Chuỗi cung ứng toàn cầu chao đảo vì "Zero-Covid" của Trung Quốc
Theo chuyên gia tại Moody's Analytics, nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu là chính sách "Zero-Covid" của Trung Quốc.
Theo bà Katrina Ell, chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á - Thái Bình Dương tại Moody’s Analytics, nguyên nhân chính khiến tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài là chính sách “Zero-Covid” (đưa số ca nhiễm mới về 0) của Trung Quốc.
“Những nút thắt trong chuỗi cung ứng đã kéo dài khoảng một năm nay. Nhưng chúng tôi cho rằng tình trạng này sẽ được cải thiện phần nào trong vài tháng tới”, CNBC dẫn lời bà Ell nhận định.
“Chúng ta có thể chứng kiến giá nguyên liệu đầu vào sụt giảm phần nào”, vị chuyên gia tại Moody’s nhận định. Nhưng theo bà, với chính sách “Zero-Covid” của Trung Quốc và những biện pháp nghiêm ngặt nhằm hạn chế virus lây lan, tình trạng gián đoạn có thể trở nên trầm trọng hơn.
“Điều này làm gia tăng áp lực cho chuỗi cung ứng vốn đang chảo đảo”, bà Ell bình luận.
Chuyên gia tại Moody's Analytics cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu là chính sách "Zero-Covid" của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
|
Các chính sách nghiêm ngặt
Chính quyền Bắc Kinh áp dụng các chính sách nghiêm ngặt kể từ khi đại dịch xuất hiện vào đầu năm 2020. Trung Quốc đưa ra những biện pháp cách ly gắt gao và hạn chế di chuyển nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Trong những tuần gần đây, các ổ dịch rải rác trên khắp đất nước đã khiến nhiều nhà máy sản xuất quần áo tại đất nước 1,4 tỷ dân phải đóng cửa.
Hoạt động vận chuyển tại Ninh Ba - một trong những cảng biển lớn nhất Trung Quốc - bị gián đoạn, hoạt động cửa các nhà sản xuất chip máy tính ở Tây An đình trệ.
Nhiều thành phố lân cận cũng đối mặt với một số hạn chế. Chính quyền Thâm Quyến - trung tâm sản xuất và công nghệ của Trung Quốc - siết chặt hạn chế đối với những phương tiện di chuyển vào thành phố.
Thực tế, Trung Quốc vẫn là trung tâm của ngành sản xuất toàn cầu. Nếu những thách thức liên quan đến Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và hậu cần tại nước này, môi trường kinh tế toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Thomas O'Connor, chuyên gia về chuỗi cung ứng tại Gartner Inc. ở Sydney
|
Điều đó làm dấy lên lo ngại về tình trạng tắc nghẽn tại cảng Diêm Điền, một trong những cảng container lớn nhất châu Á, đã bị đóng của một phần hồi năm ngoái sau khi dịch bệnh bùng phát.
"Thực tế, Trung Quốc vẫn là trung tâm của ngành sản xuất toàn cầu. Nếu những thách thức liên quan đến Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và hậu cần tại nước này, môi trường kinh tế toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng", ông Thomas O'Connor - chuyên gia về chuỗi cung ứng tại Gartner Inc. ở Sydney - nhận định.
Theo dữ liệu của cơ quan hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 12/2021 đạt mức kỷ lục 340,5 tỷ USD, nâng tổng xuất khẩu cả năm lên 3.360 tỷ USD.
Nhập khẩu trong tháng 12 và cả năm lần lượt là 246 tỷ USD và 2.690 tỷ USD. Tính riêng tháng cuối năm, thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt 94,5 tỷ USD, còn mức cả năm là 676 tỷ USD.
"Các lô hàng xuất khẩu đã tăng mạnh hơn dự kiến trong tháng thứ 5 liên tiếp lên mức kỷ lục. Chừng nào nhu cầu trên thế giới vẫn mạnh mẽ bất chấp Omicron, vị thế công xưởng toàn cầu của Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu", ông David Qu - nhà kinh tế Trung Quốc của Bloomberg - nhận định.
Cản đường phục hồi
Do đó, các biện pháp chống dịch của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và vận chuyển trên toàn cầu, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng.
Biến thể Omicron cũng có thể giáng thêm đòn vào ngành vận tải biển toàn cầu. Bà Ell tại Moody’s Analytics nhận định chính sách “Zero-Covid” của Trung Quốc “làm gia tăng rủi ro đối với đà phục hồi của chuỗi cung ứng”.
Năm ngoái, Trung Quốc đã đóng cửa một nhà ga tại cảng Ninh Ba - Chu Sơn, cảng biển đông đúc thứ ba thế giới. Lệnh cấm được đưa ra sau khi một công nhân được phát hiện dương tính với Covid-19.
Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc đóng cửa một trong số những cảng biển quan trọng của mình. “Chính sách ‘Zero-Covid’ sẽ cản đường phục hồi của nền kinh tế, nhất là về mặt tiêu dùng”, bà Ell nhận định.
Chính sách "Zero-Covid" cũng giáng đòn mạnh vào tiêu dùng - động lực tăng trưởng lớn của nền kinh tế thứ hai thế giới. Ảnh: Reuters.
|
Hôm 17/1, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) lần đầu cắt giảm lãi suất cơ bản sau gần 2 năm. Động thái nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang mất đà tăng trưởng sau các đợt bùng phát Covid-19 mới.
Trong quý IV/2021, GDP Trung Quốc tăng 4% so với một năm trước đó. Mức tăng cao hơn dự báo của các nhà kinh tế nhưng chậm hơn quý III/2021.
Chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc lao dốc đáng kể trong tháng 12/2021. Nguyên nhân là chính quyền Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát ở một số khu vực để ngăn ngừa biến thể virus mới lây lan.
"Sự lây lan nhanh chóng của Omicron có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải trả giá nhiều hơn cho chính sách 'Zero-Covid'", chuyên gia Ting Lu tại Nomura nhận định.
Thảo Phương
ZING
|