Chủ Nhật, 20/03/2022 09:27

Các tập đoàn châu Á trước lựa chọn đi hay ở lại Nga

Ngay từ đầu, các doanh nghiệp châu Á đã ít lên tiếng chỉ trích cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, ngay cả một số công ty đã cắt giảm hoạt động tại Nga để đối phó với các lệnh trừng phạt tài chính và những gián đoạn khác do chiến tranh gây ra. Nhưng nhãn thời trang Uniqlo của Nhật Bản thực hiện cú quay xe khi đóng cửa 50 cửa hàng ở Nga dù trước đó tuyên bố sẽ ở lại khi các tập đoàn phương Tây lần lượt rời đi.

Fast Retailing có 50 cửa hàng Uniqlo trên khắp nước Nga kể từ thâm nhập thị trường nước này năm 2010. Con số này khá nhỏ so với toàn bộ 3.500 cửa hàng trên toàn cầu, nhưng lại chiếm gần phân nửa hoạt động kinh doanh của Fast Retailing tại châu Âu. Ảnh: Kyodo

Liệu các công ty châu Á có đang thu hẹp sự khác biệt về quan điểm với doanh nghiệp phương Tây trong các hoạt động kinh doanh tại Nga trước thế cuộc mới ở Đông Âu?

“Vạ miệng”

“Quần áo là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Người dân Nga có quyền sống như chúng ta”, CEO Tadashi Yanai của Fast Retailing, hãng mẹ của nhãn Uniqlo, phát biểu đầu tuần rồi. Nhưng chỉ ba ngày sau, hôm 10-3 tuyên bố này đã bị đảo ngược. “Trong khi duy trì việc mở cửa kinh doanh ở Nga, chúng tôi nhận thức rõ rằng không thể tiếp tục do có một số khó khăn, gồm các thách thức điều hành và tình hình ngày càng xấu đi”, thông cáo của Fast Retailing viết.

Nga chiếm đến 50 trong tổng số khoảng 110 cửa hàng của Uniqlo ở châu Âu. Nhưng đây chỉ là con số nhỏ so với 3.500 cửa hàng trên toàn cầu của Fast Retailing.

Cú quay xe đột ngột của ông Yanai, vốn nổi tiếng là thẳng tính và bạo miệng, là hệ quả của các chỉ trích, phê phán của người tiêu dùng và cổ đông. Tuyên bố ban đầu của ông đã tạo nên làn sóng tẩy chay trên mạng xã hội. Các nhà phân tích nói rằng phản ứng của dư luận cho thấy người tiêu dùng đang mong chờ những giá trị xã hội có ý nghĩa từ nhãn hàng, tạo áp lực với danh tiếng và doanh thu của Uniqlo. Ngay cả trong nội bộ Fast Retailing, các thảo luận về việc duy trì kinh doanh ở Nga và uy tín thương hiệu sau phát biểu của vị CEO đã buộc ban lãnh đạo thay đổi chính sách.

Biến cố đối với Yanai và Fast Retailing cho thấy các thách thức trong truyền thông và quan hệ với công chúng đối với các tập đoàn đa quốc gia toàn cầu vào thời điểm các yếu tố địa chính trị trở nên vô cùng nhạy cảm. “Dễ dàng chọn một vị thế (chính trị) đồng nghĩa với cái chết của doanh nghiệp”, Yanai nói trong cuộc họp báo năm ngoái.

Vào thời điểm này, khó có thể làm hài lòng tất cả các bên. “Bởi không có phản ứng nào đúng với phạm vi toàn cầu”, theo lời bà Meghan Barstow, Chủ tịch hãng quan hệ công chúng Edelman Japan. Bà nói rằng cần phải xem xét các yếu tố như ảnh hưởng với doanh nghiệp, phản ứng của cổ đông và cả các doanh nghiệp xung quanh. “Bất cứ tuyên bố nào doanh nghiệp đưa ra cũng đều phải gắn chặt với tôn chỉ và triết lý của doanh nghiệp”, Barstow nói.

Xu hướng thận trọng và an toàn

Cho đến cuối tuần rồi, hơn 350 công ty nước ngoài, bao gồm đối thủ của Uniqlo là H&M Group, Nike, Netflix, Visa và Mastercard… đã dừng bán hàng và dịch vụ tại Nga – theo danh sách do Đại học Yale tổng hợp. Dù các hãng phương Tây tuyên bố rất sớm là “đứng về phía tất cả những người đang chịu hậu quả của bạo lực ở Ukraine”, nhưng hãng tin Reuters phát hiện một số cửa hàng của Nike vẫn mở cửa hôm 11-3.

Một số hãng châu Á, trong đó có một vài hãng xe, đã tạm ngừng hoạt động tại Nga và tuyên bố “gặp một số khó khăn trong hoạt động”, chủ yếu là ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Samsung Electronics là một trong số ít ỏi các doanh nghiệp Hàn Quốc phản ứng nhanh như doanh nghiệp phương Tây. Với doanh thu ước tính 3,2 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, Samsung nói rằng sẽ tạm dừng các chuyến hàng đến Nga. Sau khi Nga tiến vào lãnh thổ Ukraine, Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố cấm xuất khẩu hơn 1.600 sản phẩm chiến lược sang Nga, bao gồm máy tính, thiết bị viễn thông và cơ sở hạ tầng internet.

Trước áp lực của người tiêu dùng, tập đoàn dầu khí Shell tuyên bố sẽ rút khỏi liên doanh với tập đoàn năng lượng nhà nước khổng lồ Gazprom của Nga. Trong khi đó, Mitsui & Co., một trong những tập đoàn thương mại lớn nhất Nhật Bản và cùng góp vốn đầu tư với Shell và Gazprom trong dự án khí đốt Sakhalin-2, thì lại làm ngược lại. “Chúng tôi đang thảo luận với các bên liên quan, bao gồm cả Chính phủ Nhật Bản và các đối tác kinh doanh, về các hướng hành động có thể có trong tương lai, đồng thời tính đến nhu cầu cung cấp năng lượng”, các nhà lãnh đạo Mitsui trao đổi với Nikkei Asia với điều kiện ẩn danh.

“Trong một cuộc khủng hoảng như thế này, điều đầu tiên trong tâm trí chúng tôi là an toàn của nhân viên và đối tác của chúng tôi. Với tư cách là một công ty, chúng tôi muốn giữ thái độ trung lập nhất có thể với các diễn biến chính trị quốc tế”, giám đốc điều hành một hãng xe Nhật Bản phát biểu.

Giám đốc điều hành của một hãng công nghệ Nhật Bản nói rằng, so với các quốc gia phương Tây, Chính phủ Nhật Bản dường như ít tích cực hơn trong việc ban hành các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Trong những tình hình như vậy, sẽ có nhiều rủi ro hơn khi doanh nghiệp đại diện cho quốc gia. Bởi chúng tôi có thể bị nhiều rủi ro khác nhau đe đọa, bao gồm cả các cuộc tấn công mạng”.

Khi bị báo chí truy hỏi rằng liệu các doanh nghiệp Nhật Bản có chậm chạp trong việc hưởng ứng các trừng phạt đối với Nga, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Akio Mimura nhấn mạnh: “Đây không phải là vấn đề mà Nhật Bản nên dẫn đầu phần còn lại của thế giới. Tôi không nghĩ rằng chúng tôi đang đi sau. Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp cần thiết”.

Margaret Allen, đối tác của hãng luật Sidley Austin, nhận định rằng: “Các doanh nghiệp châu Á nói chung có xu hướng thận trọng hơn. Và trong các diễn biến nhanh chóng như cuộc chiến hiện nay, rất dễ hiểu là các công ty không muốn ngay lập tức tỏ rõ quan điểm, đưa ra một số quyết định khi họ không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai”.

Khéo léo điều chỉnh phương hướng

Một số quốc gia châu Á lớn – đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ – đã từ chối lên án việc Nga xâm lược Ukraine hoặc tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm cô lập Nga về mặt tài chính. Vốn đang có kế hoạch rút khỏi Nga sau khi lỗ nặng, hãng gọi xe công nghệ Didi Global của Trung Quốc đã hủy bỏ kế hoạch và quyết định ở lại khi cuộc chiến bùng phát.

Các công ty châu Á có thể có ít cổ phần hơn ở Nga so với các công ty cùng ngành của Mỹ hoặc châu Âu. Nhiều công ty quốc tế không tiết lộ doanh thu ở Nga, nhưng FactSet ước tính doanh thu từ báo cáo hàng năm và các hồ sơ khác, sau đó sử dụng “thuật toán ước tính dựa trên tỉ trọng GDP và logic kế toán”.

Theo dữ liệu của FactSet, bảy công ty châu Á nằm trong danh sách 50 công ty nước ngoài có doanh thu cao nhất ở Nga, so với gần 30 công ty châu Âu. Samsung đạt vị trí hàng đầu trong số các công ty châu Á, nhưng doanh số thị trường Nga chỉ chiếm 1,3% tổng doanh thu của tập đoàn.

Báo cáo do hãng Moody’s Analytics công bố cuối tháng 2 rồi nói rằng: “Xuất khẩu sang Nga chiếm không quá 1% GDP ở bất kỳ nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương chính nào. Vì vậy, nếu thương mại với Nga trở nên khó khăn hơn khi các lệnh trừng phạt gia tăng, tác động trực tiếp đến các nền kinh tế này khi thương mại với Nga giảm sẽ vẫn ở mức độ nhỏ và khiêm tốn”.

Khi Nga trở nên bị cô lập hơn trước, các phản ứng địa chính trị khác nhau có thể tạo ra các liên minh thay thế mà các công ty châu Á sẽ phải khéo léo điều hướng.

Nhà tương lai địa chính trị Abishur Prakask tại Trung tâm Đổi mới tương lai (CIF) ở Toronto, Canada, cho rằng: “Có một số nhóm hoặc liên minh doanh nghiệp có thể tạo dấu ấn của họ trên thị trường Nga, đặc biệt là những nhóm đến từ Trung Quốc và Ấn Độ. Điều này sẽ làm cho thế giới trở nên gồ ghề hơn khi các quốc gia bước ra khỏi hệ thống toàn cầu và xây dựng trục độc lập của riêng mình và làm tăng rủi ro cho các doanh nghiệp ở mọi nơi”.

Nhà nghiên cứu nói rằng ban lãnh đạo các tập đoàn đa quốc châu Á phải cân nhắc xem liệu lợi nhuận có vượt trội so với rủi ro địa chính trị hay ngược lại. “Điều này không chỉ áp dụng cho cuộc xung đột Ukraine, mà cho mọi tình huống địa chính trị hiện tại và tương lai, từ Đài Loan đến Iran”, Praka kết luận.

Ricky Hồ

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Trung lập kiểu Phần Lan là gì? (19/03/2022)

>   Thống đốc Fed: Có thể cần nâng lãi suất 50 điểm cơ bản nếu lạm phát tiếp tục tăng mạnh (19/03/2022)

>   Ukraine, EU chuẩn bị gói trừng phạt thứ 5 nhằm vào Nga (19/03/2022)

>   Doanh số bán lẻ tại Mỹ tăng nhẹ trong tháng 2/2022 (19/03/2022)

>   10 biện pháp 'hoá giải' các lệnh trừng phạt của Nga  (18/03/2022)

>   Các nước Đông Nam Á tìm cách thu hút khách du lịch (18/03/2022)

>   NHTW Anh nâng lãi suất lần thứ 3 liên tiếp (18/03/2022)

>   Nhật Bản bình thường hóa hoàn toàn hoạt động kinh tế, xã hội từ 21/3 (18/03/2022)

>   Nhà máy iPhone tiếp theo không nằm ở Trung Quốc (18/03/2022)

>   Ông Tập tuyên bố Trung Quốc quyết theo đuổi chiến lược Zero Covid-19 (17/03/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật