Thu 118.000 tỷ đồng tiền thuế trong tháng 2
Số tiền thu được từ thuế tháng vừa qua đã tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, mức tăng thu chủ yếu nhờ giá dầu thô lên cao và nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng mạnh.
Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thuế, số thu ngân sách Nhà nước do ngành thuế quản lý trong tháng 2 vừa qua đã ghi nhận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2021 nhờ giá dầu thô tăng vượt dự báo và nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao sau giãn cách.
Cụ thể, trong tháng 2, toàn ngành thuế đã thu 118.000 tỷ đồng vào ngân sách, bằng 10% dự toán và tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu từ dầu thô đã tăng hơn gấp đôi, đạt 4.900 tỷ, tương đương 17,4% dự toán. Số thu này đạt được dựa trên cơ sở sản lượng dầu thô ước đạt 700.000 tấn, nhiều hơn 16% so với cùng kỳ, trong khi giá dầu thô bình quân giao dịch ở mức 90,3 USD/thùng, tăng hơn 60% so với cùng kỳ.
Bên cạnh dầu thô, thu nội địa tháng 2 cũng đạt 113.000 tỷ, tương đương 9,9% dự toán và tăng hơn 30% so với cùng kỳ, trong đó, thu thuế, phí nội địa ước đạt 88.900 tỷ, tăng gần 26%.
Theo cơ quan thuế, bên cạnh mức tăng thu từ dầu thô, số thu thuế tháng vừa qua tăng mạnh so với cùng kỳ cũng do tháng 1 là tháng trước Tết Nguyên đán, đồng thời nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao sau đợt giãn cách kéo dài trong quý III và IV/2021.
Bên cạnh đó, do thời gian nghỉ Tết từ 28/1 kéo dài đến 6/2, một số nguồn thu phát sinh cuối tháng 1 đã chuyển nộp trong tháng 2 khiến số thu nội địa tăng.
Như vậy, kết thúc 2 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý ước đạt 276.664 tỷ đồng, bằng 23,5% dự toán và tăng 7,7% so với cùng kỳ.
Trong 2 tháng đầu năm, tổng số tiền thu từ dầu thô đạt 8.060 tỷ, tăng 57,2%, trên cơ sở giá dầu thô bình quân đạt 83 USD/thùng, cao hơn 59,7% so với cùng kỳ, sản lượng trong giai đoạn đạt 1,3 triệu tấn, thấp hơn gần 9%.
Số thu nội địa 2 tháng ước đạt 268.605 tỷ, bằng 23,4% dự toán và tăng 6,7% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng số thu từ thuế, phí nội địa là 213.999 tỷ, tăng 3%.
Cũng theo cơ quan thuế, thu ngân sách 2 tháng đầu năm nay đạt khá do tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh có sự hồi phục tốt.
Trong đó, một số ngành có đóng góp lớn giúp tăng ngân sách là công nghiệp chế biến, chế tạo (2,8%); sản xuất thiết bị điện (11,5%); sản xuất trang phục (11,4%); khai thác quặng kim loại (21,9%)...
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 tăng cao, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tích cực; vốn đầu tư từ nguồn ngân sách và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam trong giai đoạn này đều tăng trưởng tốt đã giúp kết quả thu ngân sách 2 tháng đầu năm đạt khá.
Hiện tại, ngành thuế vẫn đang thực hiện giảm 30% tiền thuế VAT tháng 11 và 12/2021 cho một số ngành bị ảnh hưởng nặng do Covid-19; giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 đối với doanh nghiệp có doanh thu không quá 200 tỷ đồng (năm 2021) và bị giảm doanh thu so với năm 2019; miễn toàn bộ thuế quý III, IV/2021 đối với hộ, cá nhân kinh doanh.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đang thực hiện Nghị định 103/2021 về giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, áp dụng từ 1/12/2021 đến hết 31/5/2022. Ước tính chính sách này làm giảm thu lệ phí trước bạ trong 2 tháng đầu năm khoảng 4.000 tỷ.
Tuy nhiên, việc giảm lệ phí trước bạ đã khiến lượng xe tiêu thụ tăng khá, gián tiếp làm tăng thu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Năm nay, một số chính sách ưu đãi thuế đang được áp dụng gồm giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay; giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước với tổ chức, cá nhân thuê đất phải ngừng sản xuất kinh doanh do dịch… Ước tính, việc áp dụng các chính sách này đã tác động giảm thu hàng trăm tỷ đồng ngân sách trong 2 tháng đầu năm.
Quang Thắng
ZING
|