Trung Quốc khó giúp Nga né lệnh trừng phạt
Mối quan hệ "không giới hạn" giữa Trung Quốc và Nga đang bị thử thách trước các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Theo New York Times, khi Mỹ và các đồng minh phương Tây tuyên bố chiến tranh kinh tế với Nga, mọi con mắt của thế giới đều trông chờ phản ứng từ Trung Quốc.
Là một cường quốc toàn cầu trên đà phát triển, để mở rộng tầm ảnh hưởng, Trung Quốc chọn cách thiết lập quan hệ tài chính chặt chẽ với các quốc gia không muốn tuân theo bộ quy tắc được phương Tây ban hành.
Không ngoại trừ khả năng Trung Quốc sẽ làm điều tương tự với Nga. Song, vấn đề lớn nhất hiện tại của Trung Quốc chính là đồng nhân dân tệ.
Rào cản tiền tệ
Để giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt, Trung Quốc cần một phương án khả thi thay thế đồng USD vì CNY hầu như chỉ được lưu hành trong nước.
Hiện nay, chỉ 3% hoạt động kinh doanh của thế giới sử dụng CNY. Ngay cả Nga và Trung Quốc cũng tiến hành giao dịch chủ yếu bằng USD và EUR. Trên thực tế, Trung Quốc có thể đối mặt nhiều rủi ro hơn lợi ích thu về nếu giúp Nga tránh đòn trừng phạt của phương Tây.
Phần lớn nền kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc vào USD. Các công ty Trung Quốc hoạt động trên thế giới chủ yếu sử dụng hệ thống tài chính của Mỹ để trả lương cho nhân viên, mua nguyên vật liệu hay đầu tư. Trung Quốc đồng thời là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới và các khoản thanh toán đều được giao dịch bằng USD.
Nếu Bắc Kinh vi phạm các lệnh trừng phạt chống lại Nga, sự ổn định tài chính của Trung Quốc có thể bị đe dọa. Bên cạnh đó, những động thái hỗ trợ đến thời điểm hiện tại của giới chức Trung Quốc chưa đủ để giúp nước Nga chống chọi tình trạng bị cắt đứt khỏi thị trường tài chính.
Đồng nội tệ của cả Nga và Trung Quốc đều không được giao dịch phổ biến trên thế giới. Ảnh: AFP.
|
Trung Quốc có thể tiếp tục giao dịch hàng hóa với Nga. Quốc gia này thậm chí có thể đầu tư vào những công ty năng lượng Nga với giá rẻ. Trung Quốc cũng có thể tạo điều kiện cho Ngân hàng Trung ương Nga rút một phần tiền mặt trong số trái phiếu trị giá 140 tỷ USD. Hay, Bắc Kinh có thể thành lập một ngân hàng ma nhằm luân chuyển dòng tiền của Nga đi khắp thế giới.
Tuy nhiên, không biện pháp nào trong số này đủ sức đối trọng với các lệnh trừng phạt của phương Tây. Dưới bàn tay của Mỹ, hàng loạt ngân hàng và dòng chảy năng lượng của Nga đang bị chặn lại.
“Trung Quốc sẽ không cứu được con thuyền kinh tế đang chìm của Nga. Dẫu vậy, Trung Quốc có thể giúp con thuyền này nổi lâu và chìm chậm hơn chút”, Eswar Prasad, nhà kinh tế tại Đại học Cornell, nhận định.
Phép thử cho mối quan hệ Nga - Trung
Mối quan hệ giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin đã giúp Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau hơn, đặc biệt khi mục tiêu chung của hai quốc gia là chấm dứt sự bá quyền địa chính trị và kinh tế của Mỹ.
Trước thềm Thế vận hội Olympic Bắc Kinh, hai nhà lãnh đạo tuyên bố mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc “không có giới hạn”.
Sau khi Nga tiến hành các chiến dịch quân sự ở Ukraine và hứng chịu một loạt biện pháp trừng phạt, Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích động thái của phương Tây. Hôm 11/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố động thái này sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của thế giới.
“Điều này không có lợi cho ai cả”, ông nói.
Trung Quốc có thể nhận lại không ít rủi ro nếu giúp Nga. Ảnh: NewsWeek.
|
Nhưng, chỉ trích các biện pháp trừng phạt là một chuyện. Việc quyết định đi ngược lại trật tự tài chính toàn cầu và mời gọi các lệnh trừng phạt mới với chính đất nước lại là câu chuyện khác. Bắc Kinh đang cho thấy họ không sẵn sàng mạo hiểm.
