Bitcoin về gần ngưỡng 41,000 USD
Bitcoin rớt ngưỡng 42,000 USD xuống thấp nhất kể từ tháng 9/2021 trong ngày 07/01.
Đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất có lúc giảm tới 4.9% xuống 41,008 USD, tức giảm 40% so với kỷ lục gần 69,000 USD thiết lập hồi ngày 10/11. Đồng Ethereum sụt tới 8.3% xuống gần 3,000 USD, thấp nhất kể từ ngày 30/09.
Đà giảm diễn ra sau khi biên bản họp tháng 12 của Fed phát tín hiệu NHTW có thể nâng lãi suất sớm hơn và nhanh hơn dự báo, cũng như khả năng cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán.
Giá Bitcoin tăng 60% trong 12 tháng qua, vượt trội hơn các loại tài sản khác khi mà tiền kỹ thuật số được nhiều tổ chức đón nhận hơn và Bitcoin được xem là kênh phòng ngừa lạm phát cũng như là công cụ đa dạng hóa đầu tư. Dù vậy, gần đây, Bitcoin liên tục giảm giữa lúc thị trường tài chính nói chung bị biến động mạnh. Đà tăng vọt của lạm phát thôi thúc các NHTW trên toàn cầu siết chặt chính sách tiền tệ, đe dọa làm giảm bớt lượng thanh khoản dồi dào hiện tại – vốn là yếu tố thúc đẩy giá tài sản trong 2 năm qua.
Hỗn loạn tại Kazakhstan tác động tiêu cực tới tiền ảo
Khi đất nước Trung Á Kazakhstan rơi vào hỗn loạn trong tuần này, trung tâm đào Bitcoin nơi đây cũng bị tác động mạnh. Giá đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất cũng suy yếu và rớt ngưỡng 42,000 USD.
Cách đây gần 1 năm, Trung Quốc đã cấm tất cả thợ đào tiền kỹ thuật số, nhiều trong số này đã tìm tới đất nước láng giềng Kazakhstan. Tuy nhiên, nhiều tháng sau khi các thợ đào này xây dựng cơ sở hạ tầng đào tiền ảo, các cuộc biểu tình về giá nhiên liệu đã biến thành cuộc bạo loạn tồi tệ nhất mà Kazakhstan từng chứng kiến trong nhiều thập kỷ qua và cũng khiến các thợ đào tiền ảo bị mắc kẹt giữa làn đạn.
Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã yêu cầu nhà cung cấp viễn thông quốc doanh ngừng dịch vụ Internet, qua đó khiến hoạt động đào Bitcoin tại đất nước này bị tạm ngưng. Được biết, các thợ đào Bitcoin tại Kazakhstan chiếm gần 15% tổng hoạt động đào Bitcoin trên thế giới, Kevin Zhang tại Foundry cho biết. Điều này cũng tác động tiêu cực tới giá Bitcoin.
Sự việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của "công xưởng đào Bitcoin" lớn thứ 2 thế giới, khiến cho năng lực tính toán (hash rate) trên mạng lưới Bitcoin bị suy giảm.
Theo trang thông tin về các tổ chức đào coin BTC.com, tỷ lệ hash rate tại các xưởng đào lớn như AntPool, F2Pool đo lường vào hôm 6/1 giảm 14% so với tối 4/1.
Từ 4% năng lực tính toán của mạng Bitcoin, các mỏ đào tại quốc gia vùng Trung Á hiện chiếm 18% năng lực.
Các hoạt động trên mạng Bitcoin phụ thuộc nhiều vào thợ đào và năng lực tính toán của hệ thống máy tính. Càng nhiều thợ đào, tỷ lệ hash rate càng cao khiến cho các thợ đào phải cạnh tranh hơn nhưng đem lại lợi ích lớn cho người dùng.
Tuy nhiên hoạt động đào coin tiêu tốn nhiều năng lượng. Kazakhstan được chọn làm điểm đến vì tiền điện rẻ, do sử dụng năng lượng than đá để cấp điện cho các xưởng. Ngoài ra, chính phủ nước này không có chính sách quản lý chặt chẽ, góp phần thu hút các xưởng đào coin lớn.
Chính phủ Kazakhstan từng tuyên bố cắt giảm lượng khí thải được sinh ra bởi các xưởng đào hoạt động quá mức quy định. Theo số liệu từ chính phủ nước này, các trại đào đã tiêu thụ khoảng 600 triệu W điện trong quá trình vận hành. Các xưởng hoạt động quá mức quy định tiêu thụ gấp đôi con số trên.
Chính phủ Kazakhstan đã hành động quyết liệt nhằm chấm dứt tình trạng bạo động đang lây lan trên khắp các tuyến đường tại đây. Cả lực lượng cảnh sát địa phương và người dân đều ghi nhận thương vong và mất mát. Ngay sau đó, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev yêu cầu ngắt toàn bộ dịch vụ Internet trên toàn lãnh thổ.
Tình trạng bất ổn tại Kazakhstan khiến cho nhiều chuyên gia tin rằng đây chỉ là điểm đến tạm thời của các thợ đào Trung Quốc trước khi họ chính thức chuyển sang Mỹ. Ông Alex Brammer, chủ xưởng Luxor chia sẻ với CNBC rằng các trại đào lớn chỉ mang các thiết bị cũ của họ sang Kazakhstan.
Vũ Hạo (Theo CNBC, Bloomberg)
FILI
|