Lạm phát tăng, thất nghiệp có giảm?
Từ đầu năm 2022, giá bán nhiều loại hàng hóa trên thị trường có sự biến động theo chiều hướng gia tăng. Gần đây do xung đột Nga - Ukraine, cùng với những bất cập của nguồn cung xăng dầu trong nước, càng khiến nguy cơ lạm phát luôn hiện hữu. Theo lý thuyết kinh tế, giữa 2 đại lượng lạm phát và thất nghiệp có sự đánh đổi, nhưng thực tế có diễn ra như vậy?
Ở Việt Nam chạy xe công nghệ thế này không thể gọi là thất nghiệp. Nhưng thực tế do thất nghiệp phải bươn chải và không ổn định.
|
Đường cong Phillips đang “phẳng” hơn
Các nhà hoạch định chính sách khi đưa ra các quyết định tài khóa và tiền tệ, thường cân nhắc đến sự đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp để có sự điều chỉnh liều lượng phù hợp. Sự đánh đổi này được gọi là đường cong Phillips (lấy theo tên của nhà kinh tế A.W. Phillips sau khi ông đăng kết quả nghiên cứu của mình về sự tương quan nghịch giữa tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thay đổi tiền lương ở Anh giai đoạn 1861-1957).
Điều này củng cố các lý luận của trường phái Keynes, vốn chú trọng vào tổng cầu. Khi có sự gia tăng tổng cầu trong ngắn hạn, dẫn đến sản lượng hàng hóa và dịch vụ lớn hơn ở mức giá cao hơn. Sản lượng lớn hơn có nghĩa tạo ra việc làm nhiều hơn, dẫn đến thất nghiệp giảm, nhưng kèm theo đó khi mức giá cao hơn sẽ thúc đẩy tỷ lệ lạm phát tăng (và ngược lại). Tuy nhiên, hiện nay lạm phát lại dường như trở nên không hoặc ít liên quan với tình trạng thất nghiệp, tạo ra đường cong “phẳng” hơn.
Từ những năm 1950-1960, ở Mỹ tính tương quan nghịch giữa lạm phát và thất nghiệp dường như vẫn hiện hữu. Cho đến thập niên 70, Mỹ trải qua thời kỳ lạm phát rất cao nhưng kinh tế lại đình đốn và tỷ lệ thất nghiệp cao, gây ra tình trạng đình lạm. Hiện tượng này được giải thích do kỳ vọng về lạm phát của người lao động (NLĐ) đã tăng quá nhiều. Có nghĩa lạm phát được ghi nhận trong khoảng thời gian này phản ánh suy nghĩ, sự mong đợi của công chúng, thị trường và nền kinh tế đối với mặt bằng giá cả trong tương lai, và do đó thoát khỏi sự ảnh hưởng của tỷ lệ thất nghiệp.
Ngoài ra, lạm phát trong nước còn bị tác động do nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Khi người dân của một quốc gia mua sắm bất cứ thứ gì từ phần còn lại của thế giới, sự biến động giá của hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu này tác động đến tỷ lệ lạm phát trong nước, đặc biệt là các mặt hàng quan trọng, nhạy cảm như xăng, dầu.
Ở góc độ điều tiết, các ngân hàng trung ương (NHTW) cũng đóng một phần nguyên nhân cho sự “phẳng hóa” đường cong Phillips. Với việc theo đuổi các chính sách nghịch chu kỳ, các NHTW sẽ tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ khi nhận thấy lạm phát có khả năng gia tăng, và ngược lại khi lạm phát có dấu hiệu giảm chính sách được nới rộng. Hệ quả, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên trước khi lạm phát tăng và giảm xuống trước khi lạm phát giảm. Những chính sách này nhằm giữ lạm phát không đổi bằng cách điều chỉnh tỷ lệ thất nghiệp.
Bất cập trong công tác thống kê ở Việt Nam
Trong giai đoạn 2010-2020, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam thường xuyên có sự biến động lớn, lên đến đỉnh điểm 18% vào năm 2011. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp không thay đổi quá nhiều trong cùng giai đoạn. Do đó, ở Việt Nam cũng không có mối quan hệ rõ rệt giữa tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát theo đường cong Phillips.
Câu hỏi đặt ra, ngoài các yếu tố gây nhiễu trên, sự thiếu gắn kết theo đường cong Phillips của thất nghiệp và lạm phát tại Việt Nam còn bị tác động bởi yếu tố nào? Đây là câu hỏi khó có câu trả lời chính xác, bởi các thống kê tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam có những bất cập về mức độ trung thực và chính xác của các thông tin về việc làm và lao động.
Trong quý II và III-2021, khi dịch Covid-19 lên cao điểm, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam lần lượt 2,62% và 3,98%. Tuy đã tăng nhiều so với đầu năm nhưng vẫn khá thấp so với cảm nhận nhiều doanh nghiệp. Bởi lẽ, trong thời gian này rất nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, 80-90% NLĐ khu vực du lịch, khách sạn bị mất việc làm. Riêng TPHCM có đến hơn 99% doanh nghiệp ngừng hoạt động, kéo theo không ít NLĐ mất thu nhập. Trong khi đó, con số này trong cùng thời gian của các nước nhóm G7 lần lượt 5,53% và 5%, và các nước OECD 6,46% và 5,91%.
Việt Nam thuộc top các quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới, nhưng liệu thành tựu này có khả quan? Theo định nghĩa của Tổng cục Thống kê (TCTK), người thất nghiệp là những người từ đủ 15 tuổi trở lên trong thời kỳ tham chiếu hội đủ các yếu tố: không làm việc; đang tìm kiếm việc làm; sẵn sàng làm việc; đặc biệt chế độ trợ cấp an sinh xã hội tốt của Chính phủ dành cho người thất nghiệp. Điều đó có thể lý giải vì sao tỷ lệ này tại các nước phát triển lại cao hơn nhiều các nước đang phát triển. Ở Việt Nam NLĐ khó có thể trụ nổi nếu không có việc làm.
Như trong thời gian dịch bệnh, nếu theo định nghĩa của TCTK, những người bị mất việc nhưng để bươn chải qua ngày nên tìm những công việc bấp bênh như chạy xe ôm công nghệ, phụ việc vặt, chạy bàn trả lương theo giờ. Hay những công việc không có hợp đồng lao động khi tham gia khu vực kinh tế phi chính thức không thể tính là thất nghiệp. Thế nhưng cuộc sống của họ chẳng thể gọi là “không thất nghiệp” được. Đó là chưa kể những người vẫn còn nguồn tài chính dự trữ nên chưa đi tìm công việc mới do tình hình không ổn định, chấp nhận nghỉ việc tạm thời.
Theo công bố của TCTK, CPI tháng 2-2022 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ 2021. Dường như điều này khá hoan hỷ khi các thành tích về kiềm chế lạm phát vẫn được duy trì. Nhưng để có được thành tích ổn định kinh tế vĩ mô này, đôi khi có thể cái giá phải trả là tỷ lệ thất nghiệp tăng trong thực tế. Và vì chúng ta vẫn chưa có các thước đo chính xác, nên cũng không ai có thể bày tỏ nỗi lòng của NLĐ dù lạm phát thấp và ổn định kinh tế vĩ mô.
Đường cong Phillips không phải là công cụ hoàn hảo để hoạch định chính sách, nhưng chí ít cũng có cơ sở bằng các dữ liệu thống kê chính xác. Trong khi ở Việt Nam thiếu các công cụ thống kê chính xác tỷ lệ thất nghiệp, khiến NLĐ chịu thiệt thòi.
|
Lê Dương Anh Tuấn, Trường Kinh doanh, Đại học UEH
SGĐTTC
|