Thứ Sáu, 25/02/2022 13:23

Kinh tế Nga bên bờ vực khủng hoảng

Nền kinh tế Nga đối mặt nhiều áp lực sau quyết định triển khai quân sự của Tổng thống Vladimir Putin.

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền đông Ukraine, nền kinh tế Nga đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế mới.

Sáng 24/2, chỉ trong vòng vài phút sau tuyên bố của ông Putin, đồng rúp của Nga (RUB) lao dốc 10% xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD và EUR. Nga chắc chắn sẽ hứng chịu những lệnh trừng phạt kinh tế gay gắt từ phía các nước phương Tây.

“Tổng thống Ukraine đã gọi điện và yêu cầu tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới cần lên tiếng chống lại sự ‘hung hăng, thô bạo’ của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng như đứng về phía người dân Ukraine", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói.

Kinh tế Nga ảnh 1

Khi Tổng thống Putin bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền đông Ukraine, nền kinh tế Nga đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế mới. Ảnh: Alexander Avilov/Moskva News Agency.

Lệnh trừng phạt

"Nước Mỹ sẽ cùng các quốc gia đồng minh áp đặt một số lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga", ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh.

Moscow tuyên bố nền kinh tế của Nga "miễn nhiễm" với mọi lệnh trừng phạt của phương Tây và sẽ không rơi vào suy thoái sau đó.

"Nền kinh tế có thể tổn thương. Nhưng chúng tôi đã từng vượt qua điều đó", một phóng viên kinh tế khẳng định trong một bản tin trên kênh truyền hình quốc gia hôm 23/2.

Chính phủ Nga cho biết đã tích lũy được nguồn dự trữ quốc gia đáng kể lên tới hơn 630 tỷ USD. Họ tin rằng chúng sẽ ngăn nền kinh tế trượt tới bờ vực suy thoái.

Nga cũng thặng dư ngân sách, điều đó có nghĩa là chính phủ nước này không phải vay tiền từ bất cứ thị trường quốc tế hay trong nước nào. Nợ công ở dưới mức 20% GDP đất nước.

Nga có thể đứng trước nguy cơ bị loại khỏi SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu). Dự án Nord Stream 2 của Nga có khả năng bị đình chỉ vô thời hạn.

Ông Henry Rome của Tập đoàn Eurasia

Nga cũng tự hào về thành công của nỗ lực thay thế nhập khẩu kể từ khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, chủ yếu nhờ vào sự phát triển của ngành nông nghiệp nhờ lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, các nhà phân tích không cho rằng Nga đã chuẩn bị đủ để đối phó với những phản ứng chưa từng có từ phương Tây.

“Với mức độ nghiêm trọng của những hành động từ phía Nga, chúng tôi cho rằng các nhà hoạch định chính sách phương Tây sẽ áp đặt những lệnh trừng phạt nặng nề chưa từng có. Nga có thể đứng trước nguy cơ bị loại khỏi SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu). Dự án Nord Stream 2 của Nga có khả năng bị đình chỉ vô thời hạn", chuyên gia Henry Rome của Tập đoàn Eurasia nhận định.

Một số ngân hàng quốc doanh lớn cũng có khả năng bị trừng phạt và loại bỏ khỏi nền kinh tế toàn cầu.

Washington và Brussels cũng nhấn mạnh khả năng chặn xuất khẩu công nghệ sang Nga. Động thái này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp quốc doanh và tư nhân Nga, vốn vẫn phụ thuộc vào phần cứng và phần mềm nhập khẩu từ phương Tây.

Theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu Kinh tế trong Chuyển đổi thuộc Ngân hàng Phần Lan, bất chấp nỗ lực phi USD hóa của Moscow trong những năm gần đây, hơn 50% mặt hàng xuất khẩu của Nga vẫn được định giá bằng USD, 30% khác tính bằng đồng EUR.

Điều đó khiến nền kinh tế Nga vẫn chịu nhiều ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt từ phía phương Tây.

Đồng tiền mất giá

Đồng RUB lao dốc càng đè nặng lên nền kinh tế. Lạm phát đang ở mức cao nhất trong vòng 6 năm. Tài chính của các hộ gia đình đều rơi vào tình trạng tồi tệ.

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy gần 2/3 hộ gia đình Nga thừa nhận họ không có tiền tiết kiệm.

Tình trạng đồng RUB mất giá càng khiến cuộc sống của người dân Nga trở nên khó khăn hơn. Theo một nghiên cứu, hàng hóa nhập khẩu chiếm khoảng 75% các sản phẩm và nguyên liệu được bán tại Nga.

Tất cả sẽ đẩy ngân hàng trung ương Nga vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Đó là hạ nhiệt giá cả nhưng vẫn không gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Lãi suất của Nga hiện ở mức 9,5% và có thể tăng lên 11% hoặc cao hơn trong những tuần tới. Chi phí đi vay cao hơn chắc chắn sẽ làm tổn hại đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng Nga. Nhiều người rơi vào cảnh nợ đầm đìa sau một thập kỷ kinh tế đình trệ.

Kinh tế Nga ảnh 2

Nền kinh tế Nga có thể phải trả giá đắt bởi hành động quân sự nhắm vào Ukraine. Ảnh: Twitter.

Nhà phân tích Levon Kameryan của Scope Ratings cho biết xung đột leo thang cũng có thể dẫn đến việc dòng vốn chảy khỏi Nga. Nhiều người tìm cách bảo vệ các khoản tiết kiệm và tài sản của mình khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế đang rình rập.

Theo nhà phân tích Kameryan, một ẩn số khác của triển vọng kinh tế Nga là dòng chảy năng lượng. Gần 2/3 lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu của Nga chảy sang châu Âu.

Hôm 23/2, Đức khẳng định có đủ năng lượng dự trữ trong mùa đông nếu dòng chảy của Nga bị gián đoạn. Một số nhà quan sát lo ngại rằng Nga có thể "tắt vòi", hoặc cố gắng siết chặt nguồn cung đối với châu Âu để đáp trả các lệnh trừng phạt.

Theo tính toán của Scope Ratings, xuất khẩu năng lượng của Nga sang châu Âu trị giá 90 tỷ EUR mỗi năm.

Theo các nhà phân tích, dù Nga có làm gián đoạn dòng chảy năng lượng hay không, với tình hình hiện tại, châu Âu sẽ tìm cách giảm phụ thuộc vào dầu khí của Nga trong dài hạn.

Thảo Cao

ZING

Các tin tức khác

>   Các lệnh trừng phạt của Mỹ có tác động gì tới Nga? (25/02/2022)

>   Binh sĩ Nga áp sát thủ đô, Ukraine tuyên bố sẵn sàng đối thoại (25/02/2022)

>   Thủ đô Ukraine hứng tên lửa đạn đạo hoặc hành trình (25/02/2022)

>   Anh bắt đầu chương trình 'Sống chung với Covid' (25/02/2022)

>   Trung Quốc bơm 46 tỷ USD vào hệ thống tài chính giữa xung đột Nga-Ukraine (25/02/2022)

>   Nhà Trắng công bố các bước mới để phục hồi chuỗi cung ứng dài hạn (25/02/2022)

>   Mỹ, 27 nước EU và G7 cùng trừng phạt Nga (25/02/2022)

>   Căng thẳng leo thang ở Ukraine khiến chuỗi cung ứng gánh hậu quả (24/02/2022)

>   Doanh nghiệp địa ốc Trung Quốc “rơi xuống vực”, doanh thu sụt chóng mặt (24/02/2022)

>   Tổng thống Putin: Nga không có kế hoạch chiếm đóng lãnh thổ Ukraine (24/02/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật