Thứ Tư, 05/01/2022 10:00

10 sự kiện ngân hàng nổi bật năm 2021

Năm 2021 đi vào lịch sử vô tiền khoáng hậu khi nhiều tháng liền siết chặt “ai ở đâu ở yên đó”. Và dĩ nhiên toàn nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng cũng sẽ chịu tác động tiêu cực nhất định từ trận đại dịch Covid-19 gây nên. Cùng Vietstock điểm lại những sự kiện ngân hàng nổi bật trong năm dịch bệnh này.

Đầu năm 2021, VN-Index nối dài mức tăng trưởng ấn tượng từ năm trước đó và tiến lên vùng đỉnh lịch sử vào tháng 04/2018 (quanh mức 1,200 điểm). Tuy nhiên, nhịp điều chỉnh đã xuất hiện và khiến chỉ số này đánh mất hơn 15% giá trị.

Trong giai đoạn khó khăn đó, nhờ vào đà tăng tích cực xuất hiện ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, VN-Index đã phục hồi mạnh mẽ và thiết lập được mức cao mới. Chỉ số đại diện sàn HOSE đã nhanh chóng vượt mức 1,400 điểm vào cuối tháng 6/2021. Các mã ngành ngân hàng liên tục chiếm tỷ trọng cao trong nhóm cổ phiếu có đóng góp tích cực đến thị trường chung. Thống kê VietstockFinance cho thấy, các cổ phiếu ngành ngân hàng chiếm hơn 50% điểm ảnh hưởng lên chỉ số VN-Index trong nửa đầu năm 2021.

Tuy nhiên, nửa cuối năm là một bức tranh trái ngược của nhóm ngân hàng. Trong bối cảnh chỉ số VN-Index tiếp tục tăng tốc để vượt 1,500 điểm thì nhóm cổ phiếu ngân hàng lại đi ngược thị trường. Tính đến cuối năm 2021, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã có bước điều chỉnh khá so với thời điểm thị trường vượt mốc 1,400 điểm.

Nguồn: VietstockFinance

Tác động tiêu cực từ nhiều tháng “ai ở đâu ở yên đó” đã thể hiện qua con số doanh nghiệp xin ngừng hoạt động đạt kỷ lục. Tính chung 11 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 52.1 nghìn doanh nghiệp, tăng 17.3% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 9.7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Là trung gian thanh toán, nhưng ngân hàng vẫn báo lãi khủng dù nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Trả lời cho nghịch lý này, các chuyên gia cho rằng báo cáo lợi nhuận của hệ thống ngân hàng tính đến thời điểm quý 2,3 chưa thể phản ánh đầy đủ, bởi vì cuối năm các ngân hàng mới trích lập dự phòng rủi ro, khi đó các khoản lãi sẽ giảm.

Phản ánh trên BCTC, dữ liệu từ VietstockFinance cho thấy lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2021 của 27 ngân hàng niêm yết đạt gần 139  nghìn tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do thu nhập lãi ròng tăng cao hơn; trong khi đó lợi nhuận giảm so với quý trước là do thu nhập lãi ròng, thu nhập phí, và thu từ xử lý nợ xấu giảm.

Tuy nhiên, cần lưu ý là sức ép về trích lập dự phòng và nợ xấu gia tăng trong thời gian tới tại các ngân hàng sẽ rất lớn, khi khách hàng cá nhân và doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Thêm vào đó, việc tăng cường các gói hỗ trợ trước mắt sẽ ảnh hưởng xấu đến thu nhập của các ngân hàng trong ngắn hạn, trong khi khả năng kiềm chế dịch và tốc độ phục hồi của nền kinh tế sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng trong trung hạn.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBankHOSEVPB) đã hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF) - một công ty con do Tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản sở hữu 100% vốn.

Ngày 28/10/2021, sau 6 tháng kể từ khi VPBank và SMBCCF ký hợp đồng chuyển nhượng vốn vào tháng 4/2021, hai bên đã hoàn thành các bước và thủ tục cần thiết để SMBCCF chính thức nắm giữ 49% vốn điều lệ tại FE Credit. Đồng thời, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng sẽ được đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC.

VPBank vẫn nắm giữ 50% vốn điều lệ tại FE Credit, trong khi 1% vốn điều lệ còn lại thuộc về một nhà đầu tư khác.

Việc thoái bớt một nửa vốn điều lệ tại FE Credit sẽ tạo điều kiện cho VPBank củng cố năng lực tài chính và mở rộng hơn nữa các hoạt động kinh doanh ở những phân khúc tiềm năng khác. Trong khi đó, khoản đầu tư của SMBCCF sẽ cho phép công ty tài chính tiêu dùng tại Nhật Bản này mở rộng hoạt động kinh doanh trong khu vực, bằng cách chia sẻ những bí quyết và kinh nghiệm kinh doanh đã tích lũy được tại thị trường Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác.

2021 có thể gọi là năm thay tướng khi nhiều vị trí ghế nóng ngân hàng được thay thế bởi thế hệ 7x-8x.

Đầu tiên phải kể đến là ông Dương Nhất Nguyên, giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Vietbank từ ngày 27/04/2021. Ông Nguyên là con trai nguyên Chủ tịch HĐQT Vietbank – ông Dương Ngọc Hòa và bà Trần Thị Lâm – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm. Việc đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Nguyên được cho là chiến lược phân vai cho các mảng, lĩnh vực kinh doanh của gia đình.

Ngày 04/05/2021, bà Trần Thị Thu Hằng trở thành nữ Chủ tịch ngân hàng trẻ nhất trong lịch sử nhà băng Việt khi ngồi ghế nóng Kienlongbank lúc 36 tuổi. Bà Hằng cũng đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư SIPT, Tổng Giám đốc điều hành CTCP Tập đoàn Sunshine (Sunshine Group).

Bà Bùi Thị Thanh Hương được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT NCB vào ngày 29/07/2021. Ngoài 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán – tài chính ngân hàng, bà Hương hiện cũng đang giữ chức vụ Tổng Giám đốc tại Sun Group.

Trong những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9, vị trí Chủ tịch của 2 “ông lớn” quốc doanh cũng được thay bởi thế hệ 7x. Ngày 30/08/2021, ông Phạm Quang Dũng được bổ nhiệm vị trí đứng đầu Vietcombank sau 27 năm công tác và giữ nhiều vị trí quản lý quan trọng tại nhà băng này. Bên cạnh đó, ông Trần Minh Bình được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT vào ngày 07/09/2021 sau 8 năm đảm nhận các vị trí lãnh đạo cấp cao tại VietinBank.

Một gương mặt 8x khác là ông Phương Thanh Long ngồi “ghế nóng” VietABank từ ngày 08/09/2021. Ông Phương Thanh Long là con trai của  ông Phương Hữu Lĩnh (anh trai của cựu Chủ tịch Phương Hữu Việt) và bà Lương Thị Linh.

Thời gian qua, các ngân hàng đã giảm lãi suất, hỗ trợ người dân vượt qua dịch bệnh Covid-19 bằng chính nguồn lực tài chính của mình chứ không phải tiền từ ngân sách...

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 10/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 500,000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với dư nợ trên 260,000 tỷ đồng; lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ 23/1/2020 khoảng 550,000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các TCTD cũng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1.9 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 3.79 triệu tỷ đồng; lũy kế từ 23/1/2020 đến cuối tháng 10/2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 31,400 tỷ đồng;

Đồng thời, cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt trên 7 triệu tỷ đồng cho hơn 1.2 triệu khách hàng.

Thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận (thông qua Hiệp hội ngân hàng) giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20,613 tỷ đồng.

Riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4,000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách xã hội cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 31/10/2021 của 16 ngân hàng là khoảng 15,559 tỷ đồng (tăng 3,323 tỷ đồng so với 30/9/2021 tương ứng tăng 27.16%), đạt 75.48% so với cam kết.

Nhà đầu tư đã quá quen thuộc với cuộc đua lên sàn chứng khoán của các ngân hàng bởi thời hạn hết năm 2020 các ngân hàng phải niêm yết, giao dịch trên sàn chứng khoán theo Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” đã qua được 1 năm.

Dường như có đến nửa năm nền kinh tế bị tê liệt do giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc, do đó, những nhà băng trễ hạn trong năm 2020 đã gấp rút đua lên sàn chứng khoán trong những tháng đầu năm 2021.

Là ngân hàng chào sàn đầu tiên trong năm 2021, gần 1.1 tỷ cp OCB, tương đương giá trị niêm yết 10,959 tỷ đồng đã được niêm yết trên sàn HOSE vào ngày 28/01/2021 với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên 22,900 đồng/cp.

Kế đến là hơn 1.2 tỷ cp SSB của SeABank cũng được niêm yết trên sàn HOSE vào ngày 24/03/2021 với giá tham chiếu 16,800 đồng/cp.

708.5 triệu cp BAB của Bac A Bank cũng chính thức niêm yết trên sàn HNX vào ngày 03/03/2021 với giá tham chiếu 16,000 đồng/cp.

Trên sàn UPCoM, ngày 20/07, gần 445 triệu cp VAB của VietABank cũng bắt đầu giao dịch với giá tham chiếu 13,500 đồng/cp.

Như vậy, hiện đã có 27 mã ngân hàng trên sàn chứng khoán (HOSE: 17, HNX: 2, UPCoM: 8). Và vẫn còn một số nhà băng chưa có động thái về việc lên sàn như SCB, PVComBank và BaoViet Bank.

Tính từ đầu năm tới nay, NHNN đã có 3 lần điều chỉnh giảm giá mua vào USD. Cụ thể, ngày 08/06/2021 giảm 150 đồng/USD, đến ngày 11/08/2021 thay đổi từ mua kỳ hạn 6 tháng chuyển sang giao mua ngay, đồng thời giảm giá mua 225 đồngg/USD. Lần thứ 3 giảm giá mua USD thêm 100 đồng/USD vào ngày 05/11/2021, xuống còn 22,650 đồng/USD.

Việc điều chỉnh giảm giá mua vào là hệ quả tất yếu trong bối cảnh tỷ giá trung tâm lẫn giá bán ra của NHNN và giá USD trên thị trường liên ngân hàng đã giảm so với đầu năm.

Đồng thời, NHNN giảm mạnh giá mua vào USD dựa trên cơ sở nguồn cung ngoại tệ trong nước dồi dào khi cán cân thương mại của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm thặng dư 225 triệu USD và lượng kiều hối ước tính chuyển về Việt Nam đạt mức kỷ lục 18.1 tỷ USD, bất chấp dịch Covid-19.

Nhờ vậy, NHNN tích cực mua ròng ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối. Mặt khác, thông qua lượng tiền đồng đối ứng được bơm ra thị trường nhưng không bị hút về, nhà điều hành đang muốn tạo điều kiện nguồn vốn dồi dào để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn đại dịch Covid-19.

Tại Báo cáo tháng 12/2020, theo Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988, Việt Nam cùng với Thụy Sỹ bị Bộ Tài Chính Mỹ xác định là thao túng tiền tệ.

Ngày 16/04/2021, Bộ Tài chính Mỹ trình lên Quốc hội Báo cáo bán thường niên "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ". Báo cáo chỉ ra rằng  chưa đủ bằng chứng khẳng định Việt Nam thao túng tỷ giá theo Đạo luật 1988.

 
 
 

Ngày 04/12/2021 vừa qua, trong báo cáo tiền tệ bán niên gần nhất, Mỹ tái khẳng định Việt Nam không thao túng tiền tệ.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết không có đối tác thương mại chủ chốt nào của Mỹ tìm cách thao túng tiền tệ nhằm giành lợi thế thương mại hay ngăn cản việc điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả trong 4 quý tính đến tháng 6/2021.

Sau đó, Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với Việt Nam và Đài Loan để giải quyết các lo ngại của Mỹ. Bộ Tài chính Mỹ “hài lòng với tiến triển Việt Nam đạt được cho tới nay” và sẽ tiếp tục quá trình trao đổi đã khởi động hồi tháng 5 với Đài Loan. 

Ngay từ đầu năm 2021, 13 ngân hàng đã công bố hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II gồm: VIB, Vietcombank, VPBank, TPBank, SeABank, Techcombank, ACB, MSB, SHB, HDBank, LienVietPostBank, Viet Capital Bank, Shinhan Việt Nam.

Basel II là chuẩn mực gồm 3 trụ cột gồm: Tỷ lệ an toàn vốn (CAR); Đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP); Minh bạch và kỷ luật thị trường và được các ngân hàng hoàn thiện theo từng giai đoạn.

Sau khi đáp ứng Basel II, chuẩn mực quản trị rủi ro Basel III đang được nhiều ngân hàng Việt Nam hướng tới, giúp nâng cao năng lực vốn, kiểm tra sức chịu đựng của nhà băng trong những tình huống xấu nhất và quản lý rủi ro thanh khoản. Trong khi đó, IFRS 9 là chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế quan trọng đối với ngân hàng, giúp tăng cường tính minh bạch, tăng khả năng so sánh, gia tăng chất lượng thông tin công bố, từ đó mở rộng cánh cửa hội nhập vào thị trường vốn quốc tế.

Đầu tháng 10/2021, TPBank đã công bố hoàn thành toàn bộ các tiêu chí của Basel III và chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS 9. Sau khi  đã đáp ứng đầy đủ cả 3 trụ cột của Basel II, nhiều ngân hàng đã áp dụng một phần hoặc đang thí điểm triển khai Basel III như VIB, MSB, HDBank, Techcombank, SeABank… Phía VIBMSB đã hoàn thiện áp dụng Basel III trong quản lý thanh khoản, quản lý rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Trong khi đó, HDBank cũng đã áp dụng hai chỉ số đảm bảo thanh khoản là hệ số quỹ bình ổn ròng (NSFR) và tỷ lệ đảm bảo thanh khoản (LCR) của Basel III.

Theo quy định của NHNN là chậm nhất đến đầu tháng 1/2023 các ngân hàng phải thực hiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II được quy định tại Thông tư 41/2016. Trong khi theo các chuyên gia, tăng vốn là yêu cầu đầu tiên để các ngân hàng đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II.

Vì vậy, tăng vốn luôn là mục tiêu hàng đầu của các ngân hàng trong thời gian qua, bất chấp những tác động bất lợi của đại dịch Covid-19. Trên thực tế, từ đầu năm đến nay hầu hết các NHTM trong hệ thống đều đã đẩy mạnh tăng vốn bằng nhiều hình thức như: Phát hành cổ phiếu, huy động vốn từ trái phiếu. Nhiều nhà băng khác như Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB... cũng đã chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ khá cao để tăng vốn điều lệ.

Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng, kể cả nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn giảm mạnh qua các năm. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 đến trong năm 2020 và đặc biệt năm 2021, NHNN đánh giá độ trễ sẽ còn tác động cả sang năm 2022. Do đó, ngành ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Tại phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XV, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, NHNN đã lên kịch bản kỹ lưỡng và báo cáo Chính phủ về xu hướng nợ xấu trong thời gian tới. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức từ 7.1% - 7.7% khi các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn hoãn theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14.

Thực tế, nhìn vào báo cáo tài chính quý 3 của các ngân hàng, dù lợi nhuận tăng trưởng khủng, nhưng nợ xấu đã đang và sẽ tiếp tục là vấn đề mà ban điều hành của các ngân hàng quan tâm.

Tính đến cuối quý 3/2021, tổng nợ xấu tại 27 ngân hàng chiếm hơn 113,000 tỷ đồng, tăng gần 26% so với đầu năm. Trong đó, có 8/27 ngân hàng công bố nợ xấu giảm so với đầu năm nhưng tỷ lệ thấp, bình quân dưới 10% so với đầu năm.

Cát Lam

FILI

Các tin tức khác

>   Dốc lực đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip (27/12/2021)

>   Một năm nằm đáy của lãi suất (28/12/2021)

>   Cân bằng giữa chính sách tài khóa và tiền tệ thế nào? (27/12/2021)

>   Giải quyết vấn đề nợ xấu có thể tăng sau đại dịch thế nào? (27/12/2021)

>   Nhộn nhịp thị trường lì xì tết (27/12/2021)

>   420 Khách hàng Sacombank trúng thưởng chương trình "30 vững vàng - Rộn ràng tri ân"  (25/12/2021)

>   HDBank sắp phát hành 20 triệu cp ESOP với giá 10,000 đồng/cp (25/12/2021)

>   Sản phẩm dịch vụ của Sacombank liên tục được vinh danh qua các giải thưởng uy tín (24/12/2021)

>   Giá USD hồi phục nhẹ  (24/12/2021)

>   ABBank chính thức tăng vốn lên mức hơn 6,800 tỷ đồng (24/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật