Thứ Năm, 13/01/2022 09:16

WB: Tăng trưởng toàn cầu có thể chậm lại đáng kể vì Omicron

Tăng trưởng toàn cầu sẽ "giảm tốc rõ rệt" trong năm nay, biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới có thể khiến tình hình tồi tệ hơn và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động cũng như những khó khăn trong chuỗi cung ứng, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo hôm thứ Ba.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất, tổ chức cho vay để phát triển có trụ sở tại Washington này đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay xuống 4.1%, sau khi phục hồi lên mức 5.5% vào năm trước.

Dự báo tăng trưởng năm trước và năm nay đều thấp hơn 0.2% so với ước tính được công bố vào tháng Sáu.

Tuy nhiên, WB cảnh báo nhiều rủi ro giảm khác nhau làm mờ đi triển vọng đó, bao gồm sự kết hợp đồng thời của gián đoạn kinh tế do Omicron mang đến, những tắc nghẽn nguồn cung tiếp tục diễn ra và sự thay đổi kỳ vọng về lạm phát.

Điều đó có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu năm nay xuống mức thấp nhất là 3.4%, tức giảm 0.7 điểm phần trăm.

Chủ tịch WB David Malpass lo lắng về "thiệt hại khổng lồ" mà đại dịch đang gây ra cho người dân ở các nước nghèo, có thể dẫn đến những hậu quả trong tương lai.

Chúng ta đang chứng kiến ​​những đảo ngược đáng lo ngại về nghèo đói, dinh dưỡng và sức khỏe. Sự đảo ngược này và việc trường học đóng cửa sẽ có tác động vĩnh viễn. Tôi rất lo lắng về vết sẹo vĩnh viễn đó đối với sự phát triển”, ông nói với các phóng viên.

Trong khi đó, Ayhan Kose, người đứng đầu bộ phận dự báo của WB, nói với AFP rằng chủng Omicron đang gây ra ít lệnh hạn chế hơn so với đợt bùng phát ban đầu, nghĩa là tác động tổng thể có thể ít thiệt hại hơn.

Tuy nhiên, ông cảnh báo: “Nếu nó tồn tại lâu hơn nữa và các ca bệnh vẫn tăng cao, tiếp tục gây áp lực cho các hệ thống y tế, thì tăng trưởng toàn cầu sẽ thấp hơn”.

Điều đó sẽ làm trầm trọng thêm những khó khăn đang diễn ra với tình trạng thiếu lao động, trong sản xuất và vận chuyển toàn cầu, khiến giá cả ngày càng tăng.

Biến thể Omicron cho chúng ta thấy một lần nữa, đại dịch vẫn ở bên cạnh và chúng ta cần học cách chung sống với đại dịch”, ông nói.

Đối mặt lạm phát ở mức cao nhất trong 40 năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được mong đợi ​​sẽ sớm bắt đầu tăng lãi suất và có thể thực hiện các bước đi mạnh mẽ hơn, điều này sẽ làm tăng chi phí đi vay đối với các nước đang phát triển vốn đã gánh nợ kỷ lục.

Điều đó có thể làm xói mòn niềm tin của doanh nghiệp và hộ gia đình, làm giảm dòng tiêu dùng và thương mại, động lực chính của tăng trưởng toàn cầu.

Kose nhấn mạnh việc tiêm phòng vẫn rất quan trọng, vì mối đe dọa về các biến thể mới, có khả năng lây cao hơn hoặc có độc lực nhiều hơn, sẽ tồn tại đến khi một phần đáng kể dân số thế giới được tiêm phòng.

Tỷ lệ dân số được tiêm chủng ở nhiều nền kinh tế dự kiến vượt 70% vào giữa năm 2022, nhưng triển vọng về tiến độ tiêm chủng vẫn chưa chắc chắn ở một số nước, đặc biệt là ở các nước nghèo nhất”, báo cáo cho biết.

Với tỷ lệ tiêm chủng gần đây, chỉ khoảng 1/3 dân số các nước thu nhập thấp sẽ được tiêm một liều vắc xin vào cuối năm 2023”.

Các cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới, như Mỹ và Trung Quốc, đã không thoát khỏi tác động kinh tế của Omicron.

Trong báo cáo, WB hạ mạnh dự báo tăng trưởng Mỹ năm nay xuống 3.7%, thấp hơn 0.5 điểm so với ước tính trước đó, sau khi nước này tăng trưởng 5.6% vào năm 2021.

WB lưu ý kế hoạch chi tiêu cho cơ sở hạ tầng 10 năm trị giá 1.2 nghìn tỷ USD của Washington được thông qua tháng 11 sẽ tạo ra “cú hích nhỏ” cho nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới, với nhiều tác động hơn trong những năm sau đó.

Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ hiện đối mặt lạm phát dai dẳng, và việc thắt chặt chính sách tiền tệ thậm chí nhanh hơn có thể dẫn đến tăng trưởng yếu hơn kỳ vọng.

Đối với Trung Quốc, tăng trưởng dự kiến chậm lại còn 5.1% vào năm 2022, giảm 0.3 điểm phần trăm, nhưng những rắc rối của nước này còn vượt ra ngoài đại dịch.

Khả năng suy thoái rõ rệt và kéo dài trong lĩnh vực bất động sản có đòn bẩy tài chính cao - và những tác động tiềm tàng của nó đối với giá nhà, chi tiêu tiêu dùng và tài chính của chính quyền địa phương - là rủi ro giảm đáng chú ý đối với triển vọng”, báo cáo viết.

Nhã Thanh (Theo IBTimes)

FILI

Các tin tức khác

>   Lạm phát Mỹ chạm mốc 7%, cao nhất trong 39 năm (13/01/2022)

>   Làn sóng Omicron ở Trung Quốc giáng thêm đòn vào kinh tế toàn cầu (13/01/2022)

>   Lạm phát ở các nước giàu tăng vọt lên mức cao nhất trong 25 năm (13/01/2022)

>   Vì sao kệ hàng ở Mỹ tiếp tục trống trơn? (12/01/2022)

>   Nguy cơ "hạ cánh cứng" dần hiện rõ ở các nền kinh tế đang phát triển (12/01/2022)

>   Chủ tịch Fed kỳ vọng nâng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối kế toán trong năm 2022 (12/01/2022)

>   Sau 20 phút trong không khí, virus Covid mất đi 90% năng lực lây nhiễm (12/01/2022)

>   Nợ ngập đầu, Evergrande phải đổi trụ sở để tiết kiệm chi phí (12/01/2022)

>   Airbus cho Boeing “hít khói” về doanh số 3 năm liên tiếp (11/01/2022)

>   Danh sách doanh nghiệp địa ốc Trung Quốc vỡ nợ ngày càng dài (11/01/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật