Phương án huy động nguồn lực thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ
Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được Văn phòng Quốc hội công bố ngày 17/1/2022. Nghị quyết nêu rõ phương án huy động nguồn lực thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội triển khai từ ngày 11/01/2022 đến ngày 31/12/2023.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
|
Cụ thể, theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội, để có nguồn lực thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình, cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) trong 2 năm 2022 và 2023 bình quân 1% - 1,2% GDP/năm (tối đa 240 nghìn tỷ đồng).
Trong đó, năm 2022, tăng khoảng 1,1% GDP (tối đa 102,8 nghìn tỷ đồng) so với dự toán đã được Quốc hội quyết định; năm 2023, Chính phủ tổng hợp kế hoạch và dự toán NSNN chung cho cả phần tăng thêm của Chương trình và của năm 2023, trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định.
Nhu cầu nguồn lực cần được tính toán cụ thể trên cơ sở tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có, các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương và khả năng giải ngân để xây dựng phương án huy động phù hợp từng thời điểm thông qua các công cụ sau đây:
Thứ nhất, phát hành trái phiếu Chính phủ, bảo đảm nguyên tắc phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ và bảo đảm các cân đối lớn; phù hợp với khả năng trả nợ, giải ngân, khả năng hấp thụ của nền kinh tế, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí. Ưu tiên phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước bằng nội tệ, kỳ hạn phát hành bình quân có thể dưới 9 năm trong 2 năm 2022 và 2023. Trường hợp cần thiết phát hành bằng ngoại tệ, Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi triển khai.
Thứ hai, vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi nước ngoài theo hình thức hỗ trợ cân đối ngân sách.
Thứ ba, trong trường hợp cần thiết, Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác phù hợp và hoàn trả khi có nguồn trong kế hoạch tài chính - NSNN hằng năm hoặc các nguồn khác theo quy định; cho phép phát hành trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngoài ra, tại Nghị quyết, Quốc hội cũng khuyến khích đẩy mạnh các biện pháp khác để khai thác các nguồn lực. Cụ thể, sử dụng tối đa, hiệu quả các nguồn lực trong các kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025; tiết kiệm, tiết giảm tối đa các khoản chi, điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ, khoản mục chi trong phạm vi thẩm quyền. Quản lý chặt chẽ các nguồn thu, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi NSNN; đẩy mạnh lộ trình cải cách thuế, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; hiện đại hóa hệ thống thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, triển khai hóa đơn điện tử, tận dụng các dư địa tăng thu NSNN, nhất là dư địa tăng thu đối với các giao dịch số xuyên biên giới và các dịch vụ trên nền tảng số đang được cung cấp cho người tiêu dùng tại Việt Nam; triệt để thu hồi các khoản kinh phí chi thường xuyên chậm phân bổ, chậm triển khai...
Bên cạnh đó, chủ động triển khai các biện pháp khác như: sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, công cụ phù hợp để huy động thêm nguồn lực thực hiện Chương trình; xây dựng phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng để kịp thời áp dụng trong thời gian thực hiện Chương trình; đẩy nhanh việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các DNNN, nguồn vốn từ tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội; rà soát lại các quỹ tài chính ngoài NSNN, năng lực đầu tư của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước để có kế hoạch huy động, sử dụng phù hợp...
Việt Hoàng
Tạp chí Tài chính
|