang có hiệu quả, giúp bình ổn tỷ giá hối đoái trên thị trường”, chuyên gia phân tích Alexander Kudrin của ngân hàng đầu tư Aton cho biết.
“Những dấu hiệu ổn định đầu tiên đã xuất hiện”, ông nói thêm.
Viết trên Twitter, chuyên gia kinh tế Nga Janis Kluge tại tổ chức nghiên cứu SWP có trụ sở tại Berlin cho rằng đồng rúp đang mạnh lên nhờ các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ và nguồn thu lớn từ dầu khí sau các lệnh trừng phạt ban đầu gây “sốc”.
Trong khi đó, tại Ukraine, quốc gia đang trải qua tình trạng thiết quân luật, Ngân hàng trung ương đã đình chỉ mọi hoạt động kinh doanh tiền tệ và ấn định tỷ giá hối đoái khoảng 29 hryvnia : 1 USD.
Họ cũng cấm rút ngoại tệ và hầu hết khoản thanh toán xuyên biên giới.
Volodymyr Lepushynskyi, giám đốc chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Ukraine, cho biết các quan chức đã chuẩn bị sẵn kế hoạch cho cuộc xung đột.
“Chúng tôi luôn hy vọng sẽ không cần thực thi nó, nhưng đã sẵn sàng”, ông nói với AFP.
“Nhờ kinh nghiệm làm việc trong những khó khăn về hành chính, chúng tôi hiểu rõ những gì cần làm để ngăn chặn sự bất ổn trong lĩnh vực tài chính và thiết lập hoạt động hiệu quả trong những trường hợp như vậy”.
Phát biểu trên truyền hình Ukraine, Bộ trưởng Tài chính Sergiy Marchenko cho biết các biện pháp của Ngân hàng trung ương đã tạo ra “một số điều kiện nhất định để có sự ổn định tỷ giá hối đoái hiện nay”.
Ông cũng lưu ý Ukraine đã nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế, bao gồm Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Thế giới (WB), đồng thời cho biết Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thông qua chương trình viện trợ khẩn cấp 1.4 tỷ USD cho Ukraine.
Ousmene Mandeng, một nghiên cứu sinh tại trường Kinh tế London, cảnh báo mặc dù các biện pháp trên có thể hợp lý trong những trường hợp khắc nghiệt, nhưng chúng mang một số rủi ro nhất định.
“Việc đình chỉ giao dịch ngoại hối trên thực tế tương đương đóng băng giá cả, nếu kéo dài có thể dẫn đến thị trường ngoại hối chợ đen và việc sử dụng nhiều loại tiền tệ khác”, ông nói với AFP.
“Việc nối lại hoạt động kinh doanh ngoại hối sẽ được mong muốn để giảm thiểu những thay đổi theo chiều hướng xấu có thể có”, Mandeng nói thêm, đồng thời lưu ý Ngân hàng trung ương Ukraine đã nới lỏng một số hạn chế và một số hoạt động trên thị trường ngoại hối liên ngân hàng dường như đang dần trở lại.
Ông Lepushynskyi cho biết Ngân hàng trung ương Ukraine có kế hoạch nới lỏng các hạn chế ngay khi nhận thấy có thể làm như vậy.
“Sau khi tình hình kinh tế được ổn định, chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động đầy đủ của thị trường ngoại hối và dỡ bỏ các hạn chế tiền tệ lên mức trước xung đột trong thời gian ngắn nhất có thể”, ông nói.
Mandeng cũng lưu ý Ukraine có khoảng 28 tỷ USD dự trữ ngoại tệ vào đầu tháng 3.
“Điều đó sẽ mang lại một ít thoải mái trong ngắn hạn nhưng có thể cần được bổ sung”, ông nói.
Những người Ukraine chạy khỏi đất nước với đồng hryvnia trong túi đang phải đối mặt với những vấn đề trực tiếp nhất do không thể đổi được đồng tiền này.
Phó chủ tịch điều hành của Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis gần đây cho biết ủy ban này đang làm việc cùng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) “để cung cấp một số hình thức hỗ trợ chuyển đổi để mọi người có thể chuyển đổi một số tiền tiết kiệm nhất định bằng hryvnia thành euro”.
Nhã Thanh (Theo IBTimes)
FILI
|