GDP Trung Quốc tăng 8.1% trong năm 2021
GDP Trung Quốc tăng trưởng 8.1% trong năm 2021 và sản lượng công nghiệp tăng dần dần cho tới cuối năm và bù đắp cho sự suy giảm về doanh số bán lẻ, theo dữ liệu chính thức từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố trong ngày 17/01.
Trong quý 4/2021, GDP Trung Quốc tăng 4% so với cùng kỳ, nhanh hơn so với dự báo 3.6% của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters. Trong cả năm, GDP Trung Quốc tăng trưởng 8.1%, thấp hơn mức kỳ vọng 8.4% của các chuyên gia kinh tế, theo công ty cung cấp dữ liệu tài chính Wind Information.
Sản lượng công nghiệp tăng 4.3% trong tháng 12/2021 so với cùng kỳ, cao hơn dự báo tăng 3.6% từ cuộc thăm dò của Reuters.
Tuy nhiên, doanh số bán lẻ lại thấp hơn kỳ vọng, chỉ tăng trưởng 1.7% trong tháng 12/2021. Trước đó, các chuyên viên phân tích kỳ vọng tăng trưởng 3.7%.
“Chúng ta phải cẩn trọng rằng môi trường bên ngoài đang phức tạp và bất ổn hơn. Và nền kinh tế nội địa đang chịu 3 sức ép: Sự suy giảm nhu cầu, cú sốc nguồn cung và sự đi xuống của kỳ vọng”, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết trong tuyên bố.
Đầu tư tài sản cố định trong năm 2021 tăng 4.9%, vượt dự báo tăng 4.8%. Tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị trong tháng 12/2021 ở mức 5.1%, bằng với mức trung bình năm 2021. Tỷ lệ thất nghiệp đối với độ tuổi 16-24 cao hơn nhiều, ở mức 14.3%.
Chính sách triệt tiêu Covid
Với lập trường triệt tiêu Covid (Zero-Covid), Trung Quốc đã tái áp đặt các biện pháp kiểm soát đi lại trong nước, bao gồm cả việc phong tỏa thành phố Tây An vào cuối tháng 12/2021.
Trong tháng 1/2022, các thành phố khác cũng rơi vào cảnh phong tỏa từng phần hoặc toàn thành phố để kiểm soát sự lây lan của biến chủng Omicron. Các chuyên viên phân tích bắt đầu tự hỏi liệu lợi ích từ chiến lược triệt tiêu Covid-19 có nhiều hơn là tổn thất mà nó gây ra hay không, khi mà biến chủng Omicron dù lây lan nhanh hơn nhưng độc tính có thể thấp hơn nhiều.
Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng GDP 2022 của Trung Quốc vì cho rằng chính sách triệt tiêu Covid sẽ làm gia tăng các biện pháp hạn chế tới hoạt động của nền kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên viên phân tích cho rằng chi tiêu tiêu dùng sẽ bị tác động nặng nề nhất.
Sự lây lan nhanh chóng của Omicron có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải trả giá nhiều hơn cho chính sách “Zero-Covid”, ông Ting Lu, Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc tại Nomura, nhận định. Ông Lu nhấn mạnh rằng các lĩnh vực dịch vụ như khách sạn và hoạt động kinh doanh vẫn chưa thể phục hồi về mức trước đại dịch. Người lao động thuộc những ngành này có thể phải sống bằng tiền tiết kiệm và chi tiêu dè sẻn hơn.
Hoạt động sản xuất cũng bị tác động bởi các chính sách kiểm soát Covid-19.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|