Nhịp đập Thị trường 14/02: Ngân hàng giảm mạnh, cổ phiếu thủy sản bứt phá
Nhóm cổ phiếu ngân hàng bị bán mạnh trong khoảng thời gian cuối phiên khiến cho đà giảm mở rộng ở các chỉ số của thị trường. VN-Index giảm 1.98%, còn mức 1,471.96 điểm. HNX-Index giảm 1.38%, còn 421.01 điểm. UPCoM-Index giảm 1.50% còn mức 110.85 điểm.
Sắc đỏ xuất hiện trong suốt phiên giao dịch đầu tuần 14/02/2022 và càng được mở rộng vào cuối phiên khi lực bán xuất hiện mạnh ở nhiều các nhóm ngành. Số mã giảm áp đảo so với số mã tăng chứng tỏ bên bán đang chiếm được ưu thế lớn.
Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng rung lắc mạnh và chiếm 9 mã trong Top 10 có tác động tiêu cực đến VN-Index, đó là VCB, BID, CTG, TCB, MBB, VPB, ACB, STB, TPB, mã còn lại trong nhóm này là VHM. Ở bên kia chiến tuyến, GAS, SAB, VJC là 3 mã ra sức kìm hãm đà giảm của thị trường nhưng không thành công khi lực giảm quá lớn.
Khối lượng giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận của sàn HOSE đạt hơn 810 triệu cổ phiếu với giá trị giao dịch gần 26,000 tỷ đồng. Sàn HNX đạt hơn 79 triệu cổ phiếu với giá trị giao dịch hơn 2,200 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng hơn 290 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng hơn 5 tỷ đồng trên sàn HNX. HPG, HDB và VIC là những cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh ở sàn HOSE. Đối với sàn HNX, PVI và PVS là những mã dẫn đầu nhóm mua ròng.
Sắc đỏ lan rộng ở rổ VN30 với 24 mã giảm và chỉ có 6 mã tăng giá. STB bất ngờ giảm mạnh hết biên độ trong khoảng thời gian cuối phiên. TPB, BID, HDB và CTG cùng giảm hơn 6%, MBB giảm trên 5%, ACB, VRE, VCB, VPB và TCB là những mã giảm lùi hơn 4%. Ở chiều ngược lại, VJC và SAB cùng tăng mạnh trên 5%, GAS tiến hơn 4%. PLX và MSN vượt 1% còn VIC tăng nhẹ trên mức tham chiếu.
Chỉ số ngành ngân hàng dẫn đầu sắc đỏ khi tăng trưởng âm hơn 5%, tiếp theo sau là chỉ số của các ngành chứng khoán, tài chính khác, nông - lâm - ngư, thiết bị điện khi cùng giảm hơn 3%.
Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, VCI giảm kịch sàn, APS rơi trên 6%, CTS và SHS giảm hơn 5% và nhiều mã giảm từ 2% đến 4%. VIX và WSS là 2 mã không rơi vào sắc đỏ khi lần lượt tăng nhẹ và dừng ở tham chiếu.
Chỉ số ngành chế biến thủy sản đi ngược lại thị trường chung với đà tăng hơn 5% nhờ sự đóng góp của VHC, ANV khi xuất hiện trạng thái kịch trần, IDI vượt 6%, ACL tăng hơn 5% và nhiều mã tăng giá khác.
13h40: Sắc đỏ được thu hẹp nhẹ
VN-Index tiếp tục biến động dưới tham chiếu với mức giảm quanh mức 10 điểm. Tuy nhiên, lực mua đã trở lại và giúp chỉ số thu hẹp đà giảm trong khoảng thời gian đầu phiên chiều.
Ảnh hưởng nhiều nhất đến thị trường đang là ông lớn ngành ngân hàng VCB khi lấy đi gần 4 điểm. Không kém cạnh, BID lấy đi gần 3 điểm của thị trường chung. Theo sau là VHM, TCB và CTG khi lần lượt khiến VN-Index mất hơn 1 điểm. Ở bên kia chiến tuyến, GAS là cái tên lẻ loi đang ra sức thu hẹp đà giảm của thị trường với đóng góp hơn 2 điểm.
VN30-Index đang có phiên điều chỉnh thứ 3 liên tiếp sau khi test vùng 1,560-1,580 điểm (đỉnh lịch sử tháng 11/2021). Tuy nhiên, lực mua đã trở lại tại hỗ trợ là đường SMA 50 ngày giúp chỉ số thu hẹp sắc đỏ trước đó. Đường MA này đang đóng vai trò là hỗ trợ gần nhất cho chỉ số.
Tuy nhiên, sắc đỏ vẫn đang chiếm hoàn toàn ưu thế trong rổ VN30 khi chỉ có 7 mã hiện đang giữ được sắc xanh. Trong đó, GAS dẫn đầu với mức tăng hơn 4%, PLX và SAB theo sau khi tăng hơn 2%. Các cổ phiếu còn lại là VIC, VJC và MSN đều có mức tăng dưới 1%. Ở phía ngược lại, cặp đôi ngân hàng BID và HDB giảm sâu hơn 4%, VCB mất hơn 3%, VRE, TCB, STB, CTG và SSI sụt giảm hơn 2%…
Phiên sáng: Dầu khí và thủy sản giao dịch ấn tượng
Kết phiên sáng, VN-Index giảm 12.54 điểm, xuống mức 1,489.17 điểm; HNX-Index giảm 2.42 điểm, xuống mức 424.47 điểm. Độ rộng toàn thị trường kết phiên sáng nghiêng về bên bán với 553 mã giảm và 262 mã tăng. Trong rổ VN30, sắc đỏ đang áp đảo với 23 mã giảm, 6 mã tăng và 1 mã đứng giá.
Khối lượng giao dịch của VN-Index trong phiên sáng đạt 474 triệu đơn vị, với giá trị là 14.7 ngàn tỷ đồng. HNX-Index ghi nhận khối lượng giao dịch đạt 48.6 triệu đơn vị, với giá trị giao dịch đạt 1.4 ngàn tỷ đồng.
Tạm dừng phiên sáng, ngoài VHM và VRE, các cổ phiếu ngân hàng cũng xuất hiện nhiều trong top những cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index. Trong đó, VCB và BID là hai mã dẫn đầu khi lấy đi hơn 4 điểm của chỉ số. Ở chiều ngược lại, GAS là mã có tác động tích cực nhất.
Với chỉ số HNX-Index, PVS và CEO đang là hai cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số HNX-Index. Ở chiều ngược lại, IDC, THD và IPA là những mã có tác động tiêu cực nhất.
Được hưởng lợi từ diễn biến tích cực của giá dầu thế giới, nhóm cổ phiếu dầu khí đồng loạt ghi nhận khởi sắc trong phiên sáng. Trong đó, PVS và GAS tạm dừng với sắc xanh 4.1%, PLX tăng 3%, OIL, PVC và PVD tăng trên 2%, PVB tăng 1.6%...
Ngoài ra, nhóm chế biến thủy sản cũng có sự khởi sắc với nhiều mã tăng mạnh như VHC kịch trần 6.9%, IDI tăng 6.5%, ANV tăng 6.7%, ACL tăng 5%, CMX tăng 4.4%...
Nhóm cảng biển và logistics cũng duy trì diễn biến tích cực. Mã chứng khoán VIP của CTCP Vận tải Xăng dầu Vipco giao dịch ấn tượng với sắc tím 6.7%, VOS và HAH thuộc nhóm vận tải biển cũng tăng mạnh lần lượt 6.4% và 3.9%, DXP tăng 3.2%, TCL tăng 3%...
Tại nhóm chứng khoán, sắc đỏ tiếp tục bao trùm lên hàng loạt cổ phiếu như HCM, SSI, CTS, TVB, VCI… Ở chiều ngược lại, WSS được kéo mạnh tăng 5.2% trước giờ nghỉ trưa, VIX vẫn duy trì sắc xanh tích cực 2.6% sau thông tin chào bán cổ phiếu ra công chúng.
Chế biến thủy sản đang là ngành tăng mạnh nhất trên thị trường với mức tăng 5.52%. Ngược lại, nông - lâm - ngư là ngành giảm mạnh nhất với mức giảm 3.28%.
Khối ngoại bán ròng 69 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó HPG và HDB là hai mã bị bán ròng nhiều nhất. Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 1.6 tỷ đồng, trong đó PVI là mã được mua ròng nhiều nhất.
10h35: VIC và GAS đỡ chỉ số
Sau những phút giảm điểm đầu phiên, lực mua đang lấy lại ưu thế khiến VN-Index dần thu hẹp lại sắc đỏ trước đó. Tuy nhiên, bên bán vẫn chiếm được ưu thế khi số mã giảm đang áp đảo số mã tăng.
Rổ VN30 hiện có 23 mã giảm, 5 mã tăng và 2 mã đứng giá. HDB và VRE là những mã giảm giá mạnh nhất rổ khi giảm hơn 2%. Theo sau là sắc đỏ đến từ các mã BID, STB, VCB. Ở chiều ngược lại GAS, PLX, VIC là những mã tăng giá mạnh nhất rổ .
Về nhóm ngành, khai khoáng đang là một trong những ngành tăng mạnh nhất thị trường. Nhóm cổ phiếu dầu khí giao dịch tích cực. Trong đó, hai ông lớn PVD và PVS tăng lần lượt ở mức 3.1% và 4.5%. Một số mã khác như PVT leo dốc gần 5%, PVC và OIL tiến tốt hơn 3%, PVB và PLX tăng gần 3%. Giá dầu leo dốc vào sáng ngày 14/02, với hợp đồng dầu Brent tương lai tăng 1.27% lên 95.64 USD/thùng; hợp đồng dầu WTI tương lai tiến 1.48% lên 94.48 USD/thùng. Đây là thông tin tích cực ủng hộ cho đà tăng của nhóm cổ phiếu này.
Cùng với ngành khai khoáng, nhóm cổ phiếu chế biến thủy sản cũng đang giao dịch rất sôi động. Cổ phiếu VHC leo dốc mạnh mẽ tiến sát mức giá trần. ANV leo dốc hơn 5%, CMX bật tăng hơn 4%, ACL tăng hơn 3%.
Cổ phiếu VIC sau nhiều phiên giảm mạnh cũng đã tăng điểm trở lại trong phiên và đang có đóng góp tích cực nhất đến chỉ số VN-Index. GAS song hành với mức tăng 2.6%.
Ở chiều ngược lại, ngành nông - lâm - ngư đang là một trong những ngành giảm mạnh nhất. Trong khi giá cổ phiếu HAG tụt dốc nằm sàn thì cổ phiếu HNG cũng sụt giảm mạnh gần 5%. Một số mã khác trong nhóm như BAF và SJF cùng giảm xuống dưới mức tham chiếu.
Mở cửa: Có dấu hiệu đảo chiều đà tăng
Thị trường tài chính Mỹ thời gian đã có nhiều phiên giảm điểm do chịu ảnh hưởng tiêu cực do những lo ngại về căng thẳng Nga-Ukraine. Cùng với đó là chính sách tăng lãi suất của Fed trong năm nay cũng sẽ kéo giảm định giá của nhiều cổ phiếu trên sàn giao dịch.
VN-Index mở cửa phiên giao dịch đầu tuần giảm gần 10 điểm. Trong phiên sáng, VN-Index bất ngờ xuất hiện khoảng trống giảm giá và hình thành mẫu hình Bearish Island Reversal. Nếu VN-Index không thể lấp đầy khoảng trống này khi kết phiên thì tín hiệu đảo chiều mạnh sẽ xuất hiện. Hiện tại, chỉ số đại diện sàn HOSE đang test lại đường SMA50 ngày và đường Middle của dải Bollinger Bands.
VN30-Index cũng có những diễn biến tương tự toàn thị trường, có tới 25 mã cổ phiếu đang giảm giá và chỉ 5 mã còn giữ lại được sắc xanh cho mình. Cổ phiếu giảm mạnh nhất trong rổ VN30 là VCB, cổ phiếu này hiện đang giảm khoảng 3%. Theo ở sau là PDR, HDB, SSI và HDB, mức giảm đang rơi vào khoảng 1-2%. Ở chiều ngược lại, bộ đôi GAS và PLX đang tăng trung bình gần 2% nhờ vào kỳ vọng giá dầu tiếp tục xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới.
Cổ phiếu VCB đang là cái tên kéo giảm VN-Index nhiều nhất, cổ phiếu này đang làm chỉ số thị trường giảm đi gần 3 điểm. Cùng với HPG và BID là những mã có tác động tiêu cực nhất.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán đang là một trong những nhóm giảm mạnh nhất thị trường. Các cái tên lớn đầu ngành như SSI, VND hay HCM đều đồng loạt giảm khoảng 2%. Cả ngành hiện chỉ còn có EVS và VIX là đang tăng giá.
Lý Hỏa
FILI
|