Thứ Năm, 17/02/2022 18:20

Giá thép bật tăng trở lại

Từ giữa tháng 2, các doanh nghiệp sản xuất đồng loạt tăng giá thép xây dựng lên 250.000-610.000 đồng/tấn so với trước Tết Nguyên đán.

Đà tăng trong nước được ghi nhận kể từ khi Công ty CP Gang thép Thái Nguyên thông báo tăng giá từ ngày 12/2. Theo đó, thép cuộn CB240 được nâng lên mức giá 17,3 triệu đồng/tấn nếu thanh toán ngay và gần 17,4 triệu đồng/tấn nếu thanh toán chậm, có bảo lãnh.

Ngay sau đó, đồng loạt trong ngày 15/2, các thương hiệu thép lớn khác như Hòa Phát, Việt Đức, Việt Ý, Kyoei, Pomina... cũng điều chỉnh giá bán.

Giá thép bật tăng trở lại ảnh 1

Giá thép trong nước đang tiến gần đến mức đỉnh năm 2021. Ảnh: Hoàng Hà.

Đến nay, giá thép cuộn CB240 nhìn chung đã tăng 300.000-550.000 đồng/tấn so với kỳ điều chỉnh gần nhất hồi cuối tháng 1, dao động quanh mức 16,9-17,6 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá thép thanh D10 CB300 tăng 250.000-610.000 đồng/tấn, lên mốc 17,02-17,81 triệu đồng/tấn.

Đáng chú ý, thép Pomina có mức tăng giá cao nhất, với 550.000 đồng/tấn với thép CB240 và 610.000 đồng/tấn với thép D10 CB300.

Như vậy, sau đợt tăng này, giá thép xây dựng của nhiều doanh nghiệp sản xuất đã tiến gần đến mức đỉnh khoảng 18,3 triệu đồng/tấn hồi giữa năm 2021.

Những diễn biến này theo sát giá thị trường thế giới. Reuters đưa tin ngày 16/2, giá thép không gỉ kì hạn của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất trong hơn 3 tháng qua. Nguyên nhân là chi phí đầu vào cao và triển vọng về nhu cầu sử dụng, trong khi chính quyền Bắc Kinh vẫn duy trì các biện pháp hạn chế khai thác quặng sắt nhằm bảo vệ môi trường.

Mặc dù vậy, giá thép hôm nay (17/2) giao tháng 5 trên Sàn giao dịch Thượng Hải đã có dấu hiệu giảm khoảng 65 nhân dân tệ xuống mức 4.715 nhân dân tệ/tấn, tương đương gần 17 triệu đồng/tấn.

Tuy nhiên, tại Việt Nam thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn, đưa sản lượng tiêu thụ thép tăng mạnh, nhiều khả năng tác động lên giá thép.

Trước đó, các chuyên gia của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) đã kỳ vọng gói kích thích kinh tế 2022-2023 sẽ nhanh chóng giúp thị trường thép trong nước hồi phục. Bên cạnh đó, gói đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 150 nghìn tỷ đồng, cộng với mức 530 nghìn tỷ đồng đang có, sẽ giúp chi tiêu công tăng 38% trong năm nay.

Đồng thời, những điều chỉnh về Luật Xây dựng, đầu tư và nhà đất sẽ tháo gỡ nút thắt đang ngăn cản sự phát triển ngành bất động sản nhà ở trong những năm gần đây. Điều này sẽ giúp thị trường thép trong nước tăng trưởng 15-20% trong năm 2022.

Lan Anh

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Ấn Độ dỡ bỏ thuế chống bán phá giá với thép mạ hợp kim nhôm kẽm xuất xứ Việt Nam (11/02/2022)

>   Trung Quốc phong tỏa một thành phố, giá nhôm tăng kỷ lục (10/02/2022)

>   Ngành thép kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong năm 2022 (20/01/2022)

>   Thép xây dựng đồng loạt tăng giá trong tháng đầu năm 2022 (18/01/2022)

>   Mỹ không điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với thép chống ăn mòn của Việt Nam (31/12/2021)

>   Sản xuất và tiêu thụ thép cùng tăng nhẹ do sản xuất công nghiệp khởi sắc (17/12/2021)

>   Vì đâu giá quặng sắt tăng 25% trong 3 tuần qua? (09/12/2021)

>   Đồng loạt “hạ nhiệt” giá thép (09/12/2021)

>   Quan chức Mỹ nhận định về vấn đề nguồn cung nhôm và thép (08/12/2021)

>   EU áp thuế lên thép không gỉ cán nguội từ Ấn Độ và Indonesia (19/11/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật