Thứ Hai, 28/02/2022 09:00

Cú sốc thuế hơn 400% với mật ong Việt Nam

Không chỉ mật ong mà ngày càng có nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị các nước nhập khẩu kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế.

Mật ong Việt Nam đón tin không vui khi Bộ Thương mại Mỹ đã công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ lên đến hơn 400%, mức thuế cao nhất đối với một mặt hàng Việt từ trước đến nay.

Thuế cao đến mức khó tin

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) hồi cuối năm 2021 đã ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam. DOC đã xác định biên độ phá giá cho sản phẩm mật ong có xuất xứ từ Việt Nam 410,93%- 413,99% và áp mức thuế tạm thời tương ứng. Dự kiến kết luận chính thức và cuối cùng sẽ được ban hành vào tháng 4-2022 tới đây.

Ông Lê Thanh Vân, Chủ tịch Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam, cho biết Việt Nam đứng đầu trong danh sách các nước xuất khẩu mật ong vào Mỹ. Hiện có khoảng 35 công ty Việt xuất khẩu mật ong, với kim ngạch hằng năm đạt khoảng 70-100 triệu USD. Đáng chú ý, tổng sản lượng mật ong cùng nhiều sản phẩm từ ong khác của cả nước đạt bình quân gần 60.000 tấn/năm, trong đó 90% tiêu thụ qua kênh xuất khẩu và thị trường Mỹ chiếm đến 95% thị phần xuất khẩu của mật ong nước ta.

Mật ong Việt Nam đang phải đối mặt với mức thuế khó tin lên tới hơn 400% khi xuất sang Mỹ. Ảnh: QH

“Với mức thuế chống bán phá giá gây sốc và cao đến mức khó tin như vậy thì khó có thể xuất khẩu mật ong vào thị trường Mỹ. Đây là mức thuế bất hợp lý, vì để mật ong được xuất khẩu vào Mỹ thì phải đạt được các tiêu chuẩn khắt khe từ phía Mỹ, như phải đạt tiêu chuẩn chất lượng của Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA)” - ông Vân nói.

Đại diện một công ty xuất khẩu mật ong cho biết nếu Mỹ áp dụng mức thuế cuối cùng cao như trên thì coi như ngành mật ong mất thị trường này. Vì mật ong nước ta không thể cạnh tranh với các đối thủ khác khi các nước khác cũng bị kiện bán phá giá trong đợt này là Brazil, Ấn Độ, Ukraine, Argentina chỉ bị áp mức thuế thấp hơn nhiều, dưới mức thuế đề xuất đưa ra ban đầu.

“Chúng tôi chỉ còn cách xuất sang các thị trường châu Á với sản lượng ít hơn chứ không có cửa sang thị trường Mỹ” - vị đại diện công ty trên thở dài.

Mức thuế cao không tưởng trên không chỉ tác động tiêu cực đến các công ty xuất khẩu mật ong mà còn là cú sốc lớn với hàng vạn người nuôi ong tại Việt Nam. Anh Mai Vinh, một hộ nuôi ong ở Lâm Đồng, rất bất ngờ khi nghe tin mật ong bị đánh thuế 400%.

“Công ăn việc làm, thu nhập và đầu ra sản phẩm sẽ gặp khó khăn. Mật ong mà không xuất ra nước ngoài được thì nông dân không biết để làm gì vì trong nước tiêu thụ rất ít” - anh Vinh nói.

Hội Nuôi ong Việt Nam cho hay cả nước ước tính có trên 1,7 triệu đàn ong với 3,5 vạn người nuôi ong, tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên và Nam bộ. 

Chủ động ứng phó, nhờ luật sư hỗ trợ

Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam Đinh Quyết Tâm thừa nhận doanh nghiệp (DN) ngành mật ong đa phần là nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nên gần như bị động và hoang mang khi vụ kiện xảy ra. Trong bối cảnh trên, Hội Nuôi ong Việt Nam đã kết hợp với các bộ, ngành liên quan bàn bạc và thống nhất chung phải nhờ luật sư hỗ trợ.

“Hiện nay, đã có trên 20 công ty hợp tác với luật sư để tiến hành cung cấp thông tin, yêu cầu từ cơ quan điều tra của Bộ Thương mại Mỹ, từ đó có giải pháp ứng phó phù hợp” - ông Tâm thông tin.

Đại diện một số công ty mật ong cũng cho hay đã phối hợp với các cơ quan chức năng cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu và dữ kiện phục vụ điều tra theo yêu cầu của phía Mỹ. Đồng thời, một số công ty ủy quyền cho luật sư tại Mỹ tham gia vụ kiện cũng như đề nghị phía Mỹ xem xét lại mức thuế quá cao trên tinh thần khách quan, công bằng.

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NN&PTNT, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mật ong Việt Nam, vì vậy giải pháp quan trọng nhất lúc này là cần sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ban, ngành, cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn cho DN, người nông dân thực hiện yêu cầu từ phía Mỹ. Song song đó xây dựng các chỉ tiêu an toàn về mật ong để có cơ sở đánh giá về chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

Bên cạnh đó, ông Chinh cho rằng cần tăng cường xúc tiến thương mại để đa dạng thị trường xuất khẩu mật ong, tránh phụ thuộc vào mỗi thị trường Mỹ. “Các DN cần đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, tuyên truyền nhiều hơn để người tiêu dùng sử dụng mật ong nhiều hơn nữa” - ông Chinh khuyến nghị.

Không gây thiệt hại vô lý cho người nuôi ong

Mới đây, trả lời câu hỏi của PV đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ Thương mại Mỹ công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ dự kiến lên tới 400% đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Việc phía Mỹ áp dụng mức thuế chống bán phá giá dự kiến như trên đối với mật ong của Việt Nam sẽ tác động hết sức tiêu cực đối với ngành nuôi ong của Việt Nam mà Mỹ là thị trường xuất khẩu chính. “Việt Nam sẵn sàng và thường xuyên trao đổi với Mỹ để giải quyết các vấn đề phát sinh” - bà Hằng nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng thông tin hiện Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT đang tiến hành trao đổi với phía Mỹ ở các cấp khác nhau để giải quyết vụ việc; đề nghị các biện pháp của phía Mỹ trong vấn đề này phải trên cơ sở khách quan, công bằng, theo đúng quy định của WTO; không gây thiệt hại vô lý cho người nuôi ong và DN Việt Nam.

Hơn 200 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại

Theo Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công Thương, đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đến hết năm 2021 đã có 209 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại. Đáng kể, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại rất đa dạng từ nông sản cho đến thép, nhôm, giày dép, gạch men…

Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép, cho biết thép là ngành hàng xuất khẩu bị nhiều nước kiện áp thuế chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế trong những năm qua. Khi bị kiện, các công ty nên chủ động phối hợp và chứng minh xuất xứ với cơ quan điều tra trả lời và cung cấp đầy đủ mọi thông tin, tài liệu, chứng cứ… theo yêu cầu của phía nước ngoài.

Mặt khác, các DN cần chuẩn bị nguồn nhân sự có kiến thức về phòng vệ thương mại, thông qua cơ quan quản lý, cân nhắc lựa chọn công ty luật để tư vấn. 

QUANG HUY

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Tiếp tục thí điểm người Việt chơi casino (28/02/2022)

>   Doanh nghiêp ngóng được hỗ trợ lãi suất 2% (26/02/2022)

>   Ai sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%? (24/02/2022)

>   Gần 330.000 tỷ hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất sau 3 năm đại dịch "càn quét" (24/02/2022)

>   Bộ trưởng Tài chính: 'Sẽ đưa ra giải pháp tối ưu nhất' về thuế môi trường với xăng, dầu (23/02/2022)

>   Bộ Tài chính: Bảo đảm 291.000 tỷ đồng cho Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội (22/02/2022)

>   Ảnh hưởng giảm thuế VAT rất nhỏ bé! (20/02/2022)

>   Hiệu quả của giảm thuế giá trị gia tăng 2% tới đâu? (18/02/2022)

>   Đề xuất bỏ quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu 75% (17/02/2022)

>   Đề xuất sàn thương mại điện tử nộp thuế thay, cung cấp thông tin 4 lần/năm cho cơ quan thuế (17/02/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật