Tội phạm tiền điện tử khiến thế giới mất 14 tỷ USD trong năm 2021
Tội phạm đã cuỗm mất số tiền điện tử khổng lồ có giá trị đến 14 tỷ USD trong năm 2021, đánh dấu mức cao nhất mọi thời đại và tăng 79% so với năm trước đó.
Tuy nhiên, trong cùng khoảng thời gian này, tỷ lệ các vụ phạm tội liên quan đến tiền điện tử đã giảm từ 0.62% xuống còn 0.15%, theo một báo cáo vào thứ Năm của công ty nghiên cứu blockchain Chainalysis.
Các tác giả cho biết sự tăng trưởng của việc sử dụng tiền điện tử cho những mục đích hợp pháp đang vượt xa sự gia tăng của việc sử dụng loại tiền này vào mục đích phạm tội và tỷ trọng của hoạt động bất hợp pháp trong khối lượng giao dịch tiền điện tử chưa bao giờ thấp hơn.
Báo cáo cho biết tổng khối lượng giao dịch tiền điện tử đã lên mức 15.8 nghìn tỷ USD trong năm 2021, tăng 567% so với năm trước đó.
“Với việc được chấp nhận ngày càng nhiều, không có gì ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều tội phạm mạng sử dụng tiền điện tử, nhưng mức tăng chỉ 79% có thể là bất ngờ lớn nhất trong tất cả”, báo cáo viết.
Tuy nhiên, các tác giả lưu ý tầm quan trọng của con số 14 tỷ USD do các hoạt động tội phạm mang lại vì điều này “tạo ra trở ngại lớn cho việc tiếp tục áp dụng, làm tăng khả năng các Chính phủ áp dụng những hạn chế và tệ nhất là những người vô tội trên khắp thế giới sẽ trở thành nạn nhân”.
Các tác giả nghi ngờ sự gia tăng của DeFi (tài chính phi tập trung) đã dẫn đến việc sẽ có nhiều tên tội phạm hơn lợi dụng những người bị thu hút bởi sự cường điệu xung quanh tiền điện tử. Chainalysis ước tính khoảng 7.8 tỷ USD trong tổng số 14 tỷ USD thiệt hại do hoạt động tội phạm gây ra là từ các trò lừa đảo.
Ví dụ, trong một vụ lừa đảo được gọi là “rug pull” (rút toàn bộ vốn của các nhà đầu tư và bỏ trốn), kẻ xấu đã đánh cắp 2.8 tỷ USD từ các nạn nhân, những người đã cung cấp tiền cho các dự án tiền điện tử có vẻ hợp pháp. Báo cáo cho biết mọi vụ “rug pull”, ngoại trừ một vụ lừa đảo lớn liên quan đến sàn giao dịch tập trung Thodex, đều liên quan đến một dự án DeFi giả mạo.
“Trong gần như tất cả những trường hợp này, các nhà phát triển đã lừa nhà đầu tư mua các token được liên kết với một dự án DeFi trước khi chiếm đoạt vốn của những nhà đầu tư đó, khiến giá trị của các token bị rơi về 0 trong quá trình này”, báo cáo viết.
Mặc dù nhiều bên thứ ba thực hiện kiểm tra mã nguồn của một số token DeFi nhất định và mọi người có thể dựa vào đó để mua bán, nhưng bọn tội phạm với “những kỹ năng kỹ thuật phù hợp” có thể “tạo ra các token DeFi mới và đưa chúng lên sàn giao dịch, không cần qua bước kiểm tra mã nguồn”. Điều này nghĩa là nhà đầu tư có thể bị lừa khi nghĩ rằng họ đang đầu cơ vào các token DeFi đã được kiểm tra nhưng hóa ra chúng là một phần của trò lừa đảo.
Nhã Thanh (Theo Fortune)
FILI
|