Đại diện Bộ Tài chính lý giải về cú “bẻ lái” tại dự thảo Nghị định 153 về trái phiếu doanh nghiệp
Xuất phát từ rủi ro thị trường, nỗi lo đổ vỡ hệ thống, dự thảo Nghị định 153 có những quy định mới "mạnh tay" hơn trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, bảo vệ nhà đầu tư...
* Siết phát hành trái phiếu hay là "bóp" doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính).
|
Chia sẻ tại đối thoại chuyên đề: "Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trước tác động dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 20/1, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho hay, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện đạt khoảng 15,9% GDP là một con số rất lớn, vượt ngoài sự tưởng tượng của cơ quan quản lý.
Hiện tăng trưởng tín dụng được điều hành một cách thận trọng hơn, nhất là với những lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, phần thiếu hụt vốn được kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp bù đắp, yểm trợ .
Tuy nhiên, thị trường phát triển nhanh chắc chắn tiềm ẩn những rủi ro. Theo dõi sát diễn biến thị trường, từ năm 2018 đến nay, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định “bẻ lái” thị trường phát triển theo hướng tăng cường minh bạch thông tin, phòng ngừa rủi ro và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trái phiếu.
NHỮNG "KẼ HỞ" TRÊN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU
Nhìn lại 1 năm các quy định nâng “chất” trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực, ông Nguyễn Hoàng Dương cho hay, trong quý 1, thị trường có những dấu hiệu phát triển đúng định hướng nhà quản lý mong muốn. Cụ thể, khối lượng phát hành theo hình thức riêng lẻ giảm, thay vào đó, doanh nghiệp lựa chọn phát hành ra công chúng. Số lượng nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sụt giảm đáng kể, trên 50%.
Bước sang quý 2, tốc độ phát hành trái phiếu tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, trì trệ về kinh tế nhưng doanh nghiệp vẫn có thể huy động vốn để mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, những rủi ro tiềm ẩn bắt đầu nảy sinh.
“Chúng tôi nhận thấy, khối lượng nhà đầu tư cá nhân giảm trên 50%. Nhưng qua theo dõi, bằng cách nào đó, họ vẫn tham gia rất nhiều vào thị trường”, ông Dương đặt câu hỏi. Tại thời điểm thống kê vào hết quý 3/2021, có khoảng gần 300.000 cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường.
Toàn cảnh đối thoại chuyên đề.
|
Trong lĩnh vực xây dựng, nhà đầu tư cá nhân mua khoảng 2% trên thị trường sơ cấp, nhưng trên thị trường thứ cấp, tỷ lệ này gấp 15 lần, lên tới 30%.
Đáng quan ngại, theo Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính, các tổ chức tư vấn phát hành, tổ chức phân phối chào mời nhà đầu tư cá nhân và có hiện tượng “lách” để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
“Trên thị trường sơ cấp, nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp vẫn duy trì tỷ lệ rất thấp khoảng 5,5% tổng mức phát hành trái phiếu của thị trường. Thế nhưng trên thị trường thứ cấp, tỷ lệ mua trái phiếu doanh nghiệp của nhà đầu tư cá nhân lại chiếm gần 30%, thậm chí rất cao trong lĩnh vực bất động sản gần 40%”, ông Dương nêu thực tế.
|
“Lách” ở đây không có nghĩa là sai luật, mà vận dụng những điều pháp luật cho phép để “hô biến” những nhà đầu tư chưa phải nhà đầu tư chuyên nghiệp để trở thành những nhà đầu tư chuyên nghiệp, theo quy định của pháp luật và được nhà đầu tư chấp thuận.
“Thế nhưng, nhà đầu tư cá nhân vẫn là chính họ, chưa thể đánh giá hay lường hết những rủi ro của doanh nghiệp phát hành cũng như trái phiếu họ mua”, đại diện Bộ Tài chính chỉ rõ.
Bên cạnh đó, qua quản lý giám sát thị trường, nhiều trường hợp doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu hạn chế hay những doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn huy động được khối lượng lớn trái phiếu. Lại có những doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng không gắn việc sử dụng vốn với mục đích phát hành, có hiện tượng lưu chuyển vốn lòng vòng giữa các tổ chức phát hành và tổ chức thực chất sử dụng vốn.
Liên quan đến chất lượng tổ chức cung cấp dịch vụ, trong đó, các công ty chứng khoán thiếu chất lượng khi có thiên hướng xây dựng hồ sơ phát hành có lợi hơn cho doanh nghiệp.
“Thị trường Việt Nam có đặc thù khi chúng ta càng khuyến nghị, càng cảnh báo, nhà đầu tư lại có thiên hướng tăng đầu tư và cũng chưa quan tâm đến rủi ro. Chúng tôi đang thiết kế hành lang pháp lý hướng quản lý chặt chẽ hơn trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ”, ông Dương nhấn mạnh.
Phản hồi ý kiến về việc có thể để một vài vụ vỡ nợ trái phiếu xảy ra, để người dân, nhà đầu tư biết thực chất đấy là rủi ro, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, không phải vì trái phiếu doanh nghiệp đổ vỡ hàng loạt mà gây mất an toàn về mặt hệ thống, nhưng điều này gây nguy hiểm khi các khoản vay trái phiếu sẽ liên thông với tín dụng ngân hàng và các tổ chức tài chính khác trong nền kinh tế.
Vì vậy, cần thiết phải hoàn thiện khung khổ pháp lý, một mặt, để tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp, một mặt, giảm thiểu những rủi ro về mặt thị trường, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo an toàn của thị trường”.
VỪA NẮN CHỈNH, VỪA KHƠI THÔNG PHÁP LÝ
Trước những quan ngại đó, chỉ vỏn vẹn sau 1 năm thi hành, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết thêm, Bộ Tài chính hiện đang chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước làm việc với Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam có những thiết kế tháo gỡ những khó khăn, “khơi thông” về quy trình cũng như thời gian thẩm định việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, đem lại lợi ích cho nhiều bên.
Theo đó, nhà đầu tư mua trái phiếu sẽ yên tâm hơn, mặc dù rủi ro vẫn do nhà đầu tư chịu hoàn toàn nhưng trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng có “tấm lá chắn” do được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rà soát và cấp phép trước khi phát hành. Doanh nghiệp cũng có lợi hơn, nhất là với những công ty đại chúng do việc công bố thông tin không phải là một “gánh nặng”.
Bộ Tài chính cũng đang chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có những giải pháp để phát triển song song các kênh khác để có thể bù đắp kênh trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp có thay đổi về khung pháp lý, như các quỹ đầu tư về trái phiếu, các loại hình quỹ đầu tư, quỹ hưu trí khác.
“Một điểm quan trọng chúng tôi sẽ đưa vào các quy định để nhanh chóng thiết lập thị trường thứ cấp giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, một mặt, thị trường nhà đầu tư có thêm nhiều kênh thông tin để đầu tư và giao dịch. Đồng thời, về phía cơ quan quản lý cũng sẽ có những thông tin ở trên thị trường thứ cấp để điều hành thị trường”, ông Dương cho hay. Hiện nay, Bộ Tài chính nắm bắt thông tin về giao dịch thứ cấp hoàn toàn qua các tổ chức lưu ký, không mang tính chất liên tục, đồng bộ.
"LẤN CẤN" GÌ TRONG DỰ THẢO MỚI?
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cú “bẻ lái” chính sách tại dự thảo Nghị định 153 có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch tài chính và dòng tiền của doanh nghiệp, thậm chí ngăn cản quyền tự do huy động vốn của doanh nghiệp.
Cụ thể, Điều 1.1 dự thảo (sửa đổi Điều 5.1 Nghị định 153) cấm doanh nghiệp phát hành trái phiếu để góp vốn dưới hình thức góp vốn hoặc mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải nêu cụ thể mục đích phát hành tại phương án phát hành theo quy định tại Điều 13 Nghị định này và công bố thông tin cho nhà đầu tư đăng ký mua trái phiếu. Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp phải đảm bảo chỉ được sử dụng cho chính doanh nghiệp phát hành, đúng mục đích theo phương án phát hành và nội dung công bố thông tin cho nhà đầu tư.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Hoàng Dương cho hay, Bộ Tài chính thu hẹp mục đích sử dụng vốn trong phát hành trái phiếu xuất phát từ rủi ro thị trường.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép mà doanh nghiệp hoàn toàn chủ động phát hành.
Bên cạnh đó, “nhà đầu tư cá nhân bất chấp mua bằng mọi giá gây nỗi lo về rủi ro của hệ thống, chúng tôi thấy rằng điều dễ đánh giá rủi ro nhất là doanh nghiệp huy động làm gì. Còn doanh nghiệp huy động để chuyển vốn cho công ty con hoặc góp vốn một công ty khác trong tương lai không biết như thế nào, sẽ khó đánh giá rủi ro hơn”, ông Dương giải thích. Với mục đích sử dụng vốn như vậy, nên chăng chúng ta sẽ định hướng doanh nghiệp vay ngân hàng hoặc thực hiện phát hành ra công chúng?
“Chúng tôi cũng sẽ phải cân nhắc, giảm thiểu những rủi ro thông qua quy định tỷ lệ đòn đẩy, quy mô huy động trên vốn chủ sở hữu với loại hình sản phẩm tài chính này. Đồng thời, nghiên cứu kỹ việc đánh đổi khi hạn chế mục đích phát hành, quy định giới hạn được huy động”.
Ông Nguyễn Hoàng Dương.
|
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, xét trên bình diện tổng thể của thị trường, để cơ quan quản lý, giám sát rất khó khăn khi nhìn nhận, phân biệt những rủi ro có thể chấp nhận được, rủi ro dòng tiền lòng vòng trong nền kinh tế. Chính vì vậy, Bộ Tài chính mới thiết kế điều khoản này.
Tuy nhiên, ông Dương cũng thừa nhận, trong thực tế, công ty con mới thành lập thường non trẻ, vì vậy, huy động vốn rất khó nhưng công ty mẹ có tiếng tăm, có uy tín trên thị trường thường huy động vốn để thực hiện đầu tư vào công ty con hoặc góp vốn vào dự án của công ty con. Nhất là những doanh nghiệp bất động sản khi phát triển dự án, thường thành lập những doanh nghiệp mới, tách biệt để hoạt động minh bạch, rõ ràng.
Một điểm nổi bật khác tại dự thảo dành được nhiều sự quan tâm đó là, Điều 1.2 Dự thảo (sửa đổi Điều 8.1.d) chỉ rõ: “a1. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp phát hành sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích tại phương án phát hành trái phiếu hoặc cam kết với nhà đầu tư thì nhà đầu tư yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu mua lại trái phiếu trước hạn.”.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, thứ nhất, nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ phải giám sát trái phiếu phát hành bởi vì đây là trái phiếu riêng lẻ và không cần cơ quan quản lý nhà nước cấp phép. Do vậy, khi thấy rằng vốn không được sử dụng đúng mục đích, nhà đầu tư được quyền yêu cầu doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu, là một quyền chính đáng.
Ngoài ra, Thông tư 16 ngày 10/11/2021 của Ngân hàng Nhà nước và các văn bản trước đây cũng quy định tổ chức tín dụng chỉ được đầu tư vào trái phiếu nếu có điều khoản cam kết mua lại sau khi phát hành, đây không phải là một điểm mới.
Thứ hai, trong dự thảo sửa Nghị định 153 cũng quy định về người đại diện người sở hữu trái phiếu, sẽ thay mặt nhà nhà đầu tư yêu cầu doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu trong trường hợp không sử dụng đúng mục đích. Quy định về người đại diện sở hữu trái phiếu, trách nhiệm đại diện người sở hữu trái phiếu đã được quy định ở pháp luật chứng khoán. Lúc đó chúng ta sẽ căn cứ vào pháp luật chứng khoán để xử lý trong trường hợp này.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành nhằm tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành, đồng thời giúp thị trường có thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro của trái phiếu, tiệm cận với thông lệ quốc tế, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới bắt buộc phải có định mức tín nhiệm, chứ không phải tất cả các trường hợp. Nhờ đó, giúp các nhà đầu tư cá nhân có thêm một chỉ báo, cố gắng giảm thiểu hơn nữa rủi ro đối với nhà đầu tư khi đưa ra quyết định.
"Đến năm 2030, Bộ Tài chính sẽ cấp phép tối đa 5 doanh nghiệp xếp hạng định mức tín nhiệm. Đây chính là mắt xích còn thiếu của thị trường tài chính Việt Nam”, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) nhấn mạnh.
|
Ánh Tuyết
VnEconomy
|