Thứ Năm, 10/02/2022 20:00

Người Mỹ chuyển sang chi tiêu vào dịch vụ, ăn uống và du lịch

Các chuyên gia kinh tế hy vọng thời tiết ấm áp trở lại và tình hình dịch bệnh dịu đi sẽ thúc đẩy người tiêu dùng Mỹ quay lại chi tiêu cho dịch vụ.

Trước đại dịch Covid-19, nhiều người Mỹ đột ngột chuyển từ chi tiêu vào dịch vụ sang hàng hóa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng đó hiện có dấu hiệu đảo chiều và có thể sôi động hơn khi làn sóng Covid-19 do biến thể Omicron lắng xuống.

Trong bối cảnh đại dịch, người tiêu dùng đã mua sắm trực tuyến nhiều hơn đồng thời cũng đã thay đổi hành vi mua sắm của họ về chủng loại mặt hàng mua vào.

Khi không thể đi ăn uống bên ngoài, đi du lịch vì phải học tập và làm việc đều tại nhà, người tiêu dùng đã chi tiêu mạnh tay vào những thứ cần thiết cho nhà cửa như bàn ghế và máy tính. Xu hướng chi tiêu đó còn được thúc đẩy nhờ các gói hỗ trợ của Chính phủ liên bang.

Hàng hóa - từ thực phẩm, quần áo cho đến ô tô và thiết bị gia dụng - chiếm trung bình 31% tổng tiêu dùng cá nhân trong 2 năm trước đại dịch. Con số này đã tăng lên 36% vào tháng 3 và tháng 4/2021, ngay trước khi vắc-xin Covid-19 được phổ biến rộng rãi.

Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 34% trong tháng 12/2021. Theo Bộ Thương mại Mỹ, trong tháng 12 năm ngoái, chi tiêu tiêu dùng vào hàng hóa đã giảm vào tháng thứ hai liên tiếp trong khi chi tiêu cho dịch vụ lại tăng nhẹ.

James Knightley, Chuyên gia kinh tế quốc tế trưởng tại ING, cho rằng người tiêu dùng đang khởi đầu năm mới này bằng “sự kết hợp giữa sự suy giảm về chi tiêu mua sắm hàng hóa và việc biến thể Omicron làm giảm khả năng chi tiêu vào các dịch vụ”.

Sau khi mua sắm tương đối nhiều trong giai đoạn đại dịch trước đây, người tiêu dùng đang tạm ngưng chi nhiều cho hàng hóa. Hơn nữa, việc chi tiêu vào hàng hóa còn bị tác động bởi những hạn chế trong chuỗi cung ứng, giá cả tăng và các quỹ hỗ trợ của chính phủ vơi đi.

Trong khi đó, nhờ thời tiết mùa xuân ấm áp hơn trên khắp cả nước và tỷ lệ lây nhiễm giảm, mọi người cảm thấy thoải mái hơn khi tiếp xúc với nhau nên nhu cầu vào các dịch vụ như du lịch và ăn uống được kỳ vọng phục hồi, theo Robert Frick, Chuyên gia kinh tế doanh nghiệp tại Navy Federal Credit Union.

Vị chuyên gia này cho rằng:  “Nếu làn sóng Omicron tiếp tục lắng xuống và không có bất cứ căng thẳng nào theo sau, tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến xu hướng bình thường hơn trong chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ”.

Điều đó có thể đóng vai trò quan trọng đối với viễn cảnh lạm phát. Nhu cầu hàng hóa mạnh cùng với sự gián đoạn nguồn cung đã thúc đẩy lạm phát tăng lên mức 7% trong tháng 12/2021 (mức cao nhất trong 39 năm). Giá cả các mặt hàng như đồ nội thất và thiết bị gia dụng trong tháng 12/2021 đã tăng 10.7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lạm phát dịch vụ đối với các chi phí như tiền thuê nhà và giá vé máy bay chỉ tăng thêm ở mức vừa phải 3.7%. Nếu chi tiêu tiêu dùng vào hàng hóa chuyển hướng sang dịch vụ, những áp lực gia tăng đối với giá hàng hóa sẽ dịu đi.

Nhiều chuyên gia kinh tế lên tiếng cảnh báo về sự khởi đầu yếu ớt của năm 2022. Làn sóng biến thể Omicron tác động đến chi tiêu tiêu dùng và tăng trưởng việc làm trong tháng 12/2021 và có khuynh hướng tiếp tục trong tháng 1/2022 khi số ca nhiễm biến thể Covid-19 đạt đỉnh. Dữ liệu theo thời gian thực cho thấy số lượng đặt hàng tại các nhà hàng và trong lĩnh vực du lịch vẫn giảm trong tháng 1 năm nay, cho thấy sự chuyển dịch sang các dịch vụ từ hàng hóa có thể chững lại trong tháng 1/2022.

Tuy nhiên, nhìn về tương lai, thị trường lao động mạnh mẽ và mức lương tăng đồng nghĩa với việc nhiều người tiêu dùng Mỹ đang bắt đầu năm 2022 với triển vọng thu nhập mạnh mẽ, có khả năng giúp thúc đẩy sự phục hồi của lĩnh vực dịch vụ trong năm nay.

“Hầu hết các chỉ báo đều cho thấy năm nay sẽ là một năm đầy hứa hẹn cho ngành du lịch. Chúng tôi nhận thấy việc dịch chuyển sang dịch vụ đang tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy”, Giám tốc tài chính Vasant Prabhu của Công ty Visa cho biết.

Ông Vasant Prabhu cho rằng các dịch vụ du lịch, nhà hàng và giải trí đều hưởng lợi.  Vị giám đốc này cũng nói thêm rằng tác động kinh tế của biến thể Omicron sẽ ngắn hơn so với những làn sóng Covid-19 trước đó vì mọi người đều học cách sống chung với biến thể này.

Các hãng hàng không đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến thể Omicron vì du khách hủy bỏ các chuyến đi trong những kỳ nghỉ và tình trạng thiếu nhân viên hàng không khiến nhiều chuyến bay phải bị hủy. Tuy nhiên, các giám đốc điều hành vẫn lạc quan về sự phục hồi nhanh chóng của lĩnh vực này.

“Đà tăng trưởng GDP mà chúng ta hiện đang nhận thấy, các khoản tiền tiết kiệm vượt mức của khách hàng, chi tiêu tiêu dùng vào nhiều chủng loại khác nhau và thậm chí những thứ như giá thuê nhà tại Thành phố New York, đang tăng trở lại khá nhanh, tất cả dường như cho thấy sự mạnh mẽ thực sự trong chi tiêu của khách hàng và nhu cầu bị dồn nén trong quá khứ đã không còn”, theo David Fintzen, Giám đốc điều hành của Công ty JetBlue Airways.

Một rào cản tiềm ẩn đối với việc chi tiêu cao hơn trong năm 2022 là lạm phát. Tình trạng thiếu nguồn cung và nhân lực đang đẩy giá cả và tiền lương lên các mức có thể khiến một số hộ gia đình không đủ khả năng chi trả.

Một số người tiêu dùng tập từ bỏ thói quen mua sắm vì giá cả tăng nhanh. “Chúng tôi sẽ không mua một chiếc ô tô đã qua sử dụng với mức giá như hiện nay”, Cory Randall, kiểm soát viên tại một công ty chăn nuôi gia súc ở Amarillo, Texas cho biết.  Ông Randall từng cân nhắc đến việc mua một chiếc ô tô nhỏ gọn đã qua sử dụng khi con trai ông vừa tròn 16 tuổi.

Trường hợp như ông Randall không phải là duy nhất. Theo một cuộc khảo sát về kỳ vọng của Người tiêu dùng gần đây nhất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, tỷ lệ các hộ gia đình mua sắm nhiều trong 4 tháng qua đã giảm xuống còn 58% trong tháng 12/2021 từ mức 63% trong tháng 8/2021. Các hộ gia đình này cho biết họ ít có khả năng mua một món hàng lớn trong 4 tháng tới, kể cả đi nghỉ mát, sửa chữa nhà cửa, mua thiết bị gia dụng, đồ đạc và xe cộ, so với cuộc khảo sát trước.

Khai Tâm (Theo Wall Street Journal)

FILI

Các tin tức khác

>   Đông Nam Á chạy đua mở cửa (10/02/2022)

>   Giá hàng hóa toàn cầu tăng mạnh nhất trong 27 năm (10/02/2022)

>   Quan chức Fed: NHTW có thể nâng lãi suất nhiều hơn 3 lần trong năm 2022 (10/02/2022)

>   Quốc gia EU đầu tiên trở lại cuộc sống trước đại dịch Covid-19 (10/02/2022)

>   EU lên kế hoạch rót hàng tỷ USD cho ngành sản xuất chip (10/02/2022)

>   Mạnh tay mua nhà và ô tô, nợ hộ gia đình Mỹ tăng kỷ lục 14 năm (10/02/2022)

>   Chiến lược "Zero Covid" của Trung Quốc thực ra tốt cho thế giới? (09/02/2022)

>   Thương mại Mỹ - Trung đối mặt nhiều mối đe dọa trong 2022, cần một thỏa thuận mới (08/02/2022)

>   Nhiều tàu container bị kẹt ở Biển Đỏ (08/02/2022)

>   Thế giới sẽ không còn tuần làm việc 5 ngày (08/02/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật