CEO 41 tuổi chia sẻ kinh nghiệm xây dựng doanh nghiệp bán cà phê bằng robot
Cà phê đen nguyên chất hay latte đá, bất kỳ kiểu cà phê nào bạn muốn uống, Ella – quầy cafe hoàn toàn tự động đầu tiên tại Singapore - là những gì bạn cần.
Ella là một sáng kiến, hiện đang trị giá hàng triệu đô la, của doanh nhân 41 tuổi Keith Tan. Trước đây Tan là một chuyên viên quản lý tài sản nhưng anh đã nghỉ việc vào năm 2015 để thành lập chuỗi cà phê của riêng mình.
Keith Tan
|
“Khi 35 tuổi, lúc đó còn công tác trong ngành tài chính, tôi nghĩ rằng đây là cơ hội của mình, tôi cần phải làm gì đó, tạo ra một thứ gì đó cho bản thân”, Tan chia sẻ với CNBC Make It.
Cửa hàng cà phê của anh phát triển không được bao lâu thì Tan lại phát hiện ra vấn đề nhân lực trong ngành nhà hàng giải khát (F&B).
“Lúc đó chúng tôi có bốn cửa hàng và đều có vấn đề nhân sự, tôi nghĩ rằng mình đã đầu tư vào công ty này, tôi muốn nó sẽ phát triển, phát triển hơn thế nữa. Cho nên tôi quyết định đã đến lúc cần phải nhờ đến công nghệ”, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành (CEO) của Crown Digital Keith Tan chia sẻ.
Tái phân bổ nguồn lực ngành F&B
Nhờ đó mà ý tưởng Crown Digital được ra đời: Một công ty start-up công nghệ chuyên giải quyết những khó khăn trong ngành F&B.
Ella là sản phẩm đầu tiên của công ty – một con robot tự động được thiết kế để thay thế công việc phục vụ cà phê của con người.
Ra đời năm 2018 sau nhiều năm thử nghiệm, robot pha chế có một cánh tay tự động, được sản xuất bởi công ty robot Techman Robot, ngồi trong một kiosk 5m2. Robot này có thể hoạt động suốt ngày và phục vụ tới 200 ly cà phê mỗi tiếng, gấp 4 lần năng suất của một nhân viên pha chế thông thường.
Thành phần – sữa tươi và hạt cà phê – chỉ cần bổ sung sau 360 lượt phục vụ và được thực hiện bởi Ella qua một ứng dụng. Trung tâm điều phối nội bộ của Crown Digital cho phép Ella phát hiện và giải quyết những sai sót và sự cố kỹ thuật từ xa.
Tan nói rằng công nghệ này được thiết kế đặc biệt để phục vụ ở những địa điểm đông người, thích hợp cho hình thức take-away như tại sân bay, trạm vận chuyển và văn phòng, nơi tốc độ là tất cả.
“Có những cơ hội bạn cần tốc độ, tính nhất quán mà lại dễ vận hành, đó là nơi mà robot tỏa sáng”, Tan chia sẻ.
Trào lưu sử dụng robot
Hiệu quả về mặt năng suất cũng đồng nghĩa đang giúp khách hàng tiết kiệm chi phí. Chẳng hạn, một ly latte của Ella có giá 3 USD, trong khi một ly cà phê pha chế thông thường tại Singapore có giá khoảng 4.5 USD.
Nhưng Ella không phải là robot bán cà phê duy nhất trên thị trường.
Trong năm 2015, công ty tự động hóa Thụy Sĩ ABB đã cho ra mắt YuMi, một robot đa năng có khả năng thực thi nhiều nhiệm vụ khác nhau kể cả ký tên, giải rubik và thậm chí là hợp xướng cùng với ca sĩ người Ý Andrea Bocelli.
Gần đây đã xuất hiện nhiều robot cà phê như Café X tại San Francisco và B;eat tại sân bay Incheon của Hàn Quốc.
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ tăng trưởng vượt bậc trong tương lai”, Chris Holmes, Giám đốc điều hành của IDC Insights Asia Pacific, nhận xét về lĩnh vực tự động hóa và robot.
Các công ty trí tuệ nhân tạo kỳ vọng chỉ trong vòng hai năm nữa thôi phân nửa các cửa hàng bán lẻ F&B sẽ tiến hành áp dụng robot.
Chris nói: “Chắc chắn chúng ta vẫn sẽ còn thấy nhân viên phục vụ nhưng sẽ có nhiều robot hơn xuất hiện trong các khâu như quản kho, vận chuyển và phân phối”.
Được thúc đẩy bởi dịch Covid
Dịch Covid đã thúc đẩy nhu cầu áp dụng robot. Do càng ngày càng có nhiều người coi trọng khía cạnh vệ sinh trong đại dịch, Tan đảm bảo Ella phải xuất hiện đầu tiên tại các khu vực bán lẻ trong các trung tâm mua sắm ở Singapore năm 2020.
Crown Digital đã ký hợp đồng đưa robot vào phục vụ tại một số địa điểm được chọn trong mạng lưới 1,657 trạm của công ty East Japan Railway và tại 30 trạm tàu điện ngầm tại Singapore do SMRT vận hành.
Điều đó đồng nghĩa 18 triệu người đi làm hàng ngày có thể sử dụng cà phê mang đi do Ella phục vụ.
“Chúng tôi đang cải tiến cách thức phục vụ cà phê tới khách hàng thông qua những điểm tương tác kỹ thuật số”, Tan chia sẻ.
Hai nhà điều hành vận tải cũng đã đầu tư vào Crown Digital, nâng tổng vốn đầu tư lên 3.1 triệu USD và hiện đang định giá 35 triệu USD.
Tác động của tự động hóa
Tuy nhiên không phải tất cả mọi người đều đón nhận sự phổ biến của robot.
“Có nhiều lo ngại xung quanh vấn đề robot thay thế công việc của con người”, nhận định của Holmes, ông nói thêm robot dưới hình thức phần mềm lẫn vật chất đang dần thay đổi mặt bằng việc làm.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ước tính đến năm 2025 tự động hóa sẽ thay thế 85 triệu việc làm. Tuy nhiên, tổ chức này cũng nói thêm rằng sự tiến hóa của robot sẽ tạo ra thêm 97 triệu việc làm trong cùng giai đoạn.
Tan nhận định những robot như Ella chỉ đơn giản là đang mở đường cho những công việc đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn.
“Chung quy, tự động hóa sẽ thay thế các nhiệm vụ chính yếu của bạn trước đây để bạn có thể tập trung vào trải nghiệm con người, sau đó lại cải tiến robot để chúng mang lại những trải nghiệm con người giá trị hơn nữa”, anh nói.
Đối với Keith Tan, robot pha chế chỉ mới là khởi đầu, anh còn có những kế hoạch khác để robot có thể tham gia giúp đỡ nhiều hơn trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
“Chúng tôi bắt đầu với cà phê nhưng sẽ không chỉ dừng lại ở đó”, anh nói. “Chẳng hạn, chúng tôi dự tính sẽ đưa Ella vào khâu phục vụ vận chuyển thực phẩm. Có rất nhiều phương diện để bạn có thể ứng dụng Ella vào đó”.
Tuệ Nhiên (Theo CNBC)
FILI
|