Chính thức giảm thuế VAT xuống 8% từ ngày 1/2
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Giảm thuế GTGT không phân biệt phương pháp tính thuế của cơ sở kinh doanh
Nghị định số 15/2022/NĐ-CP đã hướng dẫn thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT). Theo đó, về xác định hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%, không thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT, để thuận tiện cho tổ chức, cá nhân và cơ quan quản lý thuế áp dụng, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật chuyên ngành hiện hành, việc xác định hàng hóa, dịch vụ không được áp dụng giảm thuế GTGT được thực hiện theo các Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định.
Về đối tượng áp dụng, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định áp dụng giảm thuế GTGT đối với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT 10% không phân biệt phương pháp tính thuế của cơ sở kinh doanh là phương pháp khấu trừ hay phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu.
Về lập hóa đơn, để đảm bảo việc giảm thuế đúng quy định của Nghị quyết số 43/2022/QH15 và chính sách giảm thuế đến đúng đối tượng thụ hưởng (người mua hàng hóa, dịch vụ), đảm bảo minh bạch, tránh lợi dụng, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP đã quy định cụ thể việc xuất hóa đơn. Theo đó, đối với cơ sở kinh doanh áp dụng phương pháp khấu trừ thuế thì việc xác định giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT được thực hiện trực tiếp trên hóa đơn GTGT khi cơ sở kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) áp dụng phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu sử dụng hóa đơn bán hàng, trên hóa đơn bán hàng không có tiêu thức thuế GTGT. Do đó, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định cơ sở kinh doanh thực hiện giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” và ghi chú trên hóa đơn bán hàng.
Cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT. Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT thì không được giảm thuế GTGT.
Đối với trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT chưa được giảm theo quy định tại Nghị định này thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).
Đối với trường hợp cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT đã phát hành hóa đơn đặt in dưới hình thức vé có in sẵn mệnh giá chưa sử dụng hết (nếu có) và có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì cơ sở kinh doanh thực hiện đóng dấu theo giá đã giảm 2% thuế suất thuế GTGT hoặc giá đã giảm 20% mức tỷ lệ % bên cạnh tiêu thức giá in sẵn để tiếp tục sử dụng.
Được trừ các khoản ủng hộ, tài trợ phòng chống dịch khi tính thuế TNDN
Phần lớn các loại hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất VAT 10% sẽ được giảm về 8% từ ngày 1/2 tới. Ảnh: Phương Lâm.
|
Nghị định số 15/2022/NĐ-CP cũng hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Theo đó, để tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi trong thực hiện, vừa đảm bảo công tác quản lý, tránh lợi dụng, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định, doanh nghiệp, tổ chức là người nộp thuế TNDN theo quy định của Luật Thuế TNDN, được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của kỳ tính thuế TNDN năm 2022 đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ.
Trường hợp công ty mẹ nhận khoản ủng hộ, tài trợ của các đơn vị thành viên để tập trung đầu mối thực hiện hoạt động ủng hộ, tài trợ thì công ty mẹ và các đơn vị thành viên được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN tương ứng với khoản ủng hộ, tài trợ của công ty mẹ và từng đơn vị thành viên. Công ty mẹ phải có Biên bản hoặc văn bản, tài liệu xác nhận khoản chi ủng hộ, tài trợ nêu tại khoản 4 Điều này. Đơn vị thành viên phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật và có văn bản xác nhận của công ty mẹ về khoản ủng hộ, tài trợ của từng đơn vị thành viên.
Đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ bao gồm: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; cơ sở y tế; đơn vị lực lượng vũ trang; đơn vị, tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ làm cơ sở cách ly tập trung; cơ sở giáo dục; cơ quan báo chí; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức đảng, đoàn thanh niên, công đoàn, hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam các cấp ở trung ương và địa phương; cơ quan, đơn vị chính quyền địa phương các cấp có chức năng huy động tài trợ; Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 các cấp; Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19; Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia; quỹ từ thiện, nhân đạo và tổ chức có chức năng huy động tài trợ được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ xác định khoản chi ủng hộ, tài trợ gồm có: Biên bản xác nhận ủng hộ, tài trợ theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định này hoặc văn bản, tài liệu (hình thức giấy hoặc điện tử) xác nhận khoản chi ủng hộ, tài trợ có chữ ký, đóng dấu của người đại diện doanh nghiệp, tổ chức là đơn vị ủng hộ, tài trợ và đại diện của đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ; kèm theo hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật của khoản ủng hộ, tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân hiểu và sớm được thụ hưởng lợi ích từ chính sách giảm thuế, thuận lợi trong việc xuất hóa đơn cũng như kê khai, nộp thuế và triển khai thực hiện thống nhất trên toàn quốc, Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2022. Quy định giảm thuế GTGT được áp dụng kể từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022; quy định chi phí được trù khi tính thuế TNDN áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN năm 2022.
Nghị định số 15/2022/NĐ-CP nêu rõ, các Bộ theo chức năng, nhiệm vụ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để người tiêu dùng hiểu và được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế GTGT. Trong đó, tập trung các giải pháp ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT nhằm giữ bình ổn mặt bằng giá cả thị trường (giá chưa có thuế GTGT) từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022 cơ bản ổn định so với thời điểm trước ngày 01/02/2022.
Nhật Quang
FILI
|