Thứ Ba, 15/03/2022 15:33

Muốn phát triển trái phiếu doanh nghiệp, nên kiểm soát rủi ro hơn là chặn đầu

Tại hội thảo Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán năm 2022 tổ chức sáng 15/03/2022, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra nhiều ý kiến về phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

TS Lê Xuân Nghĩa: Chưa có thị trường trái phiếu chân chính

TS Lê Xuân Nghĩa tham luận tại Hội thảo Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán năm 2022 tổ chức sáng 15/03

Năm 2021 cấu trúc trái phiếu doanh nghiệp gần 1 nửa là bất động sản, 30% từ ngân hàng. Toàn bộ khối lượng trái phiếu trong mấy năm vừa rồi không có bóng dáng khu vực sản xuất trực tiếp như công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, công nghệ cao, thương mại, chỉ tập trung cho ngành đầu cơ lớn nhất là bất động sản.

Tham luận tại Hội thảo, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đánh giá phần lớn các doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào vốn ngân hàng, các loại hình vốn khác có rủi ro cao rất ít được quan tâm. Hơn nữa lãi suất trung dài hạn của thị trường tín dụng khá cao (12-14%) đã đẩy lãi suất TPDN lên mức rất cao, gần với thặng dư vốn bình quân. Vì vậy, các doanh nghiệp sử dụng vốn từ TPDN sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Ngoài ra, kỳ hạn của TPDN chủ yếu là 3 năm cũng là một yếu tố hạn chế khả năng đầu tư và sinh lời của DN khu vực sản xuất thực sự. Chính vì vậy, cơ cấu giá trị của TPDN thường tập trung vào những ngành có yếu tố đầu cơ cao như bất động sản (chiếm 46% tổng số lượng TPDN phát hành) hoặc để gia tăng vốn chủ sở hữu cấp 2 của ngành ngân hàng (chiếm 30% tổng số lượng TPDN phát hành).

Trong đó, lượng lớn TPDN được dùng vào mục đích đảo nợ, góp vốn mua cổ phần hoặc mua bán sáp nhập. Ông Nghĩa cho rằng, cho dù TPDN Việt Nam phát triển rất sơ khai nhưng để phát triển đúng hướng hơn trong tương lai còn rất nhiều vấn đề, quan trọng là muốn giảm lãi suất của thị trường TPDN thì lãi suất tín dụng ngân hàng, đặc biệt lãi suất trung, dài hạn cũng phải giảm.

Theo ông Nghĩa, năm 2022, giả định giá dầu thô toàn cầu tăng 58-60%, giá xăng Việt Nam tăng 30% thì GDP sẽ giảm 1.1-1.2%. Như vậy, dự đoán GDP của năm nay chỉ còn khoảng 5.2-5.5%. Bên cạnh đó, lạm phát có thể tăng 0.9-1%. TTCK năm 2022 vẫn tích cực dù không được như năm 2021, nhờ kỳ vọng lớn nhất từ nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay lại Việt Nam.

Vị chuyên gia đánh giá rằng chúng ta chưa có thị trường trái phiếu chân chính, bởi yếu tố đầu cơ rất lớn. Do đó, vấn đề cốt lõi còn lại để phát triển lành mạnh thị trường TPDN chính là giải quyết các vướng mắc từ phát hành, một là minh bạch thông tin tài chính và mục đích sử dụng vốn của nhà phát hành, hai là luật lệ thực hiện nghiêm túc, ba là phải có thị trường trái phiếu thứ cấp để tăng tính thanh khoản.

Câu chuyện lớn nhất của UBCKNN là làm cho thị trường TPDN được minh bạch, có thị trường thứ cấp hùng mạnh hơn và công tác giám sát chặt chẽ hơn. Lúc này, các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất như công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao, nông nghiệp và thương mại mới thực sự là trụ cột của thị trường này.

