Trung Quốc phong tỏa một thành phố, giá nhôm tăng kỷ lục
Giá nhôm tăng vọt lên mức kỷ lục trong vòng 14 năm sau khi Bách Sắc - thành phố có dân số khoảng 3,6 triệu người, nằm giáp với biên giới Việt Nam - bị phong tỏa.
Theo AFP, giá nhôm đã tăng lên hơn 3.200 USD/tấn trong phiên giao dịch chiều ngày 8/2 trên Sàn giao dịch kim loại London, mức cao nhất kể từ năm 2008. Còn tại Sàn giao dịch hàng hóa kỳ hạn Thượng Hải, giá nhôm cũng tăng lên ngưỡng cao nhất trong vòng 4 tháng.
Nhà phân tích Daniel Briesemann tại Ngân hàng Commerzbank (Đức) giải thích rằng những lo ngại về nguồn cung đã thúc đẩy giá nhôm.
"Tại châu Âu, hàng tấn nhôm đã bị cắt giảm do chi phí năng lượng tăng vọt. Trung Quốc cũng vừa phong tỏa một thành phố triệu dân do số ca nhiễm mới tăng cao", ông giải thích.
Theo ông Briesemann, các lệnh cấm có thể cản trở hoạt động vận chuyển nhôm, từ đó khiến nguồn cung ngày càng cạn kiệt.
Giá nhôm đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 trong phiên giao dịch chiều ngày 8/2 trên Sàn giao dịch kim loại London. Ảnh: Financial Times.
|
Rắc rối nối rắc rối
Chính quyền Bách Sắc đã ra lệnh cho người dân ở nhà từ ngày 7/2 và tránh việc đi lại không cần thiết. Thành phố Bách Sắc có dân số khoảng 3,6 triệu người, nằm giáp với biên giới Việt Nam.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, Bách Sắc chiếm 5,6% tổng sản lượng nhôm sản xuất bằng phương pháp điện phân của Trung Quốc. Công suất sản xuất hàng năm lên tới 2,2 triệu tấn.
Tỉnh Quảng Tây (nơi có thành phố Bách Sắc) là nhà sản xuất nhôm lớn thứ ba Trung Quốc. Theo Reuters, một số nhà máy nhôm cho rằng hoạt động sản xuất vẫn ổn định mặc dù tình trạng gián đoạn đang trở nên nghiêm trọng.
"Sản xuất nhôm tại nhà máy của chúng tôi vẫn chưa bị ảnh hưởng", một lãnh đạo tại Baise Yinhai Aluminium chia sẻ. Đơn vị tại Quảng Tây của Chinaco và Baikuang Group cũng đưa ra thông báo tương tự.
Chính quyền địa phương đang tích cực phối hợp để cấp giấy thông hành cho các doanh nghiệp công nghiệp, nhưng tác động tiêu cực vẫn còn.
Hiệp hội Công nghiệp Nhôm Bách Sắc
|
Tuy nhiên, Hiệp hội Công nghiệp Nhôm Bách Sắc cho biết việc phong tỏa đã cản trợ quá trình vận chuyển nguyên liệu thô và nhôm thỏi tới các công ty.
Theo một nhà phân tích giấu tên, điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng cắt giảm sản lượng nếu tình trạng ngừng hoạt động kéo dài.
"Chính quyền địa phương đang tích cực phối hợp để cấp giấy thông hành cho các doanh nghiệp công nghiệp, nhưng tác động tiêu cực vẫn còn", hiệp hội cho biết trong một tuyên bố trên trang web của mình.
Hãng nghiên cứu Antaike lưu ý rằng tình hình dịch bệnh ở Quảng Tây đang được kiểm soát, nhưng bất kỳ sự gián đoạn nào về nguồn cung cũng có thể tác động đến thị trường kỳ hạn. Nguyên nhân là lượng nhôm tồn kho trên toàn thế giới đang ở mức tương đối thấp.
Cạn kiệt nguồn cung
Theo Goldman Sachs, cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu và Trung Quốc, cùng với nhu cầu nhôm mạnh mẽ có thể đẩy thị trường nhôm 66 triệu tấn vào tình trạng "cạn kiệt hàng tồn kho" vào năm 2023.
Theo ngân hàng đầu tư Phố Wall, trong vòng 12 tháng tới, giá nhôm có thể chạm ngưỡng 4.000 USD/tấn.
"Chúng tôi tin rằng thị trường nhôm sẽ đối mặt với đà tăng giá mạnh mẽ trong năm nay. Nguồn cung nhôm vốn đã thấp, trong khi tình trạng thiếu hụt vẫn tiếp tục diễn ra ở Trung Quốc và phần còn lại của thế giới", nhà phân tích Nicholas Snowdon của Goldman nhận định.
Trên thực tế, sản lượng nhôm tại Trung Quốc đã bị hạn chế đáng kể vào năm ngoái, sau khi các cơ quan quản lý nước này đưa ra những hạn chế về nguồn điện và năng lượng.
Giới quan sát cho rằng công suất sản xuất tại Trung Quốc sẽ tiếp tục lao dốc do những biện pháp chống dịch quyết liệt tại đất nước 1,4 tỷ dân.
Giới quan sát cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu và Trung Quốc, cùng với nhu cầu nhôm mạnh mẽ có thể đẩy thị trường nhôm 66 triệu tấn vào tình trạng "cạn kiệt hàng tồn kho" vào năm 2023. Ảnh: Reuters.
|
“Các chính sách bảo vệ môi trường ở Sơn Tây, Sơn Đông và Hà Nam cũng vẫn đang được áp dụng do sự kiện Thế vận hội Mùa đông 2022. Cùng với tình hình hiện tại ở châu Âu, dường như giá nhôm sẽ tiếp tục tăng cao trong ngắn hạn", các nhà giao dịch tại Marex Spectron nhận định.
Cùng với đó, cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ và các đồng minh có thể áp đặt những lệnh trừng phạt đối với Nga, cũng như một số ngành công nghiệp và doanh nghiệp chủ chốt của nước này.
Nga chiếm khoảng 13% lượng nhôm nguyên chất toàn cầu bên ngoài Trung Quốc. Theo Financial Times, với nguồn cung thấp như hiện nay, giá sẽ tăng vọt nếu bất cứ biện pháp trừng phạt nào được áp dụng.
"Căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine không chỉ đẩy giá dầu và khí đốt tăng cao, mà còn giá kim loại", nhà phân tích Fiona Cincotta của City Index nhận định.
Điều này cũng giáng thêm đòn vào áp lực lạm phát trên toàn cầu. Tình trạng giá cả leo thang khi nền kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn đã đẩy các nhà cầm quyền và ngân hàng trung ương trên thế giới vào thế khó.
Thảo Cao
ZING
|