TP.HCM tiếp tục trình Quốc hội xem xét điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách
TP.HCM sẽ tiếp tục trình Quốc hội xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giai đoạn 2023 - 2026 với 2 phương án: giữ nguyên 21% hoặc tăng lên 23 - 25%.
UBND TP.HCM vừa ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025 với 2 giai đoạn, trước hết tập trung cho phục hồi hoạt động sản xuất, ổn định đời sống của người dân, các giải pháp gắn kết vai trò, vị trí của thành phố với liên kết vùng, đặt trong tổng thể chung của cả nước.
Về nguồn lực, UBND TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục trình Quốc hội xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giai đoạn 2023 - 2026 trên cơ sở giữ nguyên tỷ lệ điều tiết 21% hoặc tăng lên 23 - 25%.
UBND TP.HCM giao Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM phối hợp Sở Tài chính tính toán lại Đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2026 - 2030 để tăng thu ngân sách chuyển Trung ương và tạo tiền đề để thành phố phát triển nhanh, bền vững.
|
Năm 2021, TP.HCM thu ngân sách vượt dự toán, đạt 381.531 tỉ đồng. Vũ Đương
|
Trong thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2021, tỷ lệ điều tiết ngân sách các khoản thu phân chia giữa TP.HCM với Trung ương là 18 %. Tỷ lệ này được nhiều chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội và lãnh đạo TP.HCM đánh giá là quá thấp, không đủ nguồn lực để thành phố đầu tư phát triển khi hàng loạt bất cập về hạ tầng ngày càng lộ rõ.
Hồi tháng 11.2021 vừa qua, Quốc hội chấp thuận phương án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách năm 2022 cho TP.HCM từ 18% lên 21% (tương ứng khoảng 6.000 tỉ đồng), thấp hơn mức mà thành phố đề xuất là 23%.
Năm 2021, TP.HCM thu ngân sách vượt mức dự toán, đạt hơn 381.531 tỉ đồng; trong đó thu thu nội địa đạt trên 263.823 tỉ đồng và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu hơn 117.600 tỉ đồng. Năm 2022, Trung ương giao tổng thu ngân sách cho TP.HCM hơn 386.568 tỉ đồng, chiếm gần 25% tổng dự toán thu ngân sách cả nước.
2 giai đoạn phục hồi và phát triển
Theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, TP.HCM xác định giai đoạn phục hồi (từ nay đến hết năm 2022) sẽ tập trung khắc phục các hệ lụy, khôi phục những đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; giúp những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội và các hoạt động văn hóa - xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19.
Các giải pháp phục hồi kinh tế TP.HCM đều gắn với kiểm soát linh hoạt, hiệu quả dịch Covid-19. Độc Lập
|
Giai đoạn 2 từ năm 2023 đến năm 2025, tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh; giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố; tập trung mọi nguồn lực để phát huy các thế mạnh như: trung tâm kinh tế, tài chính; trung tâm thương mại - mua sắm; trung tâm dịch vụ logistics; trung tâm du lịch; trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ; trung tâm dịch vụ chất lượng cao về y tế, giáo dục…
Còn về giải pháp trước mắt, TP.HCM tập trung sử dụng có hiệu quả nguồn lực của gói hỗ trợ từ đề án giải pháp tài khóa, tiền tệ mà Chính phủ trình Quốc hội thông qua, trong đó ưu tiên hỗ trợ đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch hiệu quả; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh về miễn giảm thuế phí, hỗ trợ lãi suất; tăng đầu tư công cho hạ tầng giao thông, hạ tầng số.
Đồng thời, rà soát, lập danh mục toàn bộ cơ sở nhà, đất đang quản lý, sử dụng để phân loại nhà, đất thuộc phạm vi phải sắp xếp lại nhằm khai thác nguồn thu từ đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội; huy động nguồn lực xã hội thông qua các hình thức xã hội hóa, hợp tác công tư…
Sỹ Đông
Thanh niên
|