Hà Nội còn nhiều vi phạm trong sử dụng nhà ở xã hội
Một số dự án được “chỉ mặt” như: Dự án 30 Phạm Văn Đồng tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy tự ý cải tạo đập thông 2 căn hộ để mở rộng diện tích. Hoặc 57 trường hợp cho ở nhờ, thuê lại và không sử dụng tại sự án ngõ 622 phố Minh Khai…
Những năm qua, Hà Nội đã thực hiện nhiều cơ chế ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, góp phần an sinh xã hội. Tuy nhiên thực tế vẫn có trường hợp trục lợi dẫn tới việc tồn tại vi phạm trong sử dụng loại hình nhà ở này.
ĐẬP THÔNG ĐỂ MỞ RỘNG DIỆN TÍCH
Báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, giai đoạn 2016 – 2020, Sở đã xét duyệt cho 23 dự án nhà ở xã hội với 12.659 căn hộ, tương đương khoảng hơn 1,2 triệu m2 sàn nhà ở được bán, cho thuê. Việc xét duyệt cơ bản thực hiện đúng trình tự, thủ tục. Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát sử dụng nhà ở xã hội, Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp đối tượng mua, thuê nhà ở xã hội sử dụng không đúng mục đích như: Cải tạo đập thông 2 căn hộ để mở rộng diện tích, cho ở nhờ, cho thuê lại hoặc không sử dụng.
Đáng chú ý tại Quyết định số 5488/QĐ-UBND về chuyên đề "Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025" do UBND TP đã ban hành đã “chỉ mặt” những dự án sai phạm, như: Dự án 30 Phạm Văn Đồng thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy đã cải tạo đập thông 2 căn hộ để mở rộng diện tích. Các trường hợp cho ở nhờ, thuê lại hoặc không sử dụng, gồm: Dự án ngõ 622 phố Minh Khai với 57 trường hợp; khu nhà ở ô đất CC-1 Khu đô thị Quốc Oai 65 trường hợp...
Nguyên nhân vi phạm được xác định do chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, UBND quận, huyện nơi có dự án và các bên liên quan chưa thực hiện tốt việc giám sát đối tượng sau khi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định. Bên cạnh đó cũng có những vi phạm của người dân về sử dụng không đúng mục đích, tự thay đổi thiết kế.
Còn trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về chương trình nhà ở xã hội giai đoạn 2015 – 2018, thông tin đã đề cập đến một số dự án lập dự toán theo phương án tính giá bán sai khối lượng, đơn giá đơn cử như: Dự án khu nhà ở Gia Quất, phường Thượng Thanh thuộc quận Long Biên 13,1 tỷ đồng; Dự án 5B2 lô đất ký hiệu 5.B2, 5.B4, 5.B5 thuộc khu tái định cư Đông Hội, huyện Đông Anh 16,2 tỷ đồng; Dự án ở ô đất B8.NXH thuộc quy hoạch chi tiết Khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội 103,9 tỷ đồng; Dự án xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê ô đất N04 và một phần ô đất N03 (ký hiệu N03B) 20,9 tỷ đồng; Dự án tại ô đất ký hiệu N05 là 7,2 tỷ đồng...
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, xây dựng các dự án nhà ở giá rẻ là giúp giải quyết vấn đề nhà ở giá rẻ cho các hộ gia đình có trong chính sách hiện hành như: cán bộ công chức, viên chức, sĩ quan quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Công nhân làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, các đối tượng trả lại nhà công vụ gặp khó khăn về nhà ở… Vì vậy không thể để tồn tại hành vi trục lợi cá nhân hay lợi dụng “lòng tốt” của xã hội làm ảnh hưởng đến những người thực sự có nhu cầu.
PHẢI XÉT DUYỆT ĐỐI TƯỢNG MUA NHÀ Ở XÃ HỘI
Kiên quyết ngăn chặn tình trạng bát nháo nhà ở xã hội, UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản giao cho Sở Xây dựng chủ trì cùng các Sở Tài chính, Kế hoạch đầu tư, Lao động thương binh và xã hội, UBND các quận, huyện, thị xã có dự án trên địa bàn lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật.
Việc kiểm tra phải chú ý tới công tác lập dự toán, xác định giá bán và giá bán thực tế của các chủ đầu tư dự án. Đặc biệt là tập trung vào xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định. Sở dĩ cần quản lý việc sử dụng nhà ở xã hội của các đối tượng đã được mua, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn là nhằm xác định các trường hợp bán lại, cho thuê, cho ở nhờ, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích và tự ý thay đổi thiết kế công trình, căn hộ.
Ngoài ra cũng cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan khi xảy ra sai phạm, không xử lý dứt điểm. Đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về nhà ở xã hội nếu có và đề xuất các biện pháp khắc phục.
Đồng tình, một số chuyên gia lên tiếng: nhà ở xã hội luôn được hưởng những ưu tiên do Nhà nước quy định cụ thể về tiền thuế, tiền sử dụng đất, vay vốn ưu đãi lãi suất... để có mức giá ưu đãi nhằm phục vụ nhu cầu của người thu nhập thấp, người nghèo. Trong quá trình kinh doanh, quản lý, sử dụng cả chủ đầu tư và người dân nếu thực hiện sai thì không những bị xử nghiêm mà phải xử thật nghiêm nhằm răn đe cho toàn xã hội.
Theo các chuyên gia, nhằm quản lý sử dụng, kinh doanh nhà ở xã hội hiệu quả thì cơ quan quản lý Nhà nước từ cấp cơ sở phải vào cuộc mạnh mẽ, tăng tính răn đe, tránh tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi, gây ra hệ lụy về sau. Bên cạnh đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, rà soát, tổng hợp công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản toàn quốc theo quy định.
Thanh Xuân
VnEconomy
|