Tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt qua ATM giảm mạnh
Tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng các giao dịch xử lý qua hệ thống của NAPAS giảm mạnh từ 26% năm 2020 xuống còn 12%.
Ngày 25/03/2022, tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký VNBA, cho biết đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy các ngân hàng thương mại phải triển khai nhanh quá trình chuyển đổi số để thích ứng. Các ngân hàng cũng đã có nhiều chính sách, giải pháp phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên nền tảng số như phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại từ Mobile Banking, Internet Banking, QR code, sử dụng công nghệ định danh điện tử (eKYC)… giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận, dễ sử dụng ở mọi nơi, mọi lúc, hạn chế tiếp xúc.
Thống kê cho thấy trong năm 2021, tỷ trọng cho vay bán lẻ của nhóm ngân hàng quy mô vừa và lớn chiếm 40-50%, đặc biệt có ngân hàng lên đến gần 90%. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đạt mức tăng trưởng cao qua kênh Internet tăng 48.8% về số lượng và 32.6% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 76.2% và 87.5%; thanh toán qua QR code tăng trưởng lên đến 200% so với năm trước.
Tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng các giao dịch xử lý qua hệ thống của NAPAS giảm mạnh từ 26% năm 2020 xuống còn 12%.
Ông Nguyễn Quốc Hùng nhận định với gần 50% dân số sử dụng thương mại điện tử, đặc biệt là thế hệ trẻ với hành vi tiêu dùng mới, tỷ lệ lớn người dân chưa được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, do đó tiềm năng thị trường cho ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam còn rất lớn.
Chỉ riêng trong lĩnh vực ví điện tử, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017-2021 đã tăng tới 80.43% về số lượng và 71.86% về giá trị.
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết chỉ sau một thời gian ngắn 3 nhà mạng gồm VNPT, Mobifone và Viettel triển khai dịch vụ Mobile Money, đến nay đã có gần 1 triệu tài khoản mở mới để sử dụng dịch vụ này. Đồng thời, có khoảng 3.37 triệu tài khoản thanh toán của các ngân hàng được mở bằng phương thức định danh điện tử (eKYC) đang hoạt động.
Dù vậy, vẫn có những khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển phân khúc ngân hàng bán lẻ.
Vẫn còn tâm lý ngại chuyển đổi của người dân khi tiếp cận với các hình thức thanh toán hiện đại, sự lo ngại về an ninh an toàn khi sử dụng các phương thức thanh toán trực tuyến…
Thêm vào đó, tội phạm công nghệ cao ngày càng tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi, lợi dụng thông tin của khách hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo, gian lận trên tài khoản của khách hàng nên không ít khách hàng còn e ngại khi thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử. Do đó, yêu cầu bảo mật đòi hỏi các ngân hàng cần tăng cường biện pháp an toàn để tạo sự yên tâm cho người dùng.
Cát Lam
FILI
|