Tuần trước, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á của Trung Quốc - ngân hàng đầu tư được Washington coi là đối thủ của Ngân hàng Thế giới - thông báo tạm hoãn cung cấp khoản vay cho Nga và Belarus. Một số ngân hàng Trung Quốc khác thì cắt giảm tài trợ cho hàng hóa của Nga.
“Các ngân hàng Trung Quốc đang cố gắng cắt giảm tiếp xúc với Nga. Việc Trung Quốc có cung cấp giải pháp thay thế tài chính cho Nga hay không vẫn còn nhiều nghi vấn”, Raymond Yeung, chuyên gia từ Ngân hàng ANZ, cho biết.
Song, cũng trong tuần trước, Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc, khẳng định sẽ không tham gia vào các lệnh trừng phạt. Lãnh đạo quản lý ngân hàng còn tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì trao đổi kinh tế, thương mại và tài chính với các bên liên quan.
Trung Quốc đã và đang phát triển một dịch vụ nhắn tin liên ngân hàng thay thế để phục vụ hoạt động giao dịch xuyên biên giới. Tuy nhiên, dịch vụ này sẽ chỉ hoạt động trong quy mô nhỏ và đối mặt với nhiều thiếu sót công nghệ.
Sau khi Visa và Mastercard ngừng hoạt động ở Nga, một số ngân hàng Nga đã chuyển sang UnionPay của Trung Quốc. Dù có tùy chọn thanh toán ở 180 quốc gia, nền tảng này không cho phép Nga giao dịch bằng USD để tránh lệnh trừng phạt.
Nhiều kịch bản rủi ro
Thông qua dự trữ từ ngân hàng trung ương, các khoản đầu tư của chính phủ và một thỏa thuận cho vay dài hạn, Nga có thể nhanh chóng huy động được ở Trung Quốc khoảng 160 tỷ USD, tương đương 16 tháng doanh thu bán năng lượng cho Liên minh châu Âu và Mỹ.
Khoảng 140 tỷ USD trong số đó được gắn dưới dạng trái phiếu và đồng nhân dân tệ, phần còn lại được ràng buộc trong các thỏa thuận giữa ngân hàng trung ương hai nước. Thỏa thuận này cho phép đôi bên nhận về khoản vay ngắn hạn không lãi suất trị giá 24 tỷ USD trong trường hợp khẩn cấp.
Ngoài ra, Trung Quốc có thể “rửa tiền” cho Nga thông qua một ngân hàng “đặc biệt”, được thành lập với mục đích tránh lệnh trừng phạt.
Đây là những gì Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã làm vào năm 2009 khi mua một ngân hàng nhỏ ở tỉnh Tân Cương, Tây Bắc Trung Quốc và đổi tên thành Ngân hàng Côn Lôn. Ngân hàng này đã giúp Iran thực hiện các giao dịch trị giá hàng trăm triệu USD.
Tương tự, một công ty dầu mỏ Trung Quốc có thể thanh toán cho công ty vỏ bọc một khoản “phí tư vấn” lớn để làm trung gian giao dịch dầu thay vì trả trực tiếp cho một công ty dầu khí của Nga.
Tuy nhiên, kế hoạch này không bền. Đó là lý do vì sao Ngân hàng Côn Lôn bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt vào năm 2012.
Nga có thể huy động hơn 160 tỷ USD từ Trung Quốc. Ảnh: New York Times.
|
Ở kịch bản khác, các công ty Trung Quốc dưới sự hậu thuẫn của Bắc Kinh có thể thâu tóm số cổ phần dự định thoái của phương Tây trong các công ty dầu khí lớn của Nga.
Sau khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, các công ty năng lượng lớn của phương Tây như Shell và BP đã thông báo rút khỏi các liên doanh ở Nga. Đến nay, những doanh nghiệp này chưa tìm được người mua.
“Bạn có cơ hội sở hữu cổ phần từ những công ty năng lượng lớn nhất thế giới với giá quá hời so với giá trị thực. Các quốc gia phát triển sẽ không đụng đến những công ty này. Trung Quốc là người mua thích hợp nhất”, Taylor Loeb, nhà phân tích về Trung Quốc tại công ty tư vấn Trivium, nhận định.
Dù Bắc Kinh có dốc lòng duy trì tình hữu nghị “không giới hạn với Nga, có một sự thật phũ phàng là đồng CNY không thể cứu RUB (đồng nội tệ của Nga).
Giá trị đồng RUB vẫn đang lao dốc và thổi bay phần lớn tài sản của Nga. Cách duy nhất để Nga củng cố đồng nội tệ chỉ có thể là mua USD.
Ngọc Phương Linh
ZING
|