TS Vũ Bằng: Không nên thắt TPDN quá chặt

Liên quan tới vấn đề này TS. Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đưa ra nhiều ý kiến phản biện. Theo ông Bằng, để có thị trường trái phiếu hoàn chỉnh còn nhiều gian nan. Vốn vào BĐS cũng tốt cho ngành xây dựng, giảm bớt rủi ro cho ngân hàng, đó là phù hợp. Kỳ hạn dài không nên kỳ vọng ngay mà nên phải ngắn hạn, rồi tốt thì tự nó thành dài hạn. Chưa thể đòi hỏi ngay từ thị trường TPDN, cần có lộ trình. Năm 2021, thị trường này huy động 500,000 tỷ hỗ trợ cho các ngành, các lĩnh vực nên mới có tăng trưởng.

TS Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch UBCKNN

Trong thời gian vừa qua Bộ Tài chính đã có kiểm tra, xử lý phát hành TPDN, tích cực, kịp thời điều chỉnh nghị định, cần có rủi ro để điều chỉnh. Nguyên Chủ tịch UBCKNN hơi băn khoăn với dự thảo gần đây trong quản lý TPDN hơi thái quá, làm khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp gặp khó khăn, khi thắt lại thì lại thắt nhiều quá. Trái phiếu phát hành riêng lẻ phải có nguyên tắc riêng. Sản phẩn này có tính tủi ro cao hơn, nhà đầu tư phải là hiểu biết và tự chịu trách nhiệm rủi ro.

Nhà nước không thể ngăn chặn hết được rủi ro mà chỉ có quy định phù hợp thông lệ quốc tế, tính đến chỗ nào là chỗ rủi ro. Ông Bằng chỉ ra rủi ro lớn nhất hiện nay là phát hành không có TSĐB và đầu tư vào lĩnh vực không có tài sản đảm bảo (TSĐB), lại phát hành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp riêng lẻ. Chỉ nên kiểm soát đầu vào không nên kiểm soát cả sử dụng vốn, làm như vậy không đúng thông lệ.

Theo đó, ông Bằng đề xuất một số phương án kiểm soát đầu vào như trái phiếu không có TSĐB phát hành không được nhiều, so với vốn chủ sở hữu. Hai là phát hành cho cá nhân nhà đầu tư chuyên nghiệp nhưng không quá 100 người để đổ vỡ không lan truyền lớn. Ba là có xếp hạng, minh bạch khi không có TSĐB. Đồng thời, không được cho vay lại khi không có TSĐB thì không được phát hành dài hạn, tối đa 2 năm.

Còn ở đầu ra thì không được cho vay lại, đầu tư vào lĩnh vực không có TSBĐ và sử dụng vốn không đúng mục đích. Cùng với đó chỉ nên kiểm soát bộ phận rủi ro mà không phải tất cả. “Trái phiếu riêng lẻ là dành cho mục tiêu không đại chúng, phục vụ cho công ty chứng khoán, các tổ chức tài chính nhưng giờ ta lại chặn thì không đúng thông lệ”, ông Bằng nhận xét. Theo đó, thị trường trái phiếu muốn phát triển cần tăng minh bạch chứ không phải là cho thêm rào cản.

Chí Kiên

FILI

Các tin tức khác

>   Nhà Khang Điền muốn huy động 2,000 tỷ đồng trái phiếu (04/03/2022)

>   IPA tiếp tục muốn huy động 1,000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu (28/02/2022)

>   DXG huy động thêm tối đa 4,000 tỷ đồng từ trái phiếu, đảm bảo bằng cổ phiếu DXS (17/02/2022)

>   NHNN công bố dự thảo về phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp (17/02/2022)

>   Trái phiếu doanh nghiệp hướng đến giai đoạn phát triển bền vững (04/02/2022)

>   Huy động vốn trên thị trường chứng khoán đạt mức cao kỷ lục trong năm 2021 (30/01/2022)

>   HBC lên kế hoạch huy động 500 tỷ đồng thông qua trái phiếu (28/01/2022)

>   Sửa Nghị định 153: Cẩn trọng nếu không muốn cỗ xe dừng đột ngột (26/01/2022)

>   Đại diện Bộ Tài chính lý giải về cú “bẻ lái” tại dự thảo Nghị định 153 về trái phiếu doanh nghiệp (20/01/2022)

>   Siết phát hành trái phiếu hay là "bóp" doanh nghiệp? (20/01/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật