Xuất khẩu tiểu ngạch: Chưa thể chuyển đổi
Tính đến cuối tuần trước, vẫn còn gần 6,000 xe ùn tắc ở các cửa khẩu Lạng Sơn và Quảng Ninh. