Dù làn sóng mở lại biên giới trên toàn cầu đang đưa các hãng hàng không vực dậy từ khủng hoảng, sự phục hồi này có thể là quá muộn với một số hãng bay đang đối mặt nguy cơ phá sản cao...
Đại dịch Covid-19 đã làm tê liệt ngành hàng không quốc tế hai năm qua khi các quốc gia đóng cửa biên giới và áp đặt các biện pháp hạn chế đi. Giờ đây, nhiều chính phủ đang bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới và hạn chế nhập cảnh.
Tuy nhiên, một phân tích của Bloomberg, châu Á dường như đang chậm chân trong làn sóng mở cửa trở lại này, với Trung Quốc đại lục và Hồng Kông gần như vẫn hoàn toàn tách biệt. Trong khi đó, tình hình tài chính của một số hãng hàng không trong khu vực đã xấu đi kể từ sau phân tích tương tự được Bloomberg thực hiện vào tháng 3 và tháng 11/2020.
MẮC KẸT TRONG VŨNG LẦY
Trong khi chính phủ những nơi như Mỹ, châu Âu đã bơm nhiều tỷ USD để hỗ trợ ngành hàng không, điều này lại không diễn ra ở nhiều nơi khác, khiến các hãng bay kiệt quệ tài chính phải triển khai tái cấu trúc theo quyết định của tòa án hoặc làm việc trực tiếp với các chủ nợ.
“Những hãng hàng không này vốn đã ở trong trạng thái tài chính tồi tệ trước khi đại dịch Covid-19 ập đến”, Mark Martin, người sáng lập hãng tư vấn Martin Consulting LLC tại Dubai cho biết. “Hầu hết các hãng này hiện vẫn mắc kẹt trong vũng lầy đó bởi thị trường mà họ thường phục vụ đóng băng vì đại dịch và họ chẳng còn cách nào khác để thu hút khách bay”.
Sử dụng phương pháp Z-score dự đoán các vụ phá sản do giáo sư tài chính người Mỹ Edward Altman phát triển vào những năm 1960, Bloomberg đã tiến hành nghiên cứu các hãng hàng không thương mại lớn niêm yết để xác định những hãng đang đối mặt với nguy cơ phá sản lớn nhất.
Phục hồi cũng phải thông minh. Tất cả đều chạy đua từ số 0. Giờ đây điều quan trọng là chạy nhanh để nắm bắt thị trường, duy trì mạng lưới và hoạt động của mình.
Mark Martin - Martin Consulting LLC
|
Theo đó, điểm số dưới 1,8 cho thấy nguy cơ phá sản, còn điểm số trên 3 thể hiện tình hình ổn định của hãng bay. Phân tích này không tính đến các nguồn hỗ trợ vốn bổ sung tiềm năng.
Z-score sử dụng 5 biến số gồm: tính thanh khoản, khả năng thanh toán, khả năng sinh lời, đòn bẩy và hiệu quả hoạt động gần đây. Mô hình Z-score ban đầu có tỷ lệ dự báo các vụ phá sản chính xác tới 95%, tuy nhiên, con số này sau đó giảm xuống còn 80-90% với các dự báo về việc mất khả năng thanh toán trong vòng một năm, giáo sư Altman cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2018.
Phân tích của Bloomberg không bao gồm các hãng bay không vận hành, hãng bay cho thuê bao chuyến và những hãng có số lượng máy bay ít.
Theo đó, trong số các hãng hàng không có điểm số Z-score thấp nhất, có 6 hãng nằm ở châu Á, nơi lưu lượng khách bay giữa các khu vực vẫn ở mức thấp hơn 61% so với trước đại dịch. Trong khi đó, tỷ lệ này ở châu Âu và Mỹ lần lượt là khoảng 25% và 0,5%.
Chiến lược “không Covid” (zero Covid) của Bắc Kinh đang gây ra những hạn chế nghiêm trọng trong việc đi lại quốc tế của khách du lịch Trung Quốc, phủ bóng đen lên triển vọng tăng trưởng của ngành hàng không.
Tuy nhiên, điểm sáng trong hoạt động vận chuyển hàng hóa đã giúp bù đắp phần nào cho doanh thu bị mất từ vận tải hành khác nhờ nhu cầu lớn với các loại hàng hóa, từ máy tính xách tay cho tới vaccine trong đại dịch.
Vận tải hàng hóa đã giúp hãng hàng không giá rẻ SpiceJet Ltd của Ấn Độ - công ty nằm trong danh sách có nguy cơ phá sản năm 2020 – có lãi trở lại trong quý 4/2021.
LÀN SÓNG TÁI CƠ CẤU NỢ
Tháng 9 năm ngoái, hãng tư vấn Ascend by Cirium cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, ít nhất 68 hãng bay đã làm thủ tục phá sản, thoát khỏi phá sản hoặc thanh lý tài sản.
Phân tích Z-score dựa trên dữ liệu quá khứ, thường là kết quả tài chính gần đây nhất, vì vậy, một số hãng bay trong danh sách này hiện có thể đã cải thiện tình hình sau khi nhận được hỗ trợ tài chính hoặc thoát khỏi tình trạng mất khả năng thanh toán.
Hãng hàng không Norwegian Air Shuttle của Na Uy cho biết tiền mặt và các khoản tương đương tiền mặt của họ đã tăng lên 7,7 tỷ Kroner Na Uy (khoảng 866 triệu USD) vào cuối năm 2021, sau khi tiến hành cơ cấu lại nợ - động thái nằm trong thủ tục phá sản dưới sự giám sát của tòa án.
“Hiện tại, chúng tôi có có vị thế tài chính vững chắc với các khoản nợ lãi suất thấp, sở hữu đội bay quy mô và tổ chức với quy mô phù hợp và linh hoạt”, người phát ngôn Esben Tuman của Norwegian Air cho biết.
Thai Airways International Pcl đang cần khoảng 750 triệu USD để duy trì hoạt động và hy vọng sẽ nhận được một khoản vay trong 6 tuần tới để tái cơ cấu khối nợ trị giá ít nhất 170 tỷ Baht (khoảng 5,3 tỷ USD).
Trong khi đó, Pakistan International Airlines Corp cho rằng tình hình tài chính của hãng không quá nguy hiểm đến mức bị chấm điểm Z-score âm 8,3. Người phát ngôn Abdullah Hafeez Khan cho biết hãng nhận được sự bảo đảm của chính phủ và đang có kế hoạch tái cơ cấu khối nợ 3 tỷ USD.
Trong bảng phân tích Z-Score mới nhất, hãng hàng không giá rẻ đường dài Malaysia AirAsia X Bhd. có điểm số thấp nhất. Hãng này gần đây đã đổi tên thương hiệu thành Capital A Bhd. Hoạt đông vận tải hành khách thương mại của AirAsia X đóng băng kể từ tháng 3/2020 và hãng này đang tái cấu trúc nợ sau khi đề xuất trả cho các chủ nợ chỉ 0,5% trên tổng khối nợ hơn 8 tỷ USD, đồng thời chấm dứt các hợp đồng hiện tại.
Mô hình kinh doanh phụ thuộc vào vận tải hành khách quốc tế giá rẻ của AirAsia X tê liệt hoàn toàn khi các nước áp lệnh phong tỏa hoặc hạn chế đi lại, khiến việc bay đường dài trở thành dĩ vãng.
AirAsia X tuần này cho biết đang lên một kế hoạch huy động vốn khiêm tốn hơn so với các kế hoạch lên trước đó và hy vọng sẽ đưa 7 máy bay vào vận hành cuối quý này.
Máy bay của Norwegian Air Shuttle ASA hạ cánh tại Sân bay Stavanger ở Na Uy vào tháng 4/2020 - Ảnh: Bloomberg
|
Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) của Liên hợp quốc, doanh thu vận tải hành khách của các hãng hàng không toàn cầu giảm 372 tỷ USD so với năm trước đó. Năm ngoái, tình hình không mấy thiện với doanh thu thấp hơn 324 tỷ USD so với 2019. Dự báo, doanh thu năm nay sẽ cải thiện phần nào nhưng vẫn thấp hơn 227 tỷ USD so với trước đại dịch.
Tháng trước, Willie Walsh, Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) nhận định dù biến thể Covid-19 mới vẫn có thể xuất hiện dẫn đến tái áp dụng các biện pháp hạn chế, nhu cầu tiềm tàng vẫn rất lớn và hoạt động đi lại quốc tế sẽ phục hồi ngay khi hạn chế bị gỡ bỏ.
“Phục hồi cũng phải thông minh. Tất cả đều chạy đua từ số 0. Giờ đây điều quan trọng là chạy nhanh để nắm bắt thị trường, duy trì mạng lưới và hoạt động của mình”, ông Martin của Martin Consulting phát biểu.