Giới đầu tư cần chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất, lạm phát có thể lên 4,18% do giá dầu vượt 105 USD/thùng
Dragon Capital cho rằng trong trường hợp xấu nhất, lạm phát có thể lên đến 4,18% trong năm 2022, vượt mục tiêu mà Chính phủ đề ra dưới 4%...
Ảnh minh hoạ.
|
Khủng hoảng Nga - Ukraine xảy ra đúng lúc nguồn cung dầu thô của thế giới không đủ đáp ứng nhu cầu. Việc Nga - nguồn cung dầu lớn thứ hai thế giới, cố tình hạn chế cung cấp dầu ra thị trường, giá dầu có thể vượt 150 USD/thùng trong năm nay, báo động cho một chu kỳ siêu lạm phát của Việt Nam sẽ đến.
LẠM PHÁT CÓ THỂ LÊN ĐẾN 4,18%
Phiên ngày 1/3, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 7,15%, chốt phiên ở 104,97 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2014. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent đạt 104,97 USD/thùng.
Giá dầu WTI tăng 8,03%, đóng cửa ở 103,41 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu WTI tăng 11,5%, đạt 106,78 USD/thùng. Ngân hàng JPMorgan Chase đã cảnh báo rằng giá dầu có thể lên 150 USD/thùng trong trường hợp xuất khẩu dầu của Nga bị cắt giảm một nửa, có nghĩa là tăng khoảng 40% so với hiện nay.
Cuộc chiến này như đổ dầu vào lửa cho cơn siêu lạm phát đang được hình thành. Giá cả các tất cả các loại năng lượng, thực phẩm... đều tăng mạnh. Phương Tây và Mỹ còn lên kế hoạch loại một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống SWIFT. Nếu điều này xảy ra thì chúng ta sẽ có thể phải chứng kiến con sóng siêu lạm phát toàn cầu có một không hai trong lịch sử loài người, trong đó châm ngòi chính là giá năng lượng và lương thực.
|
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Nga chỉ ở khoảng 1% trong tổng giá trị thương mại, việc tác động trực tiếp cuộc xung đột lên kinh tế Việt Nam là không đáng kể nhưng các lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, tác động gián tiếp lên lạm phát Việt Nam.
Trong bản tin mới cập nhật, Dragon Capital cho rằng, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có thể tác động đến thị trường hàng hóa toàn cầu, khiến giá dầu Brent tăng cao và ảnh hưởng tới nền lạm phát của Việt Nam. Hiện tại, mặt hàng xăng dầu đóng góp 3,6% và nhóm giao thông vận tải chiếm 9,7% rổ lạm phát Việt Nam.
Tính từ đầu năm, giá dầu thô Brent đã tăng 27,2%. Diễn biến tiếp theo của giá dầu sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm việc diễn biến xung đột tại Ukraine và tiến triển của thỏa thuận hạt nhân Iran. Theo JP Morgan, có 3 kịch bản có thể xảy ra và sẽ có tác động tới giá dầu: Nga tiến hành các biện pháp trả đũa và thỏa thuận với Iran không thành công: 105 USD/ thùng; Xung đột leo thang + Đạt được thỏa thuận với Iran: 100 USD/thùng; Rủi ro địa chính trị không còn + Đạt được thỏa thuận với Iran: 88 USD/ thùng.
Dựa trên 3 kịch bản nêu trên, Dragon Capital dự đoán tác động của giá dầu thế giới ảnh hưởng đến lạm phát toàn phần với các mức tăng 0,65%, 0,3% va 0,08% so với dự báo hiện tại. Như vậy, trong trường hợp xấu nhất, lạm phát có thể lên đến 4,18% trong năm 2022, vượt mục tiêu mà Chính phủ đề ra dưới 4%.
Kịch bản lạm phát theo giá dầu của Dragon Captial
|
Việt Nam đã nhập khẩu ròng giá trị dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu với gần 6 tỷ USD mỗi năm trong 4 năm vừa qua. Khi giá dầu tăng cao, giá trị nhập khẩu ròng cũng sẽ tăng theo. Dragon Capital dự báo cán cân thương mại năm 2022 sẽ thặng dư 13,2 tỷ USD, với giả định giá dầu trung bình ở mức 85 USD/thùng. Tuy nhiên, trong kịch bản giá dầu đạt 100 USD/thùng bình quân năm 2022, xuất siêu có thể giảm xuống còn 12 tỷ USD, tương đương với mức tác động từ việc giá dầu tăng cao là khoảng 7%.
Ông Vicente Nguyen, CIO AFC Vietnam Fund cho rằng, nền kinh tế toàn cầu vốn đang phải đối diện với nguy cơ lạm phát mạnh nhất trong nhiều thập kỷ khi chuỗi cung ứng liên tiếp bị gián đoạn làm cho nguồn cung trở nên phập phù. Đại dịch thuyên giảm làm cho nhu cầu chi tiêu quay trở lại cộng thêm việc bơm tiền trong suốt thời kỳ đại dịch đã chắp cánh cho những biểu giá gia tăng phi mã. Mỹ đã chứng kiến chỉ số lạm phát lên tới 7,5% cao nhất trong hơn 30 năm nay. Khi FED còn đang bàn thảo khi nào tăng lãi suất và tăng bao nhiêu % thì đầu bên kia Nga - Ukraine xung đột.
"Cuộc chiến này như đổ dầu vào lửa cho cơn siêu lạm phát đang được hình thành. Giá cả các tất cả các loại năng lượng, thực phẩm... đều tăng mạnh. Phương Tây và Mỹ còn lên kế hoạch loại một số ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống SWIFT. Nếu điều này xảy ra thì chúng ta sẽ có thể phải chứng kiến con sóng siêu lạm phát toàn cầu có một không hai trong lịch sử loài người, trong đó châm ngòi chính là giá năng lượng và lương thực", vị này nhấn mạnh.
Trong báo cáo vừa nêu, Chứng khoán Agriseco cũng cho rằng, giá dầu và khí đốt bị ảnh hưởng, chuỗi cung ứng gián đoạn khiến giá cả hàng hoá leo thang. Những sự kiện này sẽ càng thúc đẩy lạm phát trên toàn cầu, đặc biệt tại các khu vực châu Âu do chuỗi cung ứng có khả năng bị gián đoạn và giá dầu tăng cao. Hiện tại, lạm phát đang ở mức cao kỷ lục khi mức này ở châu Âu đạt 5%, Mỹ là hơn 7%.
NHÀ ĐẦU TƯ NÊN CHÚ Ý GÌ?
Rõ ràng bóng ma lạm phát đang ám ảnh toàn cầu cũng như Việt Nam. Đối với nhà đầu tư chứng khoán, chia sẻ tại toạ đàm: "Triển vọng đầu tư 2022 – FiinGroup Invest Summit" diễn ra mới đây, ông Đào Phúc Tường - chuyên gia tài chính cho rằng, cũng giống với bất động sản, thị trường cổ phiếu nên nhìn lạm phát theo hai kịch bản trong kỳ vọng hay vượt kỳ vọng, và nếu vượt kỳ vọng thì vượt bao xa.
"Khi các Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất một cách đột ngột thì sẽ tạo ra một cú sốc thị trường. Chúng ta đang kỳ vọng lạm phát dưới 4% nhưng có lý do gì đó mà lạm phát lên đến 7-8% thì điều đó sẽ tạo ra cú sốc thị trường", ông Tường nói.
Ông Đào Phúc Tường, chuyên gia tài chính.
|
Tuy vậy, trong dài hạn, lạm phát sẽ tốt cho chứng khoán nếu tăng không quá sốc, từng nhóm cổ phiếu sẽ lại phản ứng với lạm phát khác nhau. Chẳng hạn, nhóm thứ nhất, lạm phát là vấn đề tăng giá, khi đó nhóm cổ phiếu hàng hoá chắc chắn hưởng lợi, nhà đầu tư không cần tính chuyện giảm thiểu rủi ro lạm phát nữa mà đầu tư thẳng vào nhóm đó để hưởng lợi.
Nhóm thứ hai - nhóm hàng hoá là yếu tố đầu vào quy trình sản xuất của doanh nghiệp, phải xem đến các doanh nghiệp có khả năng chuyển giá cho người dùng không, và chuyển bao nhiêu phần trăm? Thường thì nhóm hàng hoá thiết yếu sẽ có khả năng chuyển giá cao hơn. Hàng hoá không thiết yếu lại được chia thành hai nhóm, hàng cao cấp như xe cao cấp như lexus, mercedes có khả năng chuyển giá cao nhất vì giới nhà giàu họ không quan tâm giá cả. Còn nhóm hàng hoá khả năng chuyển giá thấp như sản xuất tivi, tủ lạnh bị ảnh hưởng nhiều.
"Với thị trường Việt Nam, trong điều kiện lạm phát giá hàng hoá tăng, than, vật liệu xây dựng, phân bón đều tăng có thể đến mức gây bất ổn, mất cân bằng điều kiện kinh tế. Ví dụ, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng ảnh hưởng khả năng giải ngân đầu tư công của Chính phủ. Giá phân bón tăng ảnh hưởng an sinh của nhiều nông dân, rủi ro chính sách lớn, chúng ta không biết lúc nào Chính phủ sẽ ra chính sách mới nên phải nhận thức được rủi ro chính sách là rất lớn. Phải có hành vi quản lý rủi ro danh mục, đặc biệt là với những cổ phiếu có tính đầu cơ cao", ông Tường khuyến cáo.
An Nhiên
VnEconomy
|