Thứ Ba, 01/03/2022 10:24

Hàng loạt công ty nước ngoài tháo chạy khỏi Nga

Xung đột Nga-Ukraine đã và đang châm ngòi cho cuộc tháo chạy của hàng loạt công ty khỏi nước Nga.

Ngày càng nhiều công ty cắt quan hệ hoặc xem xét lại hoạt động kinh doanh tại Nga khi các Chính phủ nước ngoài tăng biện pháp trừng phạt, đóng không phận với Nga và chặn một số ngân hàng nước này tiếp cận với hệ thống SWIFT. Một số công ty kết luận rằng rủi ro về danh tiếng và tài chính là quá lớn khi tiếp tục làm ăn tại Nga. Hoạt động tại Nga giờ gặp phải rất nhiều vấn đề.

Đồng Rúp có lúc giảm tới 30% trong ngày 28/02 sau khi Mỹ cấm giao dịch với NHTW Nga. Điều này làm cản trở khả năng Nga sử dụng dự trữ ngoại hối 630 tỷ USD để bảo vệ đồng Rúp.

Đối với một số công ty, quyết định rút khỏi Nga là hồi kết cho nhiều thập kỷ đầu tư béo bở tại nước này. Các gã khổng lồ năng lượng nước ngoài đã rót tiền vào nước này kể từ thập niên 90.

Nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Nga, BP, dẫn đầu xu hướng tháo chạy này khi bất ngờ thông báo sẽ thoái 20% vốn cổ phần khỏi Rosneft – tập đoàn năng lượng quốc doanh của Nga. Động thái này sẽ cắt giảm khoảng 1/3 sản lượng dầu khí toàn cầu của BP.

Ngày 28/02, tập đoàn Shell cũng nối bước BP. Vì “động thái xâm lấn vô cớ của Nga”, Shell cho biết sẽ chấm dứt mối quan hệ đối tác với công ty quốc doanh Gazprom của Nga, bao gồm mối quan hệ hợp tác tại cơ sở sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng Sakhalin-II và dự án đường ống dẫn Nord Stream 2. Cả hai dự án này trị giá khoảng 3 tỷ USD. Bộ trưởng Kinh doanh Anh Kwasi Kwarteng đã gặp CEO Shell Ben van Beurden để bàn về việc làm ăn của Công ty tại Nga.

“Shell đã đưa ra quyết định đúng đắn”, ông tweet. “Cuộc tiến công này hẳn là một thất bại về chiến lược dành cho Putin”.  

Equinor ASA, Công ty năng lượng lớn nhất của Na Uy và dưới sự hậu thuẫn của Nhà nước, cũng thông báo bắt đầu rút khỏi mối quan hệ liên doanh với Nga trị giá 1.2 tỷ USD. “Ở tình hình hiện tại, chúng tôi không thể giữ lại khoản đầu tư này”, CEO Anders Opedal cho biết. Hiện tại chỉ còn Exxon Mobil và TotalEnergies là công ty có hoạt động khai thác dầu đáng kể tại Nga.

“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có thêm các thông báo rút vốn từ các công ty nước ngoài”, Allen Good, Chiến lược gia tại Morningstar, cho hay. “BP chịu áp lực lớn từ Chính phủ Anh. Tôi không chắc TotalEnergies có đối mặt với áp lực tương tự hay không vì mối quan hệ giữa Pháp và Nga rất khác”.

Khi Liên minh Xô-viết sụp đổ, các công ty nước ngoài nhận thấy cơ hội khổng lồ – một thị trường tiêu thụ hàng triệu dân cùng với các mỏ khai thác khoáng sản và dầu khí – và bắt đầu rót tiền vào nước Nga.

Giữa lúc Nga khởi động cuộc tiến công vào Ukraine, xu hướng đó đã chững lại hoàn toàn. Quỹ đầu tư tài sản quốc gia Na Uy – quỹ lớn nhất trên thế giới – cho biết họ đang đóng băng tài sản Nga trị giá 2.8 tỷ USD và sẽ đưa ra kế hoạch rút vốn trước ngày 15/03.

Nhiều công ty luật và kế toán cũng đang tìm đường thoái lui. Đến nay, Baker McKenzie là một trong số ít công ty luật công khai sẽ cắt đứt quan hệ với một vài khách hàng của Nga để tuân theo lệnh trừng phạt. Các khách hàng của Baker McKenzie bao gồm Bộ Tài chính Nga, ngân hàng VTB (lớn thứ hai tại Nga). Công ty luật này cũng cho biết đang xem xét lại hoạt động tại Nga.

Áp lực cũng đang đè nặng lên các công ty có doanh số bán hàng và quan hệ liên doanh với Nga. Daimler Truck Holding – một trong những nhà sản xuất xe tải thương mại lớn nhất thế giới – cho biết sẽ ngừng việc làm ăn tại Nga cho tới khi có thông báo mới và có thể xem xét lại mối quan hệ với đối tác liên doanh Kamaz PJSC.

Volvo Car AB và Volvo AB, hai công ty sản xuất xe tải, cũng thông báo tạm ngưng bán hàng và sản xuất tại Nga. Harley-Davidson cho biết đã tạm ngưng hoạt động kinh doanh ở Nga. Được biết, Nga cùng với phần còn lại của châu Âu và Trung Đông chiếm 31% doanh số bán hàng của Harley-Davidson trong năm 2021.

General Motors cho biết họ đang tạm ngừng vận chuyển hàng tới Nga, “vì nhiều yếu tố bên ngoài, bao gồm đứt gãy chuỗi cung ứng và các vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của Công ty”. GM xuất khẩu 3,000 chiếc xe/năm tới Nga.

Các công ty khác có làm ăn với Nga chứng kiến cổ phiếu lao dốc. Cổ phiếu Renault SA của Pháp lao dốc tới 12% trong ngày 28/02 vì lo ngại về lệnh trừng phạt với Nga – thị trường lớn thứ hai của họ. Công ty con AvtoVaz của Renault sản xuất các dòng xe mang thương hiệu Lada và chiếm 20% thị phần tại Nga. Renault cũng sản xuất xe Kaptur, Duster và các dòng xe khác tại nhà máy ở Moscow.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI

Các tin tức khác

>   5 mối lo của doanh nghiệp châu Á trước khủng hoảng Nga - Ukraine (01/03/2022)

>   Ukraine chính thức đệ đơn xin gia nhập EU (01/03/2022)

>   Đàm phán không đột phá, chiến sự tiếp tục ở Kyiv, Kharkiv (01/03/2022)

>   NHTW Nga nâng lãi suất từ 9.5% lên 20%, ngăn người nước ngoài bán tháo cổ phiếu (28/02/2022)

>   Nền kinh tế Nga nhỏ đến kinh ngạc (28/02/2022)

>   Chiến sự tại Ukraine làm rối loạn ngành hàng không toàn cầu (28/02/2022)

>   Chung cư ở Chernihiv trúng tên lửa (28/02/2022)

>   Cục diện “bàn cờ khí đốt” giữa xung đột Nga-Ukraine (28/02/2022)

>   Nga - Ukraine đàm phán tại biên giới Belarus (28/02/2022)

>   YouTube chặn chức năng kiếm tiền của kênh truyền thông nhà nước Nga (27/02/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật