Thứ Năm, 24/03/2022 20:00

Chuyên gia HSC: Ngành tiêu dùng - bán lẻ đang hưởng lợi, mảng đồ gia dụng còn nhiều tiềm năng

Bà Trần Hương Mỹ - Giám đốc Nghiêm cứu Ngành hàng Tiêu dùng của Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC, HOSE: HCM) đánh giá ngành tiêu dùng - bán lẻ sẽ có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay.

Chiều ngày 24/03, HSC đã tổ chức hội thảo Kinh tế hồi phục – Cơ hội cho ngành Bán lẻ và góc nhìn từ Digiworld. Ảnh chụp từ màn hình

Tiêu dùng - bán lẻ đang hưởng lợi trong giai đoạn hiện tại

Nhận định chung về các nhóm ngành, bà Trần Hương Mỹ - Giám đốc Nghiêm cứu Ngành hàng Tiêu dùng của HSC đánh giá ngành tiêu dùng - bán lẻ sẽ có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay. Theo số liệu của HSC, trong cơ cấu doanh số bán lẻ hiện tại, chiếm tỷ trọng lớn nhất đang là thực phẩm (50%), ô tô, xe máy (11%), nội ngoại thất (11%), sản phẩm công nghệ và gia dụng (8%), chăm sóc sức khỏe (10%)…

Bên cạnh đó, chu kỳ tăng giá của hàng hóa dự báo vẫn còn kéo dài. Do đó, cơ hội cũng đến với các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành hưởng lợi trực tiếp từ cơn sốt này như dầu khí hay phân bón. Cùng với đó, động lực từ xuất nhập khẩu cũng rất quan trọng, nhà đầu tư cần quan tâm thêm đến nhóm dệt may, thủy sản, sắt thép, hay nhóm ngành hỗ trợ như vận tải cảng biển, bất động sản khu công nghiệp…

Góp mặt tại buổi hội thảo, ông Đoàn Hồng Việt – Chủ tịch HĐQT Digiworld (HOSE: DGW) chia sẻ rằng các doanh nghiệp như DGW đã hưởng lợi từ diễn biến của đại dịch COVID. Những sản phẩm như máy tính xách tay (laptop), điện thoại di động có mức tăng trưởng khá mạnh. Cụ thể với DGW, ngành điện thoại đạt tăng trưởng hơn 50%, laptop hơn 80% trong 2021.

Bên cạnh đó, DGW cũng gặp rất nhiều khó khăn trong khâu vận hành, vì chính sách cách ly, “3 tại chỗ”,… ảnh hưởng đến hoạt động. Dù vậy Công ty vẫn duy trì mức tăng trưởng trên 40%.

Qua năm 2022, nhiều nơi vẫn còn tiếp tục thực hiện học và làm việc online. Xu hướng sẽ là kết hợp online và offline, do đó nhu cầu đối với các sản phẩm như laptop, điện thoại vẫn cao. Theo nhiều tổ chức dự báo, tăng trưởng thị trường điện thoại năm nay sẽ ở mức 2 con số. Với riêng DGW, ông Việt cho biết Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 25% cho các ngành hàng laptop, điện thoại, cao hơn so với mức chung thị trường.

Tiềm năng nào đối với ngành hàng gia dụng?

Nói về quy mô ngành hàng gia dụng, bà Trần Hương Mỹ cho biết doanh số năm 2021 của ngành hàng này khá lớn khoảng hơn 56 ngàn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng của ngành hàng này bị chững lại các năm vừa qua do ảnh hưởng bởi dịch COVID. Dự báo, tốc độ tăng trưởng sẽ dần hồi phục, đạt 6.7% trong 2022 và 5.5% đến 2024. Khi đó, quy mô ngành hàng gia dụng sẽ vào khoảng 66.7 ngàn tỷ đồng.

Nguồn: HSC

Theo chuyên gia của HSC, ngành hàng gia dụng vẫn rất tiềm năng bởi tỷ lệ sở hữu người dân đối với nhiều mặt hàng đồ gia dùng còn thấp, như máy hút mùi bếp, lò vi sóng, máy hút bụi, máy rửa chén… Người dân chỉ tập trung sở hữu đối với tủ lạnh, máy giặt, máy lạnh.

Nguồn: HSC

Thêm vào đó, cùng với sự phát triển của tầng lớp trung lưu, xu hướng người trẻ tách ra sống riêng ngày càng phổ biến. Điều này góp phần cho sự phát triển của ngành hàng đồ gia dụng.

DGW ước lãi sau thuế 200 tỷ đồng trong quý 1/2022

Chia sẻ về tình hình hoạt động của DGW, Chủ tịch Đoàn Hồng Việt cho biết Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 25% mỗi năm. Theo chiều ngang, DGW tiếp tục bổ sung thêm các nhãn hàng trong ngành hàng hiện hữu hoặc ngành hàng mới. Ví dụ như mới đây, DGW đã ký kết với Microsoft về ngành hàng thiết bị văn phòng, bán các sản phẩm bản quyền của Microsoft qua kênh điện tử. Theo chiều ngang, Công ty tiếp tục nghiên cứu ngành hàng mới như thiết bị công nghiệp, F&B, thiết bị gia dụng nhỏ…

Nói về ngành hàng đồ gia dụng (DGW có nhãn hàng Whirlpool), ông Việt nhận định trên thị trường đã có rất nhiều nhãn hàng nhưng đây là thị trường tăng trưởng. Vẫn luôn có những nhóm hàng, sản phẩm có đà tăng trưởng và việc của DGW là nhận diện ra và có chiến lược phù hợp. Thực tế, có rất nhiều sản phẩm, ví dụ như máy rửa chén thì tỷ lệ xâm nhập vào người dân còn rất thấp. Tất nhiên, DGW sẽ không bỏ qua các sản phẩm phổ cập rồi như tủ lạnh, máy giặt.

Về kế hoạch năm 2022, DGW đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng khoảng 25%. Tình hình kinh doanh quý 1, ông Việt cho biết theo ước tính, doanh thu đạt khoảng 7,000 tỷ đồng và lãi sau thuế 200 tỷ đồng, lần lượt tăng 40% và 87% so cùng kỳ.

Nguồn: DGW ước tính

Duy Na

FILI

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 25/03: Hồi phục trở lại? (24/03/2022)

>   SSI Research: Cơ hội ngắn hạn với ngành phân bón khi giá ure có thể đạt đỉnh trong tháng 3 (24/03/2022)

>   Góc nhìn 24/03: Điều chỉnh là cơ hội tăng tỷ trọng cổ phiếu (23/03/2022)

>   Góc nhìn 23/03: Tiếp tục đà tăng? (22/03/2022)

>   Góc nhìn 22/03: Rung lắc tại 1,500 điểm? (21/03/2022)

>   Mua FCN, KHG, VTP liệu có khả quan? (21/03/2022)

>   Góc nhìn tuần 21-25/03: Cân nhắc thận trọng với các vị thế mua đuổi giá cao? (20/03/2022)

>   Góc nhìn 18/03: Biến động mạnh? (17/03/2022)

>   Giao dịch thế nào trong thị trường Kangaroo? (16/03/2022)

>   Góc nhìn 17/03: Giằng co trong phiên đáo hạn phái sinh? (16/03/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật