Thứ Năm, 17/02/2022 20:30

Tiền số đã hủy hoại cuộc đời tôi

“Tôi đang đứng trên bờ vực kết liễu đời mình”, một nhà đầu tư tâm sự. Nhiều người cũng đối mặt với áp lực tinh thần trước thị trường tiền số đầy rủi ro.

“Nếu có bạn bè tham gia giao dịch coin, hãy hỏi thăm liệu họ có đang ổn không”, nữ phóng viên Ruchira Sharma tại VICE đưa ra lời khuyên.

Cuối tháng 1 vừa qua, thị trường tiền số đột ngột chứng kiến đợt lao dốc. Từ Bitcoin, Ethereum tới các loại memecoin như Dogecoin đều bị bán tháo, giảm giá mạnh. Hàng triệu người giao dịch tiền mã hóa nhận về khoản thua lỗ lớn. Có những thời điểm, trong 24 giờ thị trường "bốc hơi" đến gần 1 tỷ USD từ các lệnh đòn bẩy.

Giá Bitcoin vượt 69.000 USD vào tháng 11/2021. Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài tháng sau, con số này đã sụt giảm đến 40%. Tổng giá trị thị trường tiền mã hóa giảm hơn 1.000 tỷ USD kể từ đỉnh.

Tiền ảo nhưng rủi ro thật

Nhiều chuyên gia nhận định tiền điện tử là một hình thức đầu tư được dân chủ hóa từ Phố Wall, kích thích các nhà đầu tư mạo hiểm. Nhưng trên thực tế, trào lưu tiền số này chỉ có lợi với một số ít tham gia. Nhiều người là nhà đầu tư cá nhân, đổ vào thị trường chính số tiền tiết kiệm của bản thân.

rủi ro từ tiền mã hóa ảnh 2

Chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine là những nguyên nhân chính khiến thị trường tiền số liên tục lao dốc trong những ngày qua. Ảnh: Bloomberg.

Do đó, những “cá voi” trong thị trường hoàn toàn có thể nuốt chửng số tiền của những đối tượng này. Một khảo sát trên 750 nhà đầu tư tiền số do CNBC thực hiện đã chỉ ra 1/3 trong số họ không hiểu rõ thực sự mình đang đổ tiền vào điều gì. Câu hỏi đặt ra là chuyện gì sẽ xảy ra với nhóm người này khi họ bị thua lỗ lớn.

Peter Klein, nhà tâm lý trị liệu về nhận thức hành vi, từng đề xuất nhiều liệu pháp can thiệp tâm lý cho những vấn đề sức khỏe tinh thần liên quan đến thị trường tiền mã hóa. Ông cảnh báo rằng một khi thị trường này sụp đổ, “hàng loạt hội chứng nghiện crypto sẽ gia tăng”. Điều này cho thấy chính xu hướng đầu tư mạo hiểm này đã làm nảy sinh nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần của nhà đầu tư, tác giả Ruchira Sharma kết luận.

Là nhà đầu tư tiền mã hóa và sáng lập một dự án NFT, Hashim Yasir (19 tuổi), đã mất một số tiền lớn sau cú sụt giảm gần đây. Trả lời phỏng vấn của VICE, chàng trai cho biết việc đầu tư tiền điện tử đã ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của anh.

“Những tưởng tôi đã thành thục kỹ năng mới này, nhưng mọi thứ dường như quay về con số 0”, Hashim Yasir bộc bạch.

Vì dành thời gian cho tiền số và NFT nên chàng trai trẻ “liên tục mất ngủ và đối diện với áp lực và lo âu”. Anh chia sẻ xu hướng đầu tư đã thay đổi cách anh ứng xử và giao tiếp với những người xung quanh, đồng thời làm anh trở nên “nóng tính hơn trước đây”.

Hủy hoại cả thể chất và tinh thần

Trái lại với những lời khẳng định chắc nịch rằng đầu tư là con đường dẫn đến hạnh phúc và thịnh vượng, những người được Ruchira Sharma phỏng vấn lại cho rằng tiền số đã hủy hoại cuộc đời họ.

rủi ro từ tiền mã hóa ảnh 3

Các đồng tiền mã hóa với nền tảng công nghệ blockchain đang làm thay đổi cách thức giao dịch và cuộc sống trên toàn cầu. Ảnh: EPA-EFE.

Sandip Das (27 tuổi), tuy kiếm tiền từ thị trường nhưng lại lên tiếng phản đối trào lưu đầu tư này. Chàng trai vẫn kiếm lời trong suốt “mùa đông” tiền mã hóa vừa qua, nhưng anh cho rằng 1 năm qua anh cũng đã phải gánh chịu nhiều thiệt hại.

“Vì chỉ ngủ được 3-4 giờ/ngày nên tôi mắc hàng loạt những sai lầm lúc giao dịch trên thị trường. Thậm chí, tôi gần đây còn bị đau vùng vai gáy do áp lực quá mức”, anh chia sẻ với phóng viên Vice.

Das còn mắc chứng rối loạn lưỡng cực và cho rằng tiền điện tử đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm lý của mình.

Đa số người giao dịch tiền mã hóa với cường độ cao đều mắc phải những vấn đề về lo lắng quá độ.

Chuyên gia tâm lý Peter Klein

“Tiền số sẽ phá hủy cả thể chất và tinh thần của những người tham gia. Bạn sẽ cảm thấy sợ hãi cả đời", Sandip Das cảnh báo.

Một nhà đầu tư 33 tuổi giấu tên sống tại Nga cũng thừa nhận mình nghiện giao dịch tiền mã hóa. Anh đang bị mắc kẹt trong một vòng lặp: cố kiếm lại những gì mình đã mất, nhưng hóa ra lại mất nhiều hơn được.

Anh bắt đầu đổ tiền vào Bitcoin từ tháng 11/2017, đỉnh điểm của đồng tiền số này, và nhận được kha khá lợi nhuận. Nhưng giờ đây người đàn ông đã mất trắng 125.000 USD tiền tiết kiệm. Anh cho biết mình còn chẳng thể tâm sự với vợ, và những lần thua lỗ đẩy anh tới giới hạn về tinh thần.

“Tôi đang phải đối mặt với cảnh nghèo túng mà mình không hề mong muốn. Tiền kỹ thuật số đã phá hủy thế giới và tinh thần tôi. Tôi đang đứng trên bờ vực kết liễu đời mình”, nhà đầu tư giấu tên tâm sự.

Khó tìm được sự đồng cảm

Mặc dù các nhà đầu tư tiền số đang phải gánh chịu khối lượng áp lực khổng lồ, việc tìm một không gian thích hợp để mở lòng lại quá khó khăn với họ. Ghé các cuộc trò chuyện về tiền mã hóa trên Reddit và Twitter, tác giả Ruchira Sharma nhận ra một phản ứng chung giữa những người này: “Đừng có căng thẳng nữa, giữ đống coin đó mà sống tiếp đi (HODL)”. Nhiều người cũng chế ảnh hay đùa cợt về căng thẳng và nỗi thống khổ của người giữ Bitcoin.

rủi ro từ tiền mã hóa ảnh 4

Nhiều chuyên gia cho rằng Bitcoin làm dấy lên mối lo ngại về tiêu tốn điện năng, qua đó gián tiếp trở thành mối nguy hại tới môi trường. Ảnh: AP.

Nhà đầu tư luôn phải đeo một chiếc mặt nạ luôn tỏ ra bình tĩnh và mạnh mẽ, khiến ngay cả việc thể hiện nỗi áp lực của cũng trở nên khó khăn. Giao dịch trong thị trường tiền số rất căng thẳng, nhưng việc nhận thức được những hệ quả sẽ chẳng mang lợi gì. Chỉ khi thoát khỏi vòng xoáy đó, họ mới nhận ra sự độc hại của tiền số.

Chuyên gia Peter Klein bắt đầu tổ chức những buổi tham vấn tâm lý cho chứng nghiện tiền điện tử từ năm 2017. Bệnh nhân của ông thường là phái nam và đến từ khắp nơi trên thế giới. Theo chuyên gia, họ đến gặp ông bởi nhu cầu giúp đỡ về mặt tinh thần trong giới tiền số ngày càng cao, trong khi đó thị trường này cũng đang thiếu hụt sự hỗ trợ này.

Đừng có căng thẳng nữa, giữ đống coin đó mà sống tiếp đi

Câu phản hồi quen thuộc trong các nhóm chat, bàn luận về tiền số

“Đa số những người giao dịch với cường độ cao đều mắc phải những vấn đề về lo lắng quá độ”, ông cho biết.

“Khi mắc chứng lo âu, họ sẽ nhìn đời bằng con mắt tiêu cực hơn người bình thường. Những căng thẳng họ phải đối mặt trong thị trường tiền mã hóa càng cao, thì mức độ tiêu cực trong cuộc sống thường nhật của họ sẽ càng lớn”, nhà trị liệu khẳng định.

Giống như những hội chứng nghiện khác, tiền số sẽ đưa người tham gia thoát khỏi thế giới thực và kích thích tinh thần của họ trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, hậu quả để lại là thương tổn về mọi mặt trong cuộc sống, theo VICE.

Klein cố gắng giúp đỡ những bệnh nhân bằng cách khuyên họ đừng trốn tránh những trải nghiệm trong cuộc sống thực như diện đồ ra đường hay giao tiếp với những người xung quanh. Chuyên gia sử dụng các liệu pháp tâm lý từ liệu pháp hành vi, nhận thức hành vi đến thiền định để giúp bệnh nhân bình tĩnh hơn.

rủi ro từ tiền mã hóa ảnh 5

Tiền mã hóa là miền đất "hứa" của những người thích "đầu cơ". Ảnh: AFP.

Doanh nhân, nhà đầu tư đến từ London với biệt danh BritishHodl cho biết việc trị liệu tâm lý đã giúp anh nhìn nhận được căng thẳng của mình và cách giải quyết với biến động cảm xúc của mình khi đầu tư.

Trải nghiệm này đã giúp nhà đầu tư nhận ra khi một người quá tập trung vào thị trường tiền mã hóa, những cảm xúc tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ trong cuộc sống như công việc và các mối quan hệ xã hội. “Người chơi phải cảnh giác với điều này để không bị hủy hoại cuộc đời”, anh cho biết.

Hãy hít thở thật sâu, chắp tay lại và HODL

Lời khuyên của nhà sáng lập The Crypto Advisor

Còn những người gặp khó khăn chỉ bởi vì thua lỗ quá nhiều thì sao? Lời khuyên đến từ Adam Smith, nhà đầu tư tiền số và sáng lập diễn đàn The Crypto Advisor là “hít thở thật sâu, chắp tay lại và giữ đống coin đó mà sống tiếp (HODL)”. “Trong tương lai gần, Bitcoin nói riêng và thị trường tiền số nói chung sẽ còn tiếp tục hỗn loạn”, anh nhận định.

Smith cũng cho rằng những căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine sẽ tiếp tục làm chao đảo thị trường chứng khoán lẫn tiền số. “Nếu đổ tiền vào thị trường tiền kỹ thuật số và nhìn thấy những số liệu liên tục lao dốc, nhà đầu tư hẳn sẽ cảm thấy căng thẳng tột độ, đặc biệt là vào những lúc cần chi tiền cho việc riêng”, Smith nhận định.

Thuật ngữ HODL, câu đùa cách viết sai của hold (nắm giữ) là một trò đùa phổ biến trong giới blockchain. Tuy vậy, HODL thực sự là những gì mà những nhà đầu tư đang làm. Ruchira Sharma khẳng định việc cố giữ chờ coin tăng sẽ hủy hoại sức khỏe tinh thần của họ. Các chuyên gia luôn trấn an rằng thị trường tiền số rồi sẽ phục hồi, nhưng những gì nhà đầu tư cần quan tâm là nó sẽ để lại những hệ quả tiêu cực gì lên đời sống thực của con người.

Thúy Liên

ZING

Các tin tức khác

>   Cần đầu tư bao nhiêu tiền ở độ tuổi 45 để trở thành triệu phú ở tuổi 65 (11/03/2022)

>   Một quỹ đầu tư crypto ở Việt Nam mất trắng 16 tỷ đồng vốn huy động (15/02/2022)

>   Méo mặt đầu tư tài chính “hệ”... tâm linh! (15/02/2022)

>   Một số mẹo để đánh bại lạm phát (15/02/2022)

>   Đề nghị truy tố cựu Chủ tịch Công ty 'đa cấp' Thiên Rồng Việt (11/02/2022)

>   Hạnh phúc hơn với đời sống tài chính trong năm 2022 (19/02/2022)

>   Xuống đường 'săn' lao động, rao lương 13 triệu/tháng vẫn khó tìm người (10/02/2022)

>   Thế giới sẽ không còn tuần làm việc 5 ngày (08/02/2022)

>   Tăng số giờ làm thêm: Tích cực hay tiêu cực? (28/01/2022)

>   Phá đường dây đánh bạc gần 200 tỷ đồng do 3 phụ nữ điều hành (26/01/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật