Thứ Hai, 28/03/2022 14:09

Fed tăng lãi suất – Việt Nam vẫn cần thêm thời gian

Tuy có chịu nhiều áp lực nhưng lạm phát hiện tại vẫn cách xa mục tiêu đặt ra, do đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có lẽ sẽ chưa cần vội vã trong việc nâng lãi suất điều hành để ứng phó với lạm phát.

Từ Fed đến BoE

Tròn hai năm kể từ khi giảm lãi suất cơ bản đô la Mỹ về mức 0-0,25%, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 16-3-2022 đã quyết định tăng lãi suất trở lại, đánh dấu lần tăng đầu tiên kể từ tháng 12-2018 cho đến nay. Dù mức tăng chỉ khiêm tốn 25 điểm phần trăm đúng như hầu hết dự báo gần đây, nhưng lưu ý rằng cơ quan này cho biết sẽ còn đến sáu lần tăng trong năm nay và ba lần tăng trong năm 2023 trước khi dừng lại

Như vậy, sau nhiều lần phát tín hiệu kể từ cuối năm ngoái đến nay, cơ quan này đã chính thức hành động. Dù nền kinh tế đang chịu những bất ổn tiềm tàng từ xung đột Nga – Ukraine và các đợt phong tỏa để phòng, chống đại dịch Covid-19 mới tại Trung Quốc, nhưng giữa bối cảnh lạm phát leo thang liên tục trong những tháng gần đây, lựa chọn tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát đã được ưu tiên hơn.

Cần lưu ý là NHNN đang đặt mục tiêu sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 50-100 điểm phần trăm trong hai năm tới, nhằm hỗ trợ các đối tượng được ưu tiên do chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cho thấy định hướng vẫn ưu tiên chính sách nới lỏng và duy trì mặt bằng lãi suất thấp cho ít nhất là đến năm sau.

Ngay sau Fed, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng tăng lãi suất thêm 25 điểm phần trăm, lên mức 0,75%, bằng với mức trước đại dịch. Đây cũng là lần thứ ba liên tiếp BoE tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát đang ở mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ. Theo BoE, lạm phát giá tiêu dùng tại Anh dự kiến sẽ chạm đỉnh – lên tới khoảng 8% vào tháng 4 tới, mức cao nhất kể từ cuộc suy thoái nghiêm trọng vào đầu những năm 1990 và vượt xa mức mục tiêu 2% mà BoE đề ra.

Tuy động thái của Fed hay BoE không mang tính bất ngờ, thậm chí như Fed còn được cho là tích cực khi chỉ tăng nhẹ 25 điểm phần trăm thay vì mức 50 điểm phần trăm hoặc thậm chí cao hơn như những lo sợ trước đó, nhưng rõ ràng việc ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới chính thức đảo chiều chính sách tiền tệ cũng gây ra những e ngại về sự tác động đến các nền kinh tế như Việt Nam.

Chính sách tiền tệ của Việt Nam

Đầu tiên, chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ có những ảnh hưởng nhất định, khi NHNN cũng đã duy trì chính sách nới lỏng trong suốt hai năm qua.

Theo đó, gần đây đã dần xuất hiện những dự báo cho rằng cơ quan này có thể phải tăng lãi suất điều hành trở lại trong năm nay, nhất là khi áp lực lạm phát đang ngày càng gia tăng trong bối cảnh giá các loại hàng hóa và năng lượng tăng vọt trên toàn cầu, cũng như trước xu hướng lãi suất tiền gửi tại nhiều ngân hàng thương mại có dấu hiệu bật tăng trở lại từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, cũng có những đánh giá tin rằng nhà điều hành sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng ít nhất cho đến hết năm nay, nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế vốn còn rất mong manh. Thực tế là tuy có chịu nhiều áp lực nhưng lạm phát hiện tại vẫn cách xa mục tiêu đặt ra, do đó NHNN có lẽ sẽ chưa cần vội vã trong việc nâng lãi suất điều hành để ứng phó với lạm phát. Ngoài ra, sức đẩy lạm phát hiện nay chủ yếu đến từ giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao và chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chứ không phải do yếu tố cung tiền.

Dù vậy, để đề phòng lạm phát tại Việt Nam có thể bứt tốc ngoài tầm kiểm soát mà sau đó sẽ gây áp lực lên chính sách tiền tệ, việc có giải pháp kiểm soát phù hợp, ổn định giá cả các mặt hàng, dịch vụ nhạy cảm, do Nhà nước quản lý như xăng dầu, điện, nước, y tế, giáo dục… là cần thiết. Cần đảm bảo chuỗi cung ứng trong nước, các kênh phân phối mặt hàng thiết yếu vận hành trơn tru, linh hoạt.

Sức đẩy lạm phát hiện nay chủ yếu đến từ giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao và chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chứ không phải do yếu tố cung tiền.

Đối với xu hướng lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng thương mại có dấu hiệu đi lên trở lại, nhà điều hành cần có các giải pháp bơm thanh khoản hỗ trợ hệ thống, tiếp tục kiểm soát chặt dòng vốn rót vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, hoặc thậm chí đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khiêm tốn và phù hợp hơn dựa trên thanh khoản của từng ngân hàng. Nên ưu tiên duy trì mặt bằng lãi suất thấp hơn là tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ kéo theo áp lực thanh khoản và các cuộc đua lãi suất để thu hút tiền gửi.

Cần lưu ý là NHNN đang đặt mục tiêu sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 50-100 điểm phần trăm trong hai năm tới, nhằm hỗ trợ các đối tượng được ưu tiên do chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cho thấy định hướng vẫn ưu tiên chính sách nới lỏng và duy trì mặt bằng lãi suất thấp cho ít nhất là đến năm sau.

Thu hút đầu tư và thị trường ngoại hối

Thứ hai, việc Fed nói riêng và các ngân hàng trung ương của các nước phát triển nói chung tăng lãi suất cũng sẽ tác động đến dòng vốn đầu tư toàn cầu, khi có thể kéo nguồn vốn quay ngược lại các quốc gia này, từ đó khiến dòng vốn đầu tư vào các nước mới nổi và đang phát triển như Việt Nam có thể bị ảnh hưởng. Khi nguồn cung ngoại tệ suy yếu, hệ quả là thị trường ngoại hối cũng đối mặt với thách thức và đồng nội tệ chịu áp lực mất giá, nhất là khi đô la Mỹ cũng ngày càng mạnh lên theo lộ trình nâng lãi suất của Fed.

Xu hướng bán ròng không dứt của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong suốt thời gian qua, cũng như dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hai tháng đầu năm nay giảm sút so với cùng kỳ, khiến lo ngại hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng là có cơ sở. Thống kê cho thấy trong hai tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới/điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5 tỉ đô la Mỹ, giảm 8,5% so cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, cần biết rằng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam trong những năm gần đây chủ yếu là do (i) chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc thúc đẩy dòng vốn dịch chuyển một phần từ Trung Quốc sang Việt Nam; (ii) đại dịch Covid -19 làm lộ ra những vấn đề của chuỗi cung ứng toàn cầu nên buộc các tập đoàn đa quốc gia tìm cách đa dạng hóa cơ sở sản xuất thay vì tập trung vào Trung Quốc; (iii) Việt Nam đã ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) trong những năm qua nên trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI. Chính vì vậy, xu hướng vốn FDI rót mạnh mẽ vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định và không chịu quá nhiều ảnh hưởng bởi chính sách thắt chặt trở lại của các ngân hàng trung ương như Fed.

Đối với dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, tuy xu hướng bán ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán vẫn chưa dừng lại, nhưng với triển vọng thăng hạng của thị trường Việt Nam trong 2-3 năm tới, dự báo cho thấy dòng vốn của khối ngoại sẽ sớm quay trở lại.

Đối với thị trường ngoại hối, NHNN vẫn luôn nhất quán trong mục tiêu giữ giá trị tiền đồng ổn định và điều chỉnh linh hoạt so với đồng tiền của các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, thay vì chỉ tập trung vào một đồng tiền nào. Việc giữ giá trị đồng nội tệ ổn định cũng là cách để giữ mặt bằng lãi suất ổn định, cũng như hạn chế áp lực nhập khẩu lạm phát.

Cũng cần nhắc lại rằng Việt Nam và Mỹ đã ký kết thỏa thuận tiền tệ vào tháng 7 năm ngoái, theo đó Việt Nam có lẽ sẽ không để đồng nội tệ bị mất giá mạnh so với đô la Mỹ, khi mà trước đây phía Mỹ cho rằng tiền đồng đang bị định giá thấp hơn giá trị thực. Rõ ràng dù đô la Mỹ đã tăng mạnh trên thị trường quốc tế thời gian qua, nhưng với lạm phát của Mỹ đang cao hơn nhiều so với Việt Nam, việc giữ tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng ở mức phù hợp là điều cần thiết.

Thụy Lê

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Tín dụng trên địa bàn TP.HCM tăng 3,65% trong quý I/2022 (28/03/2022)

>   LienVietPostBank vinh dự nhận 2 giải thưởng quốc tế uy tín (28/03/2022)

>   Bac A Bank: Mục tiêu lãi trước thuế 2022 đạt 1,000 tỷ đồng, tăng vốn lên hơn 9,350 tỷ đồng (28/03/2022)

>   Lỗ hổng nghiêm trọng sao lại xuất hiện dễ dàng? (28/03/2022)

>   Ngân hàng Shinhan Việt Nam có tân Tổng Giám đốc (28/03/2022)

>   Tài khoản "bốc hơi", ngân hàng vô can? (28/03/2022)

>   Áp lực nào cho chính sách tiền tệ năm 2022? (26/03/2022)

>   Giá USD hồi nhẹ (25/03/2022)

>   Tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt qua ATM giảm mạnh (25/03/2022)

>   Sắm mê say - Bay đẳng cấp với thẻ Sacombank Visa  (25/03/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật