Thứ Ba, 15/03/2022 19:19

Kinh tế Nga thụt lùi 30 năm vì chiến tranh với Ukraine?

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và sự đáp trả của phương Tây đối với Moscow có thể khiến Nga mất đi ít nhất 30 năm phát triển kinh tế và mức sống ở nước này sẽ suy giảm trong ít nhất 5-6 năm tới...

Người dân xếp hàng để rút tiền tại một cây ATM ở St. Petersburg hôm 27/2 - Ảnh: Reuters.

Trên đây là nhận định mà nhiều chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư và nhà ngoại giao đưa ra khi trao đổi với hãng tin CNBC.

Các biện pháp trừng phạt cứng rắn mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra đều nhằm tối đa hoá sức ép đối với nền kinh tế Nga, thông qua việc cô lập Nga khỏi thị trường tài chính toàn cầu và đóng băng các tài sản của Chính phủ và giới giàu Nga trên khắp thế giới. Hai “gọng kìm” trừng phạt chính bao gồm: loại một loạt các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế SWIFT, khiến Nga gần như không thể thực hiện được các giao dịch thanh toán quốc tế; và đóng băng hàng trăm tỷ USD tài sản dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), khiến Moscow không thể dùng dự trữ này để bảo vệ tỷ giá đồng Rúp.

Đồng tiền mất giá, nguy cơ vỡ nợ

Từ khi được tung ra cách đây 3 tuần, sự trừng phạt này đã thực sự mở ra một chương mới đầy u ám trong lịch sử nền kinh tế Nga. Hệ thống tài chính và đồng tiền của Nga đang suy sụp, buộc Moscow phải đóng cửa thị trường chứng khoán và chống đỡ yếu ớt để vực dậy tỷ giá đồng Rúp đang ở mức thấp chưa từng thấy.

Ngoài ra, Mỹ còn cấm nhập dầu thô và khí đốt từ Nga, Anh cũng cắt giảm để tiến tới chấm dứt nhập khẩu năng lượng Nga từ cuối năm nay. Mỹ đã áp lệnh cấm xuất khẩu sang Nga các mặt hàng công nghệ cao và hàng hoá xa xỉ. Nhiều quốc gia dừng cho phép tàu Nga cập cảng.

“Cuộc khủng hoảng này của Nga về cơ bản là một vòng xoáy. Không thể biết được thiệt hại thực sự đã lớn tới mức nào và còn tăng thêm bao nhiêu”, chuyên gia Maximillian Hess thuộc Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại (FPRI), một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ, nhận định. “Chúng tôi không thể loại trừ khả năng đồng Rúp sẽ tiếp tục mất giá”.

Trong vòng 1 tháng qua, đồng Rúp đã mất 40%. Trong một nỗ lực bảo vệ tỷ giá, điện Kremlin hôm 8/3 ra sắc lệnh cấm trao đổi đồng Rúp lây ngoại tệ mạnh như USD hay Euro. Giới chuyên gia cho rằng điều này về cơ bản khiến đồng Rúp chỉ còn giá trị trong lãnh thổ Nga.

“Tầng lớp trung lưu của Nga đang hứng chịu thiệt hại. Đồng Rúp mà họ có trong tay không còn có giá trị thực sự bên ngoài nước Nga”, chiến lược gia trưởng Christopher Smart thuộc Barings Investment Institute nhận định.

Các chuyên gia cũng cho rằng Nga sẽ vỡ nợ với khoản tiền lãi trái phiếu chính phủ hơn 100 triệu USD đáo hạn vào thứ Tư tuần này. “Nga sẽ vỡ nợ. Chắc là như vậy”, ông Hess nói.

Nga tuyên bố nước này sẽ dùng đồng Rúp để thanh toán nợ trái phiếu chính phủ phát hành bằng ngoại tệ, chừng nào các biện pháp trừng phạt của phương Tây còn khiến khoảng một nửa dự trữ ngoại hối nước này bị đóng băng. Nhưng ông Hess nói rằng hợp đồng liên quan đến những khoản nợ này không cho phép Nga trả nợ bằng nội tệ, đồng nghĩa với việc nếu Nga dùng đồng Rúp để trả, Nga sẽ bị coi là vỡ nợ về mặt kỹ thuật.

Cùng với sự mất giá chóng mặt của đồng Rúp và nguy cơ vỡ nợ hiển hiện, nền kinh tế Nga trở nên đầy rủi ro trong mắt các nhà cho vay. “Trước mắt, Nga đã làm mất đi uy tín của một nhà đi vay. Họ sẽ khó vay tiền được với mức lãi suất như đã vay trong những năm gần đây”.

Sự tháo chạy của doanh nghiệp nước ngoài

Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc tấn công nhằm vào Ukraine hôm 24/2, hơn 300 thương hiệu được coi là biểu tượng của thế giới đã đồng loạt rút khỏi Nga hoặc cắt giảm hoạt động tại thị trường này. Trong đó có những ngân hàng toàn cầu như Goldman Sachs, nhóm 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, chuỗi cửa hiệu cà phê Starbucks, hãng xe Ford…

“Nhiều công ty trong số này rời khỏi Nga không phải vì lý do liên quan đến uy tín của họ, mà là bởi họ sẽ không thể thực hiện các thanh toán và chuyển tiền ra, vào Nga trong thời gian trước mắt” do các biện pháp trừng phạt – ông Hess nói.

Trong nhiều thập kỷ, đồ uống Pepsi và Coca-Cola hay quần jeans Levi’s đã gắn liền với giới trẻ Nga. Cả ba thương hiệu này đều tuyên bố dừng bán các sản phẩm chính tại Nga.

Sự ra đi của ba hãng dầu lửa khổng lồ Shell, BP và Exxon là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế có mức độ phụ thuộc lớn vào năng lượng hoá thạch của Nga.

Các công ty dịch vụ tài chính Visa, Mastercard, PayPal và American Express đều dừng dịch vụ ở Nga, khiến người Nga ở nước ngoài không thể tiếp tục sử dụng thẻ tín dụng do các hãng này phát hành và các ngân hàng Nga phải chuyển sang cung cấp thẻ tín dụng từ các hãng thẻ Trung Quốc.

Một sự ra đi mang tính biểu tượng cao nhất là việc McDonald’s tạm ngừng hoạt động ở Nga. Chuỗi cửa hiệu đồ ăn nhanh này mở cửa lần đầu tiên ở Moscow vào đầu năm 1990, đánh dấu khoảnh khắc được xem là bước ngoặt trong sự mở cửa của Nga với thế giới phương Tây. Tuần trước, McDonald’s tuyên bố toàn bộ 850 cửa hiệu tại Nga tạm thời đóng cửa.

Nhiều công ty dừng hoạt động ở Nga cho biết họ sẽ trở lại ngay khi chiến sự ở Ukraine kết thúc. Nhưng các chuyên gia cho rằng lệnh trừng phạt của phương Tây và sự mất giá của đồng Rúp sẽ khiến những doanh nghiệp này khó nối lại hoạt động ở Nga trong năm nay hoặc năm tới.

“Không phải năm nay, không phải 5 năm từ giờ trở đi. Sẽ là một thời gian dài trước khi nhà đầu tư quay lại Nga”, ông Smart nhận định.

Mức sống sụt giảm

Giới chuyên gia đánh giá rằng ở thời điểm hiện tại, người dân Nga còn chưa cảm nhận đầy đủ sự trừng phạt mà phương Tây áp lên nước này.

“Chẳng mấy chốc, ảnh hưởng thực sự sẽ hiện hữu”, ông Smart phát biểu. “Nga không thể nhập khẩu nhiều thứ từ thuốc men cho tới phụ tùng máy bay. Họ cũng không thể thu hút được bất kỳ khoản đầu tư nào vào các mỏ dầu”.

Vị chuyên gia dự báo Nga sẽ có nhiều “sản phẩm ‘nhái’ và na ná, từ xe hơi đến điện thoại di động” nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông cho rằng trong 5 năm tới, cuộc sống của người Nga trên nhiều phương diện sẽ quay trở lại những năm 1990 nếu các biện pháp trừng phạt vẫn duy trì.

Khi Tổng thống Vladimir Putin lên cầm quyền vào năm 2000, tỷ lệ dân số Nga có mức sống dưới 5,5 USD/ngày là 38% - theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) dựa trên giá trị năm 2011. Đến năm 2018, tỷ lệ này đã giảm hơn 90%, còn 3,7% dân số Nga. Tuy nhiên, thành quả này có thể bị đảo ngược bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến chiến tảnh Nga-Ukraine.

Nga bước vào thập kỷ bị cô lập?

Giới đầu tư và chuyên gia tin rằng hầu như không có một kịch bản nào mà ở đó các công ty Mỹ sẽ nối lại hoạt động ở Nga trong vòng 5 năm tới.

“Khi rời khỏi Nga, các công ty đã hứng chịu một số tổn thất rồi. Rất khó để thuyết phục họ chấp nhận rủi ro để nhanh chóng quay trở lại”, ông Hess nói, cho rằng doanh nghiệp nước ngoài chỉ quay trở lại Nga chừng nào các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ hoàn toàn hoặc ít nhất là một phần.

Tuy nhiên, khi trao đổi với CNBC, không một vị chuyên gia nào tin rằng sự trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đế vấn đề Ukraine sẽ được dỡ hoặc nới trong ít nhất 3 năm tới. Trong các tuyên bố trừng phạt Nga, Mỹ thậm chí không đề cập đến điều kiện để nới, dỡ các biện pháp này.

Theo quan điểm của ông Smart, cách tốt nhất để hiểu nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga là xem đây như một động thái chiến lược dài hạn, trong một khuôn khổ từ 10-20 năm.

“Nga là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, và phương Tây đang bế quan toả cảng Nga, không giao dịch làm ăn gì với Nga trong tương lai trước mắt”, ông Smart nói.

An Huy

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Chuyên gia: 'Trung Quốc sẽ trả giá đắt khi vẫn theo đuổi Zero-Covid' (15/03/2022)

>   EU tước quy chế tối huệ quốc của Nga (15/03/2022)

>   CNN: Nga có thể vỡ nợ trong vài ngày tới (15/03/2022)

>   Giá dầu tăng cao ảnh hưởng như nào đến kinh tế châu Á? (15/03/2022)

>   Ông Putin ký luật cho phép hãng hàng không Nga dùng máy bay nước ngoài (15/03/2022)

>   Đức lo tẩy chay nhiên liệu Nga 'có thể gây ra nạn nghèo đói' (15/03/2022)

>   Phát hiện 60 ca Covid, thành phố hơn 17 triệu dân của Trung Quốc phong toả (14/03/2022)

>   Điện Kremlin nêu điều kiện cho cuộc gặp giữa ông Putin và ông Zelensky (13/03/2022)

>   Điều gì xảy ra khi kinh tế Nga khủng hoảng trầm trọng? (13/03/2022)

>   Ông lớn phân bón Na Uy cắt giảm sản lượng vì giá khí thiên nhiên tăng mạnh (13/03/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật