Gần 330.000 tỷ hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất sau 3 năm đại dịch "càn quét"
Sau 3 năm đại dịch "càn quét", tổng giá trị từ các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn lên tới 328.000 tỷ đồng...
Hàng loạt giải pháp về thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
|
Gần đây, một số địa phương như Đồng Nai, Hải Phòng… kiến nghị cần có chính sách miễn thuế, phí, lệ phí hơn nữa để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp. Chẳng hạn, giảm thuế giá trị gia tăng 50% cho năm nay, giảm 30% cho năm 2023. Về thuế thu nhập, giảm 30% trong năm nay và giảm 25% cho năm tiếp theo.
Trả lời kiến nghị các địa phương, Bộ Tài chính cho rằng, đại dịch Covid-19 còn có thể kéo dài, nguy cơ xuất hiện biến chủng mới, nguy hiểm hơn, vaccine và thuốc điều trị có thể tiếp tục khan hiếm. Vì vậy, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2022 không hề dễ dàng.
Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua những khó khăn bởi đại dịch, thời gian qua, Bộ rất khẩn trương, chủ động trình và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất.
Cụ thể, năm 2022, trước diễn biến phức tạp của đại dịch, để góp phần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không nói chung và giúp các doanh nghiệp hàng không phục hồi trong tương lai và trên cơ sở hiệu quả tích cực của việc thực hiện giải pháp giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 1/8/2020 đến nay, năm 2022, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay tiếp tục được giảm khoảng 1.440 tỷ đồng. Từ đó, làm giảm thu ngân sách nhà nước, bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường là khoảng 1.600 tỷ đồng.
Để tiếp tục hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2022, Bộ Tài chính báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện việc giảm các khoản phí, lệ phí trong năm 2022 và ban hành Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 quy định giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí. Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trước những khó khăn, tác động sâu rộng của dịch Covid-19 và không để lỡ nhịp với đà phục hồi kinh tế của khu vực và thế giới, ngày 11/1 vừa qua, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.
Nghị quyết số 43 cũng cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoán chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.
"Số tiền thuế được hỗ trợ sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư. Qua đó, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội", Bộ Tài chính nhận định.
|
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, Bộ Tài chính rất khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43 nêu trên.
Dự kiến các chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43 sẽ tác động giảm thu ngân sách nhà nước của năm 2022 khoảng 51.400 tỷ đồng.
Trong đó, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng là khoảng 49.400 nghìn tỷ đồng. Thực hiện chi phí được trừ đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động, phòng, chống dịch Covid-19 là khoảng 2.000 tỷ đồng.
Như vậy, trong năm 2022, ngân sách dự kiến giảm khoảng 54.000 tỷ đồng trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Trước đó, năm 2021, do hoạt động doanh nghiệp, người dân vẫn xoay xở trong những thách thức của đại dịch, Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền ban hành và thực hiện một số giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với số tiền khoảng 145 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số được gia hạn khoảng 120 nghìn tỷ đồng, số được miễn, giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng.
Chẳng hạn, tiếp tục giảm mức thu hơn 30 loại phí, lệ phí, trong đó có phí sử dụng đường bộ, từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Trong đó, quy định xe kinh doanh vận tải thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục từ 30 ngày trở lên thuộc đối tượng không chịu phí sử dụng đường bộ trong thời gian tạm dừng lưu hành.
Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, Bộ Tài chính cũng khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 quy định các giải pháp về miễn, giảm thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội…
Vào năm đầu xuất hiện đại dịch, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngoài ra, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025. Nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân qua đó giảm nghĩa vụ thuế của cá nhân...
Tổng giá trị hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 31,5 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, sau 3 năm kể từ năm 2020 đại dịch Covid-19 bất ngờ “đổ bộ” , Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền ban hành và thực hiện một số giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với tổng giá trị lên tới 328.000 tỷ đồng. Trong đó, số tiền doanh nghiệp, người dân được miễn, giảm khoảng 110.500 tỷ đồng và số tiền được gia hạn khoảng 217.500 tỷ đồng.
|
Ánh Tuyết
VnEconomy
|