Thứ Bảy, 05/03/2022 15:05

Loạt địa phương 'ế' đất đấu giá vì giá khởi điểm quá cao

Cho rằng mức giá khởi điểm của các lô đất đấu giá quá cao, chưa tương xứng với hạ tầng đi kèm, nên nhiều nhà đầu tư từ chối mua hồ sơ đấu giá đất, khiến chính quyền một số địa phương phải tổ chức khảo sát, đánh giá lại tình hình.

Đất đấu giá “ế ẩm” vì giá khởi điểm quá cao

Thông tin mới đây, Sở TN&MT Quảng Ngãi yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh này tổ chức rà soát, đánh giá khả năng đấu giá thành công đối với 116 lô đất đoạn từ đường sắt Bắc - Nam đến đường Hoàng Văn Thụ thuộc dự án Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư trục đường Bàu Giang - Cầu Mới (TP Quảng Ngãi) đang khiến nhiều người bất ngờ.

Được biết, việc Sở TN&MT Quảng Ngãi yêu cầu rà soát lại khả năng đấu giá thành công của 116 lô đất này, là vì trước đó tất cả các lô đất liên tục đấu giá thất bại. Nguyên nhân một phần là do hạ tầng dự án này chưa được đấu nối hoàn chỉnh, khi đường Lê Duẩn chưa thể hình thành và kết nối với đường Trường Chinh, kết nối về phía trung tâm TP Quảng Ngãi; hiện trạng là khu dân cư đã xuống cấp, cỏ mọc um tùm, người dân chăn thả trâu bò, đổ rác thải khắp dự án. Hơn nữa, kết quả định giá đất khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất của đơn vị tư vấn được cho là quá cao, không được thị trường chấp nhận.

Khu dân cư với 116 lô đất, đoạn từ đường sắt Bắc - Nam đến đường Hoàng Văn Thụ thuộc dự án Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư trục đường Bàu Giang - Cầu Mới (TP Quảng Ngãi) biến thành bãi chăn thả trâu bò sau nhiều lần đấu giá không thành công. (Ảnh: Quốc Triều)

Cụ thể, theo quyết định phê duyệt giá khởi điểm vào năm 2021, lô đất diện tích 100 m2 có giá khởi điểm đấu giá thấp nhất là 985,3 triệu đồng (9,85 triệu đồng/m2). Dự kiến, nếu đấu giá thành công, 116 lô đất này sẽ mang về nguồn thu ít nhất khoảng 285 tỷ đồng. Nhưng thực tế, nhiều người dân và nhà đầu tư cho rằng mức giá này quá cao, so với hiện trạng mặt bằng và khu vực xung quanh, do đó không ai đấu giá thành công.

Cũng mới đây, ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thuỷ (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) cho biết, 9 lô đất tại thôn Hòa Bình đã mở bán đấu giá nhưng không có người mua hồ sơ, vì thế phải đấu lại.

Trước đó, hồi cuối tháng 1/2022, Công ty đấu giá hợp danh Minh Nhật (Hà Tĩnh) thông báo đấu giá quyền sử dụng đất đối với 9 lô đất vừa nêu, trong đó 8 lô cùng diện tích 160m2/lô có giá khởi điểm 3,5 tỷ đồng, bước giá 176 triệu đồng, riêng lô số 24 diện tích 262,21m2 có giá 4,7 tỷ đồng, bước giá 237 triệu đồng. Như vậy, với giá khởi điểm trên, 1m2 đất tại khu vực này có giá từ 18 -22 triệu đồng/m2 đất.

Người dân cho rằng giá khởi điểm của 9 lô đất đấu giá tại thôn Hòa Bình, xã Lâm Trung Thuỷ (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) quá cao, nên không có người mua hồ sơ.

Dự kiến ngày 21/2 sẽ mở hồ sơ công bố kết quả trúng đấu giá. Tuy nhiên, do mức giá khởi điểm các lô đất đưa ra đấu giá quá cao nên không có người mua hồ sơ. Theo ghi nhận của Tiền Phong, toàn bộ 9 lô đất đang là cánh đồng lúa, hạ tầng chưa hoàn thiện. Việc 9 lô đất khu vực nông thôn được đưa ra giá khởi điểm quá cao khiến nhiều người dân địa phương bất ngờ, lo lắng khi nhu cầu cần đất sử dụng tại địa phương rất nhiều nhưng giá cao, dân không có tiền để mua.

Trong khi đó, đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Cầu Giấy (Hà Nội) mới đây cho biết, liên quan đến phiên đấu giá 25 lô đất thuộc khu X4 phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội), có mức giá trúng cao nhất gần 400 triệu đồng/m2, đến nay người đấu giá trúng 4 lô đất đã bỏ cọc. Trước đó, khi thông tin 25 lô đất tại khu X4 được đem ra đấu giá có diện tích từ 38,1 - 84,8 m2; có giá khởi điểm từ 104,7 - 182,3 triệu đồng/m2, tổng giá khởi điểm của mỗi lô đất từ 4,1 - 9,2 tỷ đồng, cũng đã khiến nhiều người sửng sốt, vì giá khởi điểm cao ngất ngưởng so với mặt bằng chung.

Tăng cường công tác kiểm soát đất đấu giá

Trước đó, đánh giá về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương, Bộ Xây dựng cho biết, theo tổng hợp báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện quy định của Luật Đất đai, Luật Đấu giá tài sản, Luật Quản lý Thuế, các địa phương đã đẩy mạnh áp dụng hình thức đấu giá để giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Bộ Xây dựng nhận định, nhìn chung, việc giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đã hạn chế được tiêu cực, lợi dụng cơ chế "xin - cho", chỉ định đối tượng được giao đất, thuê đất để mưu lợi cá nhân, làm thất thoát tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, góp phần bổ sung nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương.

Trong đó, việc giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện ngày càng phổ biến và mở rộng về quy mô, tăng giá trị thu được qua các năm. Đồng thời, việc tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện công khai, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đạt được, việc đấu giá quyền sử dụng đất còn tồn tại không ít tiêu cực, hạn chế. Ví dụ như, trong quá trình tổ chức thực hiện đấu giá, đặc biệt đấu giá đất ở tại một số nơi còn có hiện tượng "cò đấu giá", "quân xanh - quân đỏ" lộng hành, thông đồng, dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá, gây mất an ninh, trật tự, thất thoát nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia đấu giá.

Khu đất gần 5ha ở Cổ Dương, huyện Đông Anh (Hà Nội), ban đầu được xác định giá trị bán đấu giá khoảng 500 tỷ đồng. Thế nhưng, bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Y Dược Vimedimex đã dùng "quân xanh, quân đỏ", cấu kết cán bộ tổ chức dìm giá, xuống còn khoảng 300 tỷ.

Đáng chú ý, là còn có tình trạng để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước khi cuộc đấu giá diễn ra và tình trạng "xã hội đen" đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá phải xin rút hồ sơ; thông đồng giữa Tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để dìm giá, như vụ đấu giá đất tại Đông Anh, Đan Phượng (Hà Nội).

Ngoài ra, còn có hiện tượng trúng đấu giá ở mức rất cao, rồi "bỏ cọc", tạo mặt bằng "giá ảo" để thao túng thị trường, mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá khác thu lợi bất chính diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi, thậm chí mang tính tổ chức. Như trường hợp đấu giá 4 lô đất tại Thủ Thiêm (TP HCM), gây bất ổn cho thị trường bất động sản cả nước.

Để giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đấu giá, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương về kiểm soát nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản và tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản. Bởi Bộ này cho rằng việc một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm (có trường hợp cao bất thường có thể tạo tác động tiêu cực đối với thị trường nhà ở, bất động sản).

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành công điện chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong đấu giá đất, ngăn chặn lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.

 

Lập Đông

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Giá căn hộ hạng C ở TP.HCM tiệm cận mốc 60 triệu đồng/m2 (04/03/2022)

>   Vì sao mỗi năm hàng trăm triệu phú đổ tiền đầu tư định cư tại Ireland? (04/03/2022)

>   Khi ngân hàng “sắm” công ty chứng khoán (02/03/2022)

>   Bỏ yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải có vốn 20 tỷ đồng (01/03/2022)

>   Bỏ nhà phố, tôi tiếc nuối khi không mua căn hộ sớm hơn (01/03/2022)

>   Triển vọng thị trường căn hộ khu Tây (28/02/2022)

>   Đến lượt TT-Huế ngăn chặn lợi dụng đấu giá đất gây nhiễu loạn thị trường (26/02/2022)

>   Nhận diện những chiêu môi giới BĐS bán dự án 'ma' (26/02/2022)

>   Chuyên gia lý giải vụ 'cò đất' dựng rạp, vài phút bán chục lô đất (25/02/2022)

>   Hà Nội còn nhiều vi phạm trong sử dụng nhà ở xã hội (25/02/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật