Hạnh phúc hơn với đời sống tài chính trong năm 2022
Sau hai năm trải qua những căng thẳng và lo lắng vì dịch bệnh, nhiều người bắt đầu cân nhắc “hạnh phúc hóa” những mục tiêu tài chính của họ.
Thay vì thiết lập một mục tiêu tài chính tham vọng cho năm sau, hãy cân nhắc những cách thức đơn giản và “có yếu tố tinh thần” hơn để đời sống tài chính của bạn trở nên hạnh phúc hơn.
Phương pháp này nhiều khả năng sẽ cực kỳ hữu ích trong năm 2022, đặc biệt sau hai năm nhiều người đã sống trong tình trạng căng thẳng về tài chính và nhiều phương diện khác. Theo một khảo sát trực tuyến mà NextAdvisor tiến hành trên gần 3,000 người trưởng thành trong tháng 6/2021, hơn một nửa trong số đó nói rằng họ cảm thấy hoặc là cực kỳ hoặc là có phần lo lắng về tình hình tài chính của họ.
“Người ta tốn nhiều thời gian nói về cách quản lý tiền bạc nhưng ít khi nghĩ nên làm thế nào để cải thiện mối quan hệ của họ với tiền bạc”, Dan Egan – Phó Chủ tịch chuyên về tài chính hành vi và đầu tư tại công ty Betterment – nhận định.
Có nhiều cách để giúp mọi người cải thiện tư duy của họ về tiền bạc cũng như giảm thiểu căng thẳng vì tiền. Chúng bao gồm bồi dưỡng một tư duy lành mạnh về tiền bạc, nâng cao kiến thức để định hình những mục tiêu của bạn tốt hơn cũng như khiến cho những “bài tập” tài chính vốn tẻ nhạt trở nên thú vị hơn. Theo các nhà khoa học hành vi, các nhà tâm lý học và các chuyên viên tư vấn tài chính, đây là những nhiệm vụ hữu ích khi bạn kiên trì thực hiện và có lẽ càng làm bạn sẽ càng cảm thấy thích thú.
“Hãy thử chơi đùa với chúng, hay ít nhất là khiến chúng bớt chán hơn”, chia sẻ của Brittany Wolff - một chuyên viên tư vấn tại Greenville, South Carolina.
Dưới đây là những kỹ thuật giúp bạn hạnh phúc hơn với đời sống tài chính của mình.
Tập trung vào bản thân
Các nghiên cứu cho thấy khi thu nhập tăng thì bạn cũng cảm thấy hạnh phúc hơn.
Tuy nhiên, theo một bài nghiên cứu năm 2010, một khi thu nhập chạm mốc 75,000 USD thì việc có nhiều tiền hơn nữa cũng không cải thiện cảm giác hạnh phúc của bạn là bao. (75,000 USD năm 2010 tương đương với 96,000 USD trong hiện tại. Ngưỡng thu nhập có khả năng sẽ cao hơn ở những khu vực đắt đỏ.)
Một phần vấn đề là khi thu nhập tăng, chúng ta bắt đầu so sánh bản thân với những người cùng trang lứa khác, Sonja Lyubomirsky – Giáo sư tâm lý học nghiên cứu về hạnh phúc tại Đại học California, Riverside – chia sẻ.
“Niềm vui mà chiếc xe hơi đuôi cong mang lại cho ta dường như ít lại đôi chút sau mỗi lần người hàng xóm lái chiếc xe hơi mui rời của họ chạy ngang nhà bạn”, cô nói thêm.
Một phương pháp để khiến bạn hạnh phúc hơn là xác định những gì thực sự quan trọng với chúng ta hơn là với người khác.
Để thúc đẩy khách hàng xác định mục tiêu và đảm bảo đó thực sự là những mục tiêu của họ, George Kinder – nhà sáng lập Kinder Institute of Life Planning – đặt ra 3 câu hỏi: Bạn sẽ làm gì nếu bạn có tất cả tiền và thời gian trên thế giới? Bạn sẽ sống như thế nào nếu như biết bản thân chỉ còn có thể sống được 5 đến 10 năm nữa? Và nếu như ngày mai bạn mất đi, điều gì sẽ khiến bạn hối tiếc nhất?
“Mấu chốt nằm ở câu hỏi thứ ba”, ông Kinder, 73 tuổi, chia sẻ rằng sau khi trả lời những câu hỏi đó, ông đã có động lực điều chỉnh lối sống của mình: Dành nhiều thời gian hơn để tiếp xúc với thiên nhiên, gia đình và viết sách. “Nguyên tắc cốt lõi chính là đừng thỏa hiệp với những gì, nếu như không hoàn thành, sẽ khiến bạn cực kỳ hối hận”.
Tiết kiệm thời gian và bớt bực mình
Tiến sĩ Lyubomirsky nói rằng: “Bất cứ điều gì có thể giúp bạn có nhiều thời gian rảnh hơn đều sẽ khiến bạn hạnh phúc”.
Những cách tiết kiệm thời gian trong khía cạnh tài chính bao gồm tự động thanh toán các hóa đơn và tự động tiết kiệm.
Rorik Larson - một chuyên viên tư vấn tại Palos Heights, Illinois - nói rằng nếu như bạn có nhiều hơn một tài khoản hưu trí hãy cân nhắc thống nhất chúng lại để bạn không phải kiểm tra quá nhiều bản kê. Các chuyên gia cũng nói rằng tần suất kiểm tra số dư không nên nhiều hơn 1 lần/tháng hay 1 lần/quý.
Ông Egan của công ty Betterment khuyến nghị một phương pháp mà ông đặt tên là “ngân sách vô ưu”. Phương pháp của ông loại bỏ việc liên tục kiểm soát chi tiêu vốn có tính tẻ nhạt.
Ông Egan cùng vợ chuyển lương vào một tài khoản ngân hàng chung, sau đó chúng sẽ tự động thanh toán những hóa đơn định kỳ, bao gồm cả khoản trả góp. Hai vợ chồng này cũng đăng ký dịch vụ tự động chuyển tiền sang những tài khoản phụ phục vụ cho những mục đích khác nhau như xài lúc khẩn cấp, mua xe mới và đi du lịch.
Sau đó họ chia số tiền còn dư lại làm hai để mỗi người có thể tiêu dùng thích hợp.
Hạn chế mâu thuẫn với bạn đời, người nhà và bạn bè
Các cặp đôi có thể học theo vợ chồng Egan để giảm stress, mỗi người lại có tiền tiêu xài tự do. Mục tiêu là để mỗi bên chỉ tiêu dùng đến một giới hạn đã được thỏa thuận trước mà không phán xét đối phương.
Cô Wolff nói rằng những cặp vợ chồng thích tiết kiệm hơn là chi tiêu cũng có thể áp dụng phương pháp này.
“Có như thế, mỗi người vừa có tự do để sử dụng tiền theo ý muốn của riêng mình vừa chia sẻ những trách nhiệm chung”.
Một vài cặp đôi đã biết đến việc chi tiêu từ tài khoản liên kết. Nhưng ông Egan và vợ đã làm được một việc hay hơn là chia số tiền còn dư sau khi thanh toán các hóa đơn vào những tài khoản riêng rẽ. Tách những khoản chi tiêu cá nhân khỏi những khoản chi tiêu chung giúp cho việc kiểm tra bảng kê tài khoản dễ dàng hơn và ít tốn thời gian hơn.
“Trước đây việc quản lý tài khoản chung khiến chúng tôi rất phiền não”, ông Egan nói. Nói đến những tài khoản riêng rẽ, ông cho hay: “Phương pháp này khiến chúng tôi cảm thấy hạnh phúc hơn”.
Duy trì trạng thái tích cực
Sarah Newcomb - một nhà kinh tế học hành vi tại tập đoàn Morningstar - kiến nghị mỗi người hãy tự chấm điểm cho mình theo thang điểm từ 1 đến 10 dựa trên tiêu chí “liệu bạn có cảm thấy bản thân có thể kiểm soát được tất cả những thứ liên quan tới khía cạnh tài chính”. (1 = bi quan, 10 = lạc quan)
Không phụ thuộc vào thu nhập cao hay thấp, cô Newcomb phát hiện ra những ai tự chấm mình từ 5 điểm trở lên thì cảm thấy hài lòng với tình trạng tài chính của họ hơn so với những người có điểm thấp hơn.
Cô Newcomb nói những người kiên trì thường tập trung vào những thứ họ có thể kiểm soát, như tỷ lệ tiết kiệm, hơn là những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, như lợi nhuận chứng khoán.
“Tập trung vào những thứ nằm ngoài khả năng kiểm soát của bạn chỉ khiến bạn lo lắng thêm mà thôi”, cô nói.
Ông Egan, người thường xuyên lập ra một danh sách những thành tích có lớn có nhỏ, còn đề cập đến việc hãy chú ý những thành tựu tài chính mà bạn đã hoàn thành như trả hết nợ thẻ tín dụng hay góp hết tiền nhà.
Một số chuyên gia khác khuyên bạn nên thực tập lòng biết ơn những gì bạn đang có và tha thứ cho bản thân vì những lỗi lầm trong quá khứ.
“Bạn không cần phải làm tất cả mọi thứ ‘ra ngô ra khoai” cùng một lúc”, chia sẻ của Kelly Berenbaum - một chuyên viên tư vấn tại Winter Park, Florida. “Hãy thực hiện từng bước nhỏ và bắt đầu tiến theo phương hướng đúng đắn”.
Tuệ Nhiên (Theo WSJ)
FILI
|