Thứ Hai, 28/02/2022 11:12

Chung cư ở Chernihiv trúng tên lửa

Cơ quan liên lạc đặc biệt của Ukraine cho biết một tên lửa đã bắn trúng tòa chung cư ở trung tâm thành phố Chernihiv, cách thủ đô Kyiv 150 km theo hướng đông bắc.

Cơ quan này nói rằng đám cháy đã bùng phát ở hai tầng, hiện chưa rõ con số thương vong.

Trước đó, còi báo không kích của thành phố đã vang lên. Người dân được yêu cầu sơ tán đến nơi trú ẩn gần nhất, theo Kyiv Independent.

Nhiều tiếng nổ tại Kyiv và Kharkiv

Kyiv đã yên tĩnh được vài giờ trước khi những tiếng nổ lại nổi lên sáng 28/2, theo tuyên bố ngắn gọn trên Telegram của cơ quan truyền thông đặc biệt của nhà nước Ukraine.

"Những tiếng nổ lại xuất hiện ở Kyiv và Kharkiv". Trước đó, thủ đô Ukraine yên tĩnh được vài giờ", cơ quan này cho biết.

Ông Zelensky: 24 giờ tiếp theo mang tính "quyết định"

Trong cuộc điện đàm hôm 27/2 với thủ tướng Anh, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói 24 giờ tiếp theo có vai trò “quyết định” đối với Ukraine, Reuters dẫn lời một người phát ngôn cho Văn phòng Thủ tướng Anh.

Đáp lại, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước này và đồng minh sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo các hỗ trợ quốc phòng tới được Ukraine, người phát ngôn nói trong một tuyên bố.

Đoàn xe quân sự Nga dài hơn 5 km tiến về Kyiv

Hình ảnh vệ tinh được chụp hôm 27/2 cho thấy các lực lượng trên mặt đất của Nga đang di chuyển về hướng thủ đô Kyiv của Ukraine từ cách đó khoảng 64 km về phía nam, Reuters đưa tin.

Maxar cho biết các hình ảnh thu được cho thấy Nga đang triển khai hàng trăm phương tiện quân sự kéo dài hơn 5 km.

Theo Maxar, bên cạnh xe chở nguyên liệu và hậu cần, đoàn xe còn bao gồm các phương tiện bọc thép như xe tăng và pháo tự hành.

quân đội Nga tiến về Kyiv ảnh 1

Hình ảnh vệ tinh cho thấy lực lượng mặt đất của Nga ở phía đông bắc Ivankiv đang tiến về hướng Kyiv, Ukraine ngày 27/2. Ảnh: Maxar.

Hình ảnh đoàn xe lớn của quân đội tiến về Ukraine được báo cáo trong bối cảnh các cuộc tấn công về phía tây bắc thủ đô nước này và một cuộc tấn công vào thành phố Kharkiv ở phía đông đều được cho là đã bị đẩy lùi.

Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko cho biết hiện không có quân đội Nga nào ở thủ đô, nhưng 9 dân thường, 18 máy bay chiến đấu và 4 người chưa rõ danh tính đã thiệt mạng ở Kyiv kể từ khi giao tranh nổ ra vào ngày 24/2.

Bộ Nội vụ Ukraine cho biết tính đến nay, tổng số người thiệt mạng ở Ukraine sau các cuộc tấn công của Nga là 352.

Ít nhất 14 người thiệt mạng là trẻ em, theo Bộ Nội vụ Ukraine. 1.684 người khác, trong đó có 116 trẻ em, đã bị thương.

Tại các khu vực ven biển phía nam, quân đội Nga dường như đang tăng cường sức mạnh và có dấu hiệu thay đổi chiến thuật khi các cuộc tấn công bằng tên lửa được triển khai nhằm vào các mục tiêu cố định.

Các quan chức Mỹ và Ukraine tin rằng mục tiêu quân sự chính của Nga là bao vây Kyiv và lật đổ chính phủ.

quân đội Nga tiến về Kyiv ảnh 2

Binh sĩ Ukraine kiểm tra xe bọc thép bị phá hủy của Nga ở Kharkiv hôm 27/2. Ảnh: AFP.

Các hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy thiệt hại do các cuộc không kích gần đây vào sân bay Antonov ở Hostomel và giao tranh ác liệt ở trong và gần sân bay, Maxar đưa tin.

Lính dù Belarus sẽ tới Ukraine?

Kyiv Independent ngày 28/2 đưa tin máy bay vận tải Ilyushin Il-76 đầu tiên sẽ đưa lính dù Belarus đến Ukraine. Họ sẽ tới Kyiv hoặc Zhytomyr để hỗ trợ quân đội Nga.

Các cảnh báo về cuộc không kích đã được phát ở Kyiv, Vinnytsia và Chernivtsi, theo Kyiv Independent.

Ukraine: Máy bay không người lái đẩy lùi lực lượng Nga

Các lực lượng vũ trang Ukraine ngày 27/2 công bố đoạn phim cho thấy máy bay không người lái của họ phá hủy hệ thống tên lửa BUK của Nga.

Tổng tư lệnh Valerii Zaluzhnyi cho biết cuộc tấn công bằng máy bay không người lái diễn ra gần thị trấn Malyn thuộc vùng Zhytomyr, cách Kyiv khoảng 100 km về phía tây bắc.

Nga - Ukraine bắt đầu cuộc đàm phán vào sáng 28/2

Hãng tin TASS dẫn nguồn tin cho biết cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga và Ukraine sẽ bắt đầu vào sáng 28/2.

"Cuộc họp không phải bị hoãn. Sự kiện sẽ bắt đầu trong buổi sáng. Nguyên do là vấn đề hậu cần của phái đoàn Ukraine", nguồn tin cho biết.

Ông Vladimir Medinsky - người đứng đầu phái đoàn Nga và là trợ lý của Tổng thống Vladimir Putin - trước đó nói rằng họ đạt thỏa thuận với phía Ukraine hôm 27/2 tiến hành cuộc họp ở vùng Gomel của Belarus.

quân đội Nga tiến về Kyiv ảnh 3

Ông Vladimir Medinsky - người đứng đầu phái đoàn Nga và là trợ lý của Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: TASS.

Phái đoàn Nga đã rời Minsk và tới địa điểm họp. Theo nguồn tin của TASS, nơi họp cụ thể không được tiết lộ.

Trong khi đó, phía Ukraine tiết lộ cuộc đàm phán được diễn ra ở khu vực gần sông Pripyat, nằm giữa biên giới Ukraine - Belarus. Địa điểm này được cho là phù hợp với các bên.

Đồng rúp giảm gần 20%

Đồng rúp của Nga đã giảm gần 20%, xuống mức thấp kỷ lục mới so với đồng USD vào ngày 28/2.

Đồng euro cũng giảm hơn 1% sau khi các quốc gia phương Tây công bố một loạt biện pháp nghiêm khắc trừng phạt Nga vì cuộc tấn công ở Ukraine, bao gồm loại một số ngân hàng nước này khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, theo Reuters.

Cụ thể, đồng rúp rớt giá xuống mức thấp nhất khi 104 rúp đổi 1 USD, giảm hơn 19%. Đồng euro cũng giảm 1,15%, xuống còn 1,114 USD trong giao dịch đầu giờ ở châu Á.

Đây là đà giảm trong ngày lớn nhất trong gần hai năm trở lại.

Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết thêm Sberbank Europe, một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của hệ thống ngân hàng lớn nhất tại Nga Sberbank, do Moscow sở hữu phần lớn, cũng đang có nguy cơ phá sản, cùng với các chi nhánh Croatia và Slovenia.

Theo Bloomberg, do lo ngại đồng rúp mất giá sau hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây, nhiều người dân Nga quyết định xếp hàng dài tại các điểm rút tiền để tích trữ ngoại tệ.

Nhà Trắng kêu gọi Trung Quốc phản ứng hành động của Nga ở Ukraine

Nhà Trắng đã kêu gọi Trung Quốc lên án các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine hôm 27/2 khi cuộc chiến vẫn tiếp tục diễn ra và Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt các lực lượng hạt nhân trong tình trạng báo động cao nhất.

"Đây không phải là thời điểm để đứng bên lề. Đây là thời điểm để lên tiếng và lên án hành động của Tổng thống Putin cùng việc Nga tấn công một quốc gia có chủ quyền", Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết.

Động thái bất thường của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc

Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi tổ chức một phiên họp đặc biệt khẩn cấp của Đại hội đồng trước các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Đây là lần đầu tiên sau 40 năm hội đồng đưa ra yêu cầu như vậy.

Nga đã bỏ phiếu chống nghị quyết trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất bỏ phiếu trắng.

Cuộc họp khẩn cấp sẽ được tổ chức vào ngày 28/2.

“Đây không phải là một thời điểm bình thường. Chúng ta cần phải có hành động đặc biệt để đối phó mối đe dọa đối với hệ thống quốc tế của chúng ta, và làm mọi thứ có thể để giúp Ukraine cùng người dân nước này”, New York Times dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield.

Bà Thomas-Greenfield nói rằng Tổng thống Vladimir Putin đã đặt lực lượng hạt nhân của Nga vào tình trạng báo động cao, “mặc dù ông ấy đang tấn công một quốc gia không có vũ khí hạt nhân và không chịu mối đe dọa nào từ NATO, một liên minh phòng thủ sẽ không chiến đấu ở Ukraine”.

“Đây là những vấn đề ảnh hưởng đến tất cả quốc gia thành viên. Và bây giờ, tại Đại hội đồng, tất cả họ đều có thể nói lên tiếng nói của mình về cuộc chiến mà Nga lựa chọn”, bà Thomas-Greenfield nói.

“Chúng tôi sẽ bỏ phiếu về một nghị quyết buộc Nga phải chịu trách nhiệm trước những hành động vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc”.

Nhà Trắng phản ứng tuyên bố của ông Putin

Người phát ngôn Nhà Trắng ngày 27/2 nói việc Nga đặt các lực lượng răn đe - bao gồm vũ khí hạt nhân - trong tình trạng “cảnh báo cao” là hành động leo thang căng thẳng vô cớ.

"Tổng thống Putin trong suốt cuộc xung đột này đã dựng nên các mối đe dọa không tồn tại để biện minh cho những hành động gây hấn hơn nữa”, bà Jen Psaki nói với ABC.

Ngoài ra, một quan chức chính quyền cấp cao hôm 27/2 nói với CNN rằng động thái của Tổng thống Nga Vladimir Putin là "một bước leo thang khác và hoàn toàn không cần thiết".

"Ở mỗi bước của cuộc xung đột này, ông Putin đã đưa ra những lời đe dọa để biện minh cho các hành động gây hấn hơn. Nga chưa bao giờ bị Ukraine hoặc NATO đe dọa, trong khi NATO vốn là một liên minh phòng thủ và sẽ không chiến đấu ở Ukraine", quan chức này nói.

"Lý do duy nhất mà lực lượng của ông Putin phải đối mặt với mối đe dọa ngày hôm nay là vì họ đã tiến quân vào một quốc gia có chủ quyền và không có vũ khí hạt nhân”, họ nói thêm.

Trước đó trong ngày 27/2, Tổng thống Putin ra lệnh cho lực lượng hạt nhân chuẩn bị trạng thái "cảnh báo" trước áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

EU sẽ mua vũ khí cho Ukraine

Các quan chức cho biết hôm 27/2, Liên minh châu Âu (EU) sẽ mua vũ khí cho Ukraine để chống lại các cuộc tấn công của Nga.

“Lần đầu tiên, EU sẽ viện trợ việc mua và vận chuyển vũ khí, các thiết bị khác cho một quốc gia đang bị tấn công”, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cho biết.

quân đội Nga tiến về Kyiv ảnh 4

Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, tại cuộc họp báo ở Brussels ngày 27/2. Ảnh: AFP.

Một nguồn tin của ủy ban nói với Reuters rằng họ có kế hoạch chi hơn 500 triệu USD trong quỹ của EU để mua vũ khí cho Ukraine, và thêm hơn 55 triệu USD cho các hạng mục khác bao gồm cả vật tư y tế.

EU cũng có kế hoạch đóng cửa không phận của mình đối với máy bay Nga, bao gồm cả máy bay phản lực riêng của các nhà tài phiệt, đồng thời cấm các kênh truyền hình do nhà nước Nga hậu thuẫn như RT và Sputnik.

Nhiều nước viện trợ quân sự cho Ukraine

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson hôm 27/2 tuyên bố sẽ viện trợ quân sự, bao gồm vũ khí chống tăng, mũ sắt và áo giáp cho Ukraine.

Đây là lần đầu tiên Thụy Điển gửi vũ khí đến một quốc gia đang có xung đột vũ trang kể từ khi năm 1939.

“Thụy Điển đang đề xuất hỗ trợ trực tiếp cho các lực lượng vũ trang của Ukraine. Khoản viện trợ bao gồm 135.000 khẩu phần ăn dã chiến, 5.000 mũ sắt, 5.000 áo giáp và 5.000 vũ khí chống tăng”, bà Andersson nói.

quân đội Nga tiến về Kyiv ảnh 5

Xe thiết giáp Nga cháy trên đường phố Kharkiv, Ukraine ngày 27/2. Ảnh: AP.

Tổng thống Ukraine cho biết Bỉ cũng có kế hoạch gửi hàng nghìn súng máy và hàng trăm súng phóng lựu chống tăng tới nước này.

Mỹ khuyến cáo công dân rời Nga ngay lập tức

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 27/2 khuyến cáo các công dân nước này cân nhắc rời khỏi Nga ngay lập tức.

“Ngày càng nhiều hãng hàng không hủy các chuyến bay đến và rời khỏi Nga, trong khi nhiều quốc gia đã đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không Nga. Công dân Mỹ nên xem xét rời Nga ngay lập tức thông qua các lựa chọn hiện có”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm 27/2.

Tháng trước, Mỹ đã cảnh báo công dân nước này không nên đến Nga vì căng thẳng dọc biên giới với Ukraine cũng như "khả năng gặp rắc rối đối với công dân Mỹ, cũng như sự hạn chế của Đại sứ quán trong việc hỗ trợ công dân Mỹ ở Nga".

Khuyến cáo mới nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ với công dân nước này ở Nga được đưa ra giữa lúc chiến dịch tấn công của Nga tại Ukraine đã kéo dài 4 ngày.

Mỹ kéo dài sứ mệnh của 4.000 binh sĩ ở châu Âu

Hơn 4.000 binh sĩ Mỹ đã được triển khai tạm thời đến châu Âu trước đó sẽ kéo dài thời gian thực hiện nhiệm vụ trong vài tuần.

Đây được xem là nỗ lực của Mỹ nhằm trấn an các đồng minh Đông Âu trong cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine.

Đội chiến đấu của Lữ đoàn Thiết giáp 1 thuộc Sư đoàn Bộ binh 1 đã được lên kế hoạch trở về Mỹ vào tháng 3. Nhưng lực lượng này sẽ ở lại và tiếp tục các nhiệm vụ huấn luyện, răn đe cùng với các quốc gia như Ba Lan, Romania và các nước Baltic.

“Tôi không muốn suy đoán về một mốc thời gian, nhưng hãy yên tâm rằng (việc triển khai quân đội Mỹ ở châu Âu) sẽ chỉ kéo dài chừng nào chúng còn cần thiết”, John Tomassi, phát ngôn viên của Lục quân Mỹ ở châu Âu, nói với CNN.

Ngoài lữ đoàn, các lực lượng hỗ trợ cũng sẽ được kéo dài thêm thời gian làm nhiệm vụ.

Trong vài năm, Washington đã thường xuyên luân chuyển các lữ đoàn chiến đấu, cùng với các phương tiện thiết giáp trong và ngoài châu Âu, để giúp duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ.

EU muốn kết nạp Ukraine

Trong cuộc phỏng vấn hôm 27/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết bà muốn Ukraine trở thành thành viên của khối này.

"Ukraine là một trong số chúng tôi và chúng tôi muốn họ tham gia vào", Euronews dẫn lời bà Von der Leyen.

Bình luận của bà được đưa ra vài giờ sau khi 27 quốc gia EU quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử EU viện trợ mua và vận chuyển vũ khí, các thiết bị khác cho một quốc gia đang bị tấn công.

Minh An Quốc Đạt

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Cục diện “bàn cờ khí đốt” giữa xung đột Nga-Ukraine (28/02/2022)

>   Nga - Ukraine đàm phán tại biên giới Belarus (28/02/2022)

>   YouTube chặn chức năng kiếm tiền của kênh truyền thông nhà nước Nga (27/02/2022)

>   Xung đột Nga - Ukraine: Trận đánh cuối cùng ở Kiev? (26/02/2022)

>   Xung đột Nga - Ukraine tác động tới nền công nghiệp ô tô thế giới như thế nào? (26/02/2022)

>   Mỹ áp lệnh trừng phạt Tổng thống Putin (26/02/2022)

>   S&P, Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm của Nga và Ukraine (26/02/2022)

>   ECB: Tình hình Ukraine có thể ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Eurozone (26/02/2022)

>   Thăng trầm của ngành công nghiệp lông thú thật ở Mỹ (26/02/2022)

>   Hàng không vẫn đối mặt nguy cơ phá sản khi trở lại bầu trời (26/02/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật