Khôi phục và phát triển kinh tế: Thay đổi tư duy cải cách
Để khôi phục và phát triển kinh tế, các chính sách về cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh cần được thực hiện đồng đều và nhất quán, trong đó thay đổi về tư duy cải cách là điểm mấu chốt.
Ảnh minh họa.
|
Cải cách phải theo thực tế, chiều sâu
Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ được xem là “chìa khóa” để phục hồi và phát triển kinh tế. Bởi tiếp tục thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong năm 2022, như cải thiện chất lượng, nâng cao thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh đồng bộ với cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của các tổ chức Moody’s, S&P và Fitch.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quyết tâm cải thiện Năng lực cạnh tranh 4.0 theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), như nâng xếp hạng chỉ số Kiểm soát tham nhũng lên 10 bậc, chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai lên ít nhất 1 bậc, chỉ số Tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) lên 2-3 bậc; cải thiện về Năng lực Đổi mới sáng tạo theo xếp hạng của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), trong đó nâng xếp hạng nhóm chỉ số Hạ tầng công nghệ thông tin và chỉ số Tuyển dụng lao động thâm dụng tri thức, chỉ số Giáo dục đại học lên ít nhất 5 bậc.
Tuy nhiên, kết quả cải thiện môi trường kinh doanh xét trên bình diện chung bị chậm lại bởi tác động của Covid-19, khi cả nước phải chia sẻ nguồn lực, thời gian, công sức cho công tác phòng chống dịch bệnh. Trong khi đó, nền kinh tế bị suy giảm, cùng với yêu cầu phải ban hành các quyết sách nhanh và kịp thời trong phòng chống dịch, lại đòi hỏi phải đẩy nhanh cải cách thể chế cả ở mức độ và tốc độ. Đây chính là nghịch lý của thực tiễn.
Thí dụ, so sánh với khu vực, quốc tế, nhiều lĩnh vực dù có cải thiện song thứ hạng của Việt Nam trên một số khía cạnh vẫn còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc (năm 2021 so sánh với năm 2020), như chỉ số Đổi mới sáng tạo giảm 2 bậc từ thứ 42 xuống 44; Quyền tài sản tụt hạng 78 xuống 84; Cảm nhận tham nhũng giảm từ 96 xuống thứ hạng 104...
Đúng là thời gian qua tốc độ cải cách đang có sự chững lại, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân cải cách đang chững lại do chúng ta chưa tập trung vào chất lượng thực tế, chiều sâu. Chúng ta đã cải cách trong suốt thời gian dài, nên các vấn đề cải cách hiện tại không chỉ nằm trong phạm vi một bộ, mà đòi hỏi cần có sự phối hợp của rất nhiều bộ, ngành.
Thí dụ, vấn đề kiểm tra chuyên ngành là lĩnh vực đòi hỏi không chỉ của riêng Bộ Công Thương hay Bộ Y tế, mà đòi hỏi có sự phối hợp của liên bộ. Hay như cạnh tranh quốc tế. Nghị quyết 02 đặt vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh phải mang tính cạnh tranh quốc tế, nên cũng là điều khiến việc thực hiện cải cách của chúng ta khó khăn hơn. Bởi đòi hỏi thực tiễn của nhà đầu tư buộc chúng ta phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu bối cảnh cạnh tranh mới hiện nay.
Nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng có những thuận lợi. Đầu tiên là cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, các cơ quan Trung ương và địa phương. Kế đến Quốc hội hiện nay rất năng động, ngay cả kỳ họp bất thường Quốc hội vừa qua cũng chỉ để giải quyết một vấn đề là gỡ bỏ những rào cản về thể chế liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội. Những động thái này cho thấy sự sẵn sàng của các cơ quan - ngay cả cơ quan lập pháp cao nhất - trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.
Phải đồng đều và nhất quán
Hiện nay, bất ổn đang gia tăng cùng với những lo ngại từ xung đột Nga - Ukraine. Trước mắt, có thể thấy ngay các DN du lịch tiếp tục chịu tác động tiêu cực, khi khách du lịch quốc tế có thể phải tính toán lại kế hoạch của họ. Chi phí đầu vào các hoạt động sản xuất đang có xu hướng tăng khi giá xăng tăng cao.
Hồi đầu năm, khi nói về kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế, chúng ta chưa lường đến những điều này. Ngay cả số liệu về đăng ký DN 2 tháng đầu năm 2022, với tỷ lệ DN rút lui cao hơn DN thành lập mới, cũng chưa thể hiện hết khó khăn DN đang đối diện.
Thời gian qua, có tỉnh, địa phương làm rất tốt, như Quảng Ninh, hay ngành điện, ngành bảo hiểm cũng có những cải cách rất chủ động. Tuy nhiên, hoạt động của DN là quá trình từ gia nhập thị trường đến các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, nên phải làm việc với rất nhiều cơ quan, tuân thủ các chuỗi quy trình, thủ tục.
Do vậy Nghị quyết 02 đã nói rất rõ. Trong thời gian tới Bộ KH-ĐT là đơn vị chủ trì nên tập trung vào cải cách đồng đều hơn. Bởi nếu vẫn để tồn tại tình trạng cải cách không đồng đều như hiện nay, sẽ làm hạn chế rất nhiều đến kết quả chung, cải cách của chúng ta bị giảm đi lợi ích. Tôi rất mong muốn DN đóng vai trò giám sát quá trình và kịp thời phản ánh thông tin đến Chính phủ về những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ.
Tóm lại, cải cách sẽ khó khăn hơn, đòi hỏi sâu hơn, toàn diện hơn ở cả góc độ yêu cầu nhà đầu tư, DN và cuộc đua với các quốc gia khác để thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao. Vì vậy, với những gì đã làm được, câu hỏi cần trả lời là có thể làm tốt hơn không, có cách khác thực sự tốt hơn nữa không.
Theo tôi là có, nhưng vấn đề nằm ở quy định, ở tư duy và ở hành động. Cơ hội để tạo ra những cải cách cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn nữa đang rất mở, khi Quốc hội sẵn sàng vào cuộc sớm, cùng với Chính phủ trong rà soát, đánh giá hệ thống pháp luật. Bởi lẽ lúc này 1 dự án mất 2-3 năm làm thủ tục sẽ không DN nào muốn tham gia.
Cải cách mà nơi làm nhanh, nơi làm chậm, giống như đường cao tốc lắm ổ gà, lối cắt ngang, DN không thể tăng tốc được, chưa kể rủi ro sập hố.
|
Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực UBKT Quốc hội ĐBQH thuộc đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
SGĐTTC
|