Doanh số bán lẻ tại Mỹ giảm 1.9% trong tháng 12
Vào ngày 14/01, Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ tại nước này giảm mạnh hơn dự báo trong tháng 12 khi đà tăng mạnh của giá hàng hóa khiến chi tiêu bị ảnh hưởng.
Báo cáo định kỳ hàng tháng cho thấy doanh số bán lẻ tại Mỹ giảm 1.9%, tệ hơn nhiều so với ước tính chỉ giảm 0.1% từ Dow Jones.
Loại trừ mặt hàng xe ô tô, doanh số bán đã sụt 2.3%, thấp hơn và trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 0.3%.
Ngoài những số liệu yếu kém trong tháng 12/2021, mức tăng trong tháng 11/2021 cũng được điều chỉnh giảm xuống 0.2% so với mức tăng 0.3% đã báo cáo ban đầu.
Xem xét số liệu doanh số bán lẻ chưa được điều chỉnh theo lạm phát, dữ liệu cho thấy một kết thúc chậm chạp trái ngược với một năm 2021 đầy mạnh mẽ, khi mà doanh số bán hàng vọt 16.9% so với năm 2020.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ tăng 0.5% so với tháng trước, đưa mức tăng so với cùng kỳ lên 7%, cao nhất kể từ tháng 6/1982. Giá bán buôn cũng tăng, vọt 9.7% trong 12 tháng qua, đánh dấu mức tăng trong năm lớn nhất kể từ khi dữ liệu được ghi nhận vào năm 2010.
Chi tiêu trực tuyến chịu ảnh hưởng mạnh nhất về tỷ trọng chi tiêu tổng thể, với các nhà bán lẻ trực tuyến báo cáo doanh số sụt 8.7% trong tháng 12/2021. Doanh số bán đồ nội thất và trang trí nhà cửa giảm 5.5% và doanh số bán đồ thể thao, âm nhạc và sách giảm 4.3%.
Sự gia tăng số ca nhiễm biến thể Omicron càng gây thêm thiệt hại trên diện rộng khi hoạt động tiêu dùng giảm bớt.
Nhà hàng và các quán bar, vốn ghi nhận doanh số vọt 41.3% trong năm 2021 và dẫn đầu các ngành hàng, đã giảm 0.8% trong tháng 12/2021. Các trạm xăng về vị trí thứ 2 trong năm qua, với doanh số leo dốc 41% trong năm 2021, nhưng giảm 0.7% trong tháng 12/2021 khi chi phí nhiên liệu thấp hơn.
Chỉ 2 ngành có doanh số bán hàng tăng trong tháng qua, đó là các cửa hàng bán lẻ (tăng 1.8%) và các trung tâm vật liệu xây dựng và làm vườn (cộng 0.9%).
Một báo cáo khác của Bộ Lao động Mỹ vào ngày 14/01 cho thấy giá nhập khẩu giảm 0.2% trong tháng 12/2021, trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 0.2%, đánh dấu lần suy giảm đầu tiên kể từ tháng 8/2021 và một phần do giá nhập khẩu nhiên liệu sụt 6.5%.
Số liệu này mang đến hy vọng rằng lạm phát có thể dịu bớt, mặc dù phần lớn động thái đến từ giá xăng dầu sụt giảm.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) những ngày gần đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối phó với lạm phát, với nhiều nhà hoạch định chính sách nói rằng họ dự kiến bắt đầu nâng lãi suất vào tháng 3/2022. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cùng các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương đã đổ lỗi việc lạm phát tăng là do các yếu tố liên quan đến đại dịch như nhu cầu hàng hóa lớn hơn so với dịch vụ và những vấn đề về chuỗi cung ứng.
Mặc dù lạm phát tăng xảy ra sau khi lượng tiền mặt chưa từng có được bơm vào nền kinh tế từ cả chính sách tiền tệ và tài khóa.
An Trần (Theo CNBC)
FILI
|