Thứ Tư, 16/03/2022 20:00

Điều gì có thể xảy ra nếu Nga vỡ nợ?

Nga có thể sắp chứng kiến vụ vỡ nợ trái phiếu quốc tế lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ trở lại đây.

Nguyên nhân đằng sau là các biện pháp trừng phạt liên quan đến xung đột Nga-Ukraine đã ngăn cản Nga sử dụng phần lớn dự trữ ngoại hối của họ và do đó, không thể lấy tiền từ đó để trả nợ.

* CNN: Nga có thể vỡ nợ trong vài ngày tới

Việc Nga thực hiện biện pháp (như kiểm soát vốn) để giảm thiểu tác động từ các lệnh trừng phạt khiến nhiều hãng đánh giá tín nhiệm phải hạ bậc xếp hạng của trái phiếu Chính phủ Nga. Các hãng xếp hạng tín nhiệm còn kết luận rằng khả năng Nga vỡ nợ hiện “khá cao”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Nếu Nga thật sự vỡ nợ, đây sẽ là vụ vỡ nợ đầu tiên của Chính phủ Nga kể từ vụ vỡ nợ trái phiếu trong nước vào năm 1998, và là vụ vỡ nợ trái phiếu quốc tế đầu tiên của nước này kể từ năm 1918.

Dưới đây là một số điều cần biết về vụ vỡ nợ có thể sắp xảy đến của Nga:

Khi nào Nga đến hạn trả nợ?

Chính phủ Nga thanh toán 117 triệu USD tiền lãi của hai lô trái phiếu phát hành bằng đồng Euro vào ngày 16/03. Trong tháng 3 này, Nga có 4 đợt trả nợ đến hạn. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, các chuyên gia kinh tế chưa biết chính xác Nga sẽ làm gì để thực hiện các nghĩa vụ nợ này.

Ngày 14/03, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov nói Nga sẽ dùng dự trữ Nhân dân tệ để thanh toán một số khoản nợ, vì họ không thể tiếp cận dự trữ bằng đồng Euro và USD do lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Ngoài ra, Chính phủ Nga cũng cảnh báo rằng họ sẽ dùng đồng Rúp để trả nợ cho các chủ nợ đến từ các quốc gia “thù địch”. Hiện tại, đồng Rúp đã giảm giá mạnh kể từ Nga tấn công Ukraine.

William Jackson, Chuyên gia kinh tế trưởng của Capital Economics, lý giải trong một báo cáo rằng một số trái phiếu đinh danh bằng ngoại tệ của Nga (đã được phát hành từ năm 2018 đến nay) cho phép thanh toán bằng đồng Rúp trong trường hợp việc thanh toán không thể được thực hiện bằng các đồng tiền khác. Tuy nhiên, ông Jackson nhấn mạnh điều khoản này không áp dụng với những lô trái phiếu đến hạn vào ngày 16/03.

Do đó, việc Nga dùng Rúp để trả nợ lần này sẽ đồng nghĩa với một vụ vỡ nợ của Chính phủ Nga, theo ông Jackson. Dù vậy, Nga vẫn còn thời gian ân hạn 30 ngày và nếu sau giai đoạn này vẫn chưa thể thanh toán, họ sẽ chính thức vỡ nợ.

Các Chính phủ phương Tây muốn làm cho Nga phải rút cạn những nguồn dự trữ còn lại để trả nợ, Timothy Ash, Chiến lược gia của BlueBay Asset Management, cho hay.

“Ngay lúc này, Nga có vẻ phát đi thông điệp sẵn sàng trả nợ, nhưng họ không thể làm vậy vì các biện pháp trừng phạt. Vì thế, ý của Nga là nếu phương Tây muốn các chủ nợ phương Tây được Nga trả nợ, thì phương Tây phải dỡ bỏ hoặc nới lỏng trừng phạt đối với Nga”, Timothy Ash cho biết.

Chuyên gì xảy ra nếu Nga vỡ nợ?

Ông Ash cho biết Nga có thể vỡ nợ, nhưng sau đó Bộ Tài chính Nga có thể phản bác rằng họ đã cố gắng trả nhưng bị ngăn không cho tiếp cận tới dự trữ ngoại hối do các lệnh trừng phạt.

“Một mặt, Nga có vẻ không muốn thanh toán cho chủ nợ nước ngoài vì thứ nhất là Nga muốn bảo toàn số dự trữ ít ỏi còn lại và thứ hai là gây tổn thất cho nhà đầu tư đến từ các quốc gia không thân thiện với Nga, với hy vọng các nhà đầu tư đó sẽ vận động để chính phủ nước họ nới trừng phạt đối với Nga. Tuy nhiên, mặt khác, một vụ vỡ nợ sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng và dài hạn đối với Nga”, ông Ash cho biết.

Nếu Nga vỡ nợ, các tổ chức đánh giá tín nhiệm sẽ lại hạ xếp hạng tín nhiệm của Nga xuống bậc là “default” (vỡ nợ). Trong trường hợp đó, chi phí vay vốn của Nga sẽ tăng cao trong một khoảng thời gian dài và các lựa chọn tài chính của Nga sẽ trở nên eo hẹp, ngay cả đối với các nguồn vốn từ những nước như Trung Quốc, ông Ash cho biết.

“Cho dù chiến tranh có kết thúc nhanh và hoà bình được khôi phục, thị trường và các tổ chức đánh giá tín nhiệm vẫn sẽ nhớ cuộc khủng hoảng này trong một khoảng thời gian và bậc tín nhiệm của Nga sẽ phục hồi chậm, lãi suất vay vốn của Nga sẽ giảm rất chậm. Điều này sẽ làm chao đảo nền kinh tế Nga trong những năm sắp tới”, ông Ash nhấn mạnh.

Về thời hạn ngày thứ Tư, ông Ash dự báo các chủ nợ của Nga sẽ được thanh toán một phần, một phần có thể bị hoãn, nhưng không rõ liệu các chủ nợ nước ngoài có tiếp cận được với khoản tiền từ Nga hay không, và họ sẽ được trả bằng tiền gì.

Ngoài ra, Nga và các tổ chức đánh giá tín nhiệm cũng sẽ tranh cãi xem liệu như thế có đúng là Nga vỡ nợ hay không. Các bên thậm chí có thể phải đưa nhau ra toà vì việc này.

Liệu sẽ có thêm những vụ vỡ nợ khác hay không?

Ông Jackson cho biết hiện tại tình hình tài chính mạnh của Chính phủ Nga sẽ giúp nước này không phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay từ bên ngoài. Tuy nhiên, nợ của các doanh nghiệp Nga có thể bị đe doạ.

“Có lẽ rủi ro lớn hơn là một vụ vỡ nợ của Chính phủ Nga có thể kéo theo các vụ vỡ nợ của doanh nghiệp Nga. Điều này là do các công ty Nga có số nợ quốc tế lớn gấp 4 lần nợ quốc tế của Chính phủ”, ông Ash nhận định. “Đến nay, các công ty của Nga có vẻ như tiếp tục trả được nợ, bất chấp các lệnh trừng phạt. Nhưng với thương mại bị gián đoạn, khả năng bị áp thêm trừng phạt và nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái sâu, khả năng vỡ nợ của doanh nghiệp Nga cũng tăng lên”.

BlackRock và Pimco nằm trong số các quỹ đầu tư có nắm giữ trái phiếu Nga. Tuy nhiên, phần lớn các trạng thái này đã được bút toán giảm giá trị và đã phản ánh vào giá chứng chỉ quỹ.

Giới chuyên gia kinh tế bác bỏ những lo ngại về những tác động lan truyền từ khả năng vỡ nợ của Nga. Trước đó, Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nói tổng số nợ khoảng 120 tỷ USD mà các ngân hàng toàn cầu đã cho Nga vay không phải là “một mối nguy cơ về hệ thống”.

Ông Jackson cũng lưu ý rằng các nhà đầu tư nước ngoài đã bút toán giảm giá trị tài sản Nga mà họ nắm giữ, và tổng lượng trái phiếu chính phủ Nga phát hành bằng ngoại tệ mà nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ là “tương đối nhỏ”, chỉ khoảng 20 tỷ USD.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI

Các tin tức khác

>   ADB: 'Kinh tế Đông Nam Á sẵn sàng trỗi dậy từ đại dịch' (16/03/2022)

>   Intel tiếp sức cho EU trong cuộc đua chip với châu Á (17/03/2022)

>   Tổng thống Biden phê duyệt gói viện trợ 13.6 tỷ USD cho Ukraine (16/03/2022)

>   Trung Quốc tuyên bố không muốn “vạ lây” vì sự trừng phạt nhằm vào Nga (16/03/2022)

>   EU thông qua lệnh trừng phạt mới nhằm vào lĩnh vực năng lượng và thép từ Nga (16/03/2022)

>   Chuyên gia: 'Kinh tế Trung Quốc khó duy trì đà tăng trưởng' (16/03/2022)

>   Kinh tế toàn cầu thêm u ám vì cách chống dịch của Trung Quốc (16/03/2022)

>   Nga áp lệnh trừng phạt với Tổng thống Joe Biden (15/03/2022)

>   Đàm phán Nga - Ukraine tái khởi động sau khi bị hoãn (15/03/2022)

>   Trung Quốc phong tỏa 13 thành phố (15/03/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật