Lạm phát sẽ tăng nhưng không quá cao
“Giá xăng dầu tăng quá cao đã làm che mờ tác động tích cực từ gói hỗ trợ phục hồi, đặc biệt là gói giảm VAT. Tuy nhiên, lạm phát quý 1/2022 sẽ giữ mức 2-2,2% và cả năm sẽ không tăng quá cao”, ông Nguyễn Bá Khang, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính quốc gia thuộc Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự báo…
Kể từ ngày 25/2/2022 tới nay, giá dầu thô thế giới tăng quá nhanh và đột biến.
|
Phát biểu tại tọa đàm trực tuyến “Kiểm soát lạm phát – Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế” do Tạp chí Hải quan tổ chức chiều ngày 9/3, ông Nguyễn Bá Khang khẳng định đà tăng giá xăng dầu trong thời gian qua và đặc biệt những ngày gần đây đang tạo áp lực rất lớn lên công tác điều hành giá và kiểm soát lạm phát.
LẠM PHÁT QUÝ 1/2022 DỰ KIẾN TĂNG 2-2,2%
Theo đại diện Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, từ năm 2015 đến nay, lạm phát được kiểm soát tốt, dao động từ 2-3%; trong đó lạm phát lõi chỉ từ 1-2%. Đây là mức tốt so với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.
Đáng chú ý, công tác kiểm soát lạm phát trong thời gian qua được phối hợp rất tốt, đã tạo nền tảng nhất định để tạo điều kiện cho kinh tế Việt Nam chống chọi được với cú sốc giá bên ngoài.
Ông Nguyễn Bá Khang, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính quốc gia, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.
|
Tuy vậy, kể từ ngày 25/2/2022 tới nay, giá dầu thô thế giới tăng quá nhanh và đột biến. Chỉ trong vòng 2 tuần, Trung tâm Thông tin năng lượng Hoa Kỳ phải liên tục điều chỉnh giá giao dịch bình quân dầu thô, đến nay đã tăng hơn 50% so với giá giao dịch năm 2021. Điều này, kéo theo đà tăng giá của các loại hàng hóa cơ bản khác trên thị trường như sắt thép, phân bón, than đá… và tạo áp lực lớn lên lạm phát.
“Theo tính toán của chúng tôi, lạm phát bình quân quý 1/2022 so với năm 2021 có thể tăng trong khoảng 2%- 2,2%”, ông Khang nhận định.
Phân tích thêm, ông Khang cho biết, cùng với đà tăng giá cả hàng hóa cơ bản, việc bắt đầu đưa gói phục hồi kinh tế với quy mô lớn vào đời sống chắc chắn sẽ thúc đẩy tổng cầu lớn tạo yếu tố gây áp lực lên lạm phát. Tuy nhiên, áp lực này sẽ chậm hơn do độ trễ của chính sách
Chu kỳ lạm phát này khác với các chu kỳ lạm phát trước. Đó là, ở các chu kỳ lạm phát trước, tổng cầu gia tăng quá nhanh, cao hơn sản lượng tiềm năng của nền kinh tế đã tạo ra sự chênh lệch sản lượng và gây áp lực lên lạm phát. Trong khi đó, lạm phát lần này bị tác động bởi sự thiếu hụt cung hàng hóa cơ bản để phục vụ cho sản xuất.
Vì vậy, trong bối cảnh áp lực lạm phát rất lớn như hiện nay, ông Khang cho rằng rất khó để đòi hỏi tăng trưởng ở mức đề ra trước đó mà lạm phát vẫn ở mức dưới 4%.
“Liệu chúng ta có đang tự bó hẹp tiềm năng của mình? Chúng ta có chấp nhận ở mức lạm phát cao hơn một chút, có thể điều chỉnh lạm phát bình quân ở mức dưới 5% (cộng trừ 1%) để đạt mức tăng trưởng kỳ vọng hay không?”, ông Khang đặt câu hỏi.
LẠM PHÁT TĂNG KHÔNG LO TỶ GIÁ
Nhận định về đề tăng giá xăng dầu, đại diện Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng xăng dầu thế giới trong xu thế tăng kể từ tháng 3/2021 khi các nền kinh tế thế giới bước vào giai đoạn phục hồi.
“Đà tăng này cộng thêm xung đột giữa Nga – Ukraine làm giá dầu tăng nhanh, mạnh và đột biến hơn trong những ngày gần đây”, ông Khang nói.
Sự tăng giá đột biến này tạo áp lực lớn lên lạm phát và đẩy nhu cầu chuyển dịch sang kênh tài sản khác như vàng hoặc bất động sản của nhà đầu tư gia tăng.
“Tuy vậy, lạm phát không phải là nguyên nhân chủ yếu khiến vàng tăng giá”, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính quốc gia khẳng định.
Song tại thời điểm này, đầu tư vào vàng khá rủi ro bởi thường sau mỗi chu kỳ tăng ngắn hạn, vàng sẽ quay đầu giảm ít nhất từ 10-20% tùy thuộc vào tình hình địa chính trị thế giới.
Về tỷ giá, tỷ giá của Việt Nam không phục thuộc lớn vào lạm phát mà là động thái của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) vào ngày 16/3 tới đây. Bởi nếu quan sát kỹ có thể thấy, hiện nay lạm phát tại Việt Nam còn thấp hơn lạm phát tại Mỹ.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Bá Khang cũng cho rằng, việc ổn định tỷ giá trong bối cảnh hiện nay của chúng ta không phải là vấn đề đáng lo ngại bởi trong cả một giai đoạn vừa qua chúng ta đã tạo được nền tảng có nhiều yếu tố thuận lợi để ổn định tỷ giá. Theo đó, phương thức điều hành đã giúp cho cung cầu ngoại tệ ổn định hơn trong khi dự trữ ngoại hối tăng lên rất nhanh, điều này tạo sự thuận lợi lớn trong chính sách tiền tệ và điều hành tỷ giá trong năm 2022.
Anh Nhi
VnEconomy
|