Nợ xấu tiềm ẩn ở mức 2 con số
Thực ra con số tỷ lệ nợ xấu 8,2% (theo công bố của NHNN) chưa đáng lo ngại bằng nợ xấu tiềm ẩn, khi dòng vốn tín dụng “chảy nhầm” địa chỉ giữa bối cảnh tăng trưởng tín dụng tăng cao, gây nợ xấu trong thời gian tới.
Ảnh minh họa
|
Nguy cơ “xấu” chồng “xấu”
Nợ xấu tăng cao vậy mà tăng trưởng tín dụng năm 2021 ở mức tương đối ấn tượng 12,97%, đã gợi nên nhiều điều đáng lo. Theo NHNN, trong năm 2021 tín dụng vẫn tiếp tục chảy vào 5 lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp công nghệ cao.
Nhưng dư luận cũng đặt ra câu hỏi, liệu dòng vốn tín dụng có thực sự đổ vào 5 lĩnh vực ưu tiên hay đang đổ vào chứng khoán và bất động sản (BĐS)? Cụ thể, trong con số tăng trưởng tín dụng 2021 là 12,97%, tỷ lệ NH cho vay BĐS và chứng khoán là bao nhiêu?
Từ nhiều năm qua, tỷ lệ cho vay đối với chứng khoán hầu như không được công bố công khai. Bên cạnh những con số công bố của NHNN, có lẽ con số của Tổng cục Thống kê (TCTK) khá bất ngờ. Thứ nhất, chỉ số tăng trưởng đầu tư vẫn tăng cao hơn năm ngoái, trong đó đầu tư của Nhà nước và vốn FDI lại giảm, lần lượt 2% và hơn 1%.
Tuy nhiên, tỷ lệ vốn đầu tư của tư nhân lại tăng, hiện chiếm khoảng 60% vốn đầu tư của toàn xã hội, chủ yếu từ nguồn vốn vay các tổ chức tín dụng (TCTD), không phải vốn DN tự có. Trong khi đó, hiệu quả đầu tư trong năm 2021 rất thấp, khi đưa lại tăng trưởng GDP chỉ ở mức 2,58%. Đây là bằng chứng cho thấy hiệu quả từ đầu tư bằng nguồn vốn tín dụng (qua kênh gián tiếp NH cho DN vay) khá thấp. Và khi đầu tư hiệu quả thấp, tất yếu phát sinh thêm nợ xấu đối với các NH.
Hiệu quả đầu tư của dòng vốn tín dụng thấp còn đặt ra câu hỏi, liệu dòng tiền này đã thực sự chảy vào sản xuất kinh doanh, hay đã “bẻ lái” sang lĩnh vực khác? Bằng chứng, thời gian qua thị trường chứng khoán tăng trưởng nóng chưa từng có. Như vậy, dù chỉ là ở mức giả thiết, dư luận vẫn có thể nghĩ rằng dòng tiền của NH đang được DN dùng để đổ vào chứng khoán, nhưng với danh nghĩa vay để sản xuất kinh doanh?
Nếu đây là sự thực, vấn đề nợ xấu tiềm ẩn trong ngắn hạn sẽ rất nguy hiểm. Hiện nay, thị trường BĐS và chứng khoán vẫn đang giữ đà tăng trưởng nên nợ xấu chưa xuất hiện, song khi 2 thị trường này vỡ bong bóng, nợ xấu sẽ tăng rất cao.
Tỷ lệ nợ xấu 3,58% do NHNN công bố thoạt trông có vẻ ở mức thấp, bởi trong năm 2020 và 2021 NHNN áp dụng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh NH nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Nếu thực hiện đúng theo nguyên tắc, tính đúng tính đủ, chắc chắn nợ xấu sẽ tăng ở mức 2 con số.
Và nếu năm 2022 vẫn áp dụng Thông tư 01, rất có thể tình hình nợ xấu sẽ bung ra. Vì thế, việc áp dụng Thông tư 01 chỉ mang tính giải pháp tình thế ngắn hạn nhằm ngăn nợ xấu tăng, đồng thời tạo điều kiện để DN có nợ xấu vẫn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tránh bị giải thể, phá sản.
Tuy nhiên, nền kinh tế đang phải đối mặt không phải nợ xấu hiện tại mà với nợ xấu tiềm ẩn. Bởi quy mô dòng vốn tín dụng bơm ra thị trường đã rất lớn, lên đến hàng triệu tỷ đồng, nếu các NH vẫn tiếp tục bơm tiền ra nền kinh tế, đẩy tăng trưởng tín dụng lên cao, đồng nghĩa với nợ xấu tiềm ẩn sẽ tăng cao.
Ứng xử thế nào?
Theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ nợ xấu vượt quá 3% tổng dư nợ tín dụng cho vay sẽ trở thành nguy cơ “đầu độc” môi trường tài chính - tín dụng và cả nền kinh tế. Trong quá khứ, tỷ lệ nợ xấu vượt trên 10% suốt giai đoạn 2011-2017 do các nguyên nhân chủ quan từ các TCTD và người đi vay, lẫn khách quan từ khó khăn của nền kinh tế và rủi ro từ bong bóng BĐS, chứng khoán…
Cho nên, nỗ lực xử lý nợ xấu là nhiệm vụ không chỉ của các TCTD và NH, mà của toàn bộ hệ thống kinh tế - tài chính.
Mặc dù hàng loạt cơ chế, chính sách đã được ban hành, song kết quả xử lý nợ xấu vẫn rất hạn chế do thiếu biện pháp xử lý nợ xấu dứt điểm, kịp thời và thông suốt. Cục nợ xấu không những không giảm, thậm chí có nguy cơ tăng cao trở lại, “đầu độc” môi trường tài chính - tín dụng do “chất thải” nợ xấu mới chủ yếu được “chôn lấp”, chưa được xử lý hữu hiệu để làm trong sạch môi trường, tạo điều kiện khơi thông dòng tín dụng với lãi suất phù hợp.
Vấn đề lúc này là tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý và thực thi trong xử lý tài sản đảm bảo, tài sản thế chấp liên quan đến nợ xấu, theo hướng công nhận và khẳng định quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ hợp pháp của người cho vay, trong khi vẫn đảm bảo quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ hợp pháp của người đi vay, nhằm tạo hành lang pháp lý xử lý các khoản nợ xấu có tài sản thế chấp chủ yếu là BĐS.
Cơ chế cho phép người cho vay thu hồi, nắm giữ và xử lý tài sản thế chấp để giải quyết nợ xấu sẽ khơi thông những ách tắc trong quá trình xử lý nợ xấu hiện nay, đồng thời giảm bớt gánh nặng lên các cơ quan pháp luật đối với những vụ việc liên quan.
Luật Xử lý nợ xấu ra đời sẽ góp phần tích cực thúc đẩy sự phối hợp đồng bộ, nhất quán giữa các cơ quan chức năng, các địa phương trong xử lý nợ xấu, nhất là trong các khâu xử lý tài sản đảm bảo, định giá khoản nợ và tài sản đảm bảo...
Bên cạnh đó, tạo dựng thị trường mua bán nợ xấu có sự tham gia của nhà đầu tư trong và ngoài nước, với định giá các khoản nợ xấu theo cơ chế thị trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh.
Theo đó, người bán nợ xấu có quyền định giá khoản nợ xấu theo nguyên tắc thị trường, không bị ràng buộc bởi giá trị sổ sách của các khoản nợ đó, cũng như không phải chịu trách nhiệm nếu giá bán khoản nợ xấu nào đó dưới giá trị sổ sách. Người mua khoản nợ xấu cũng an tâm khi không còn bị quy trách nhiệm tiếp tay làm thất thoát tài sản của TCTD, thậm chí của Nhà nước.
TS. Vũ Đình Ánh
Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính
|