Kinh tế toàn cầu thêm u ám vì cách chống dịch của Trung Quốc
Nền kinh tế toàn cầu, vốn đang lao đao vì nguy cơ tăng trưởng chậm lại và lạm phát tăng cao, giờ đối mặt thêm khó khăn vì chiến lược Zero-Covid dài hơi của Trung Quốc.
Theo Bloomberg, nền kinh tế toàn cầu - vốn đang vật lộn với xung đột ở Ukraine và nguy cơ đình lạm - có thể đối mặt với tình trạng gián đoạn lớn hơn do chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0) của Trung Quốc.
Trung Quốc được coi là công xưởng của thế giới. Bất cứ sự gián đoạn nào đối với hoạt động xuất khẩu từ Trung Quốc cũng có thể dẫn tới tình trạng lạm phát trên thế giới.
Theo một cuộc khảo sát đối với các nhà quản lý quỹ do Bank of America Corp. thực hiện, niềm tin vào triển vọng tăng trưởng của thế giới đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 7/2008. Dự báo về tình trạng đình lạm, tức tăng trưởng kinh tế đình trệ trong khi lạm phát leo thang, tăng lên 62%.
Trung Quốc tái áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt sau khi số ca nhiễm mới tăng vọt. Ảnh: Reuters.
|
Công xưởng thế giới
Hôm 13/3, các quan chức Trung Quốc đã đặt toàn bộ 17 triệu dân của thành phố Thâm Quyến vào tình trạng phong tỏa trong ít nhất một tuần. Nguyên nhân là số ca nhiễm Covid-19 mới đang gia tăng trên cả nước.
Bloomberg Economics nhận định quyết định phong tỏa Thâm Quyến sẽ "giáng đòn trực tiếp" vào Quảng Đông - tỉnh chiếm tới 11% GDP cả nước.
Hôm 14/3, các cư dân của tỉnh Cát Lâm cũng được yêu cầu không di chuyển hoặc đi du lịch sang những nơi khác. Tỉnh Cát Lâm có 24 triệu dân.
Thành phố Trường Xuân của tỉnh là một trong các trung tâm công nghiệp của Trung Quốc, chiếm khoảng 11% tổng sản lượng ôtô hàng năm trên toàn quốc. Thành phố đã bị phong tỏa vào tuần trước.
Theo các nhà kinh tế Chang Shu và David Qu của Bloomberg Economics, việc phong tỏa Thâm Quyến sẽ tác động đến sản lượng trong các ngành như công nghệ và máy móc, từ đó làm gián đoạn nguồn cung của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thâm Quyến là cảng quan trọng thứ hai của Trung Quốc, chỉ sau Thượng Hải. Ảnh: Reuters.
|
Trung Quốc phong tỏa Thâm Quyến khi những trung tâm kinh tế khác đang tìm cách ngăn chặn làn sóng Covid-19 lây lan. Thượng Hải cũng đã tạm dừng các lớp học trực tiếp và dịch vụ xe buýt liên tỉnh.
Nomura Holdings Inc. cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt bởi chiến lược Zero-Covid. Ngân hàng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 4,3%, thấp hơn nhiều so với các dự báo của những tổ chức khác.
Các nhà sản xuất, vốn đang đau đầu vì chi phí tăng cao do xung đột Nga - Ukraine, lại bị giáng thêm đòn. Nhà cung cấp chính của Apple Inc. Hon Hai Precision Industry Co. đã dừng sản xuất tại Thâm Quyến. Hai hãng xe Volkswagen AG và Toyota Motor Corp cũng ngừng một số hoạt động ở tỉnh Cát Lâm.
Thêm vào đó, Thâm Quyến là cảng quan trọng thứ hai của Trung Quốc, chỉ sau Thượng Hải. Mỗi tháng, cảng xử lý khoảng 10% lượng container được vận chuyển từ Trung Quốc.
Hồi giữa năm 2021, cảng đã bị đóng cửa một phần trong nhiều tuần nhằm chống dịch. Nhưng vào tháng 6/2021, cảng vẫn xử lý khoảng 2 triệu container.
Tác động lan tỏa
Theo Bloomberg Economics, vào năm 2021, kim ngạch xuất khẩu trị giá 795 tỷ USD của Quảng Đông chiếm 23% số lô hàng của Trung Quốc trong năm đó, lớn hơn tất cả tỉnh còn lại. Chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu của Thâm Quyến đã đạt 303 tỷ USD.
“Trung Quốc là trung tâm sản xuất lớn trên toàn cầu và là một trong những mắt xích quan trọng nhất của chuỗi cung ứng. Chiến lược Zero-Covid của nước này có thể tạo ra tác động lan tỏa lớn đến hoạt động của các đối tác thương mại và nền kinh tế toàn cầu”, bà Tuuli McCully, phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Scotiabank, bình luận.
Theo các dữ liệu chính thức được công bố hôm 15/3, nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà phục hồi mạnh mẽ trong tháng 1 và tháng 2. Nhưng các chuyên gia kinh tế cảnh báo đà phục hồi sẽ không kéo dài.
Theo người phát ngôn của Cục Thống kê Quốc gia Fu Linghui, các biện pháp phong tỏa, áp lực từ chi phí tăng cao và khả năng gián đoạn có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng.
Trung Quốc là trung tâm sản xuất lớn trên toàn cầu và là một trong những mắt xích quan trọng nhất của chuỗi cung ứng. Chiến lược Zero-Covid của nước này có thể tạo ra tác động lan tỏa lớn đến hoạt động của các đối tác thương mại và nền kinh tế toàn cầu.
Chuyên gia Tuuli McCully, phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Scotiabank
|
Tình trạng tắc nghẽn đang gia tăng ở một số cảng của Trung Quốc. Điều này có thể đẩy giá cước vận tải container tăng trở lại.
Theo cảng Los Angeles, các ước tính chỉ ra khoảng 20% lượng hàng hóa tại những cửa ngõ container nhộn nhịp nhất của Mỹ đến từ khu vực Thâm Quyến.
Theo bà Stephanie Loomis - Phó chủ tịch Bộ phận Mua sắm Quốc tế của công ty giao nhận vận tải CargoTrans, Inc., các lệnh phong tỏa của Trung Quốc có thể tạo nên tác động với kinh tế toàn cầu tương tự tình trạng tắc nghẽn mà con tàu container mắc kẹt ở kênh đào Suez gây ra hồi năm ngoái.
Ông Zhiwei Zhang - nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management - cho rằng sẽ sớm có câu trả lời cho câu hỏi liệu Trung Quốc có thể tiếp tục kiểm soát Covid-19 và hạn chế tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu hay không.
"Các đợt bùng phát có thể tạo áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc trong ít nhất vài tháng tới. Sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc sẽ càng làm trầm trọng hơn nữa nguy cơ đình lạm và các vấn đề của chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông cảnh báo.
Thảo Phương
ZING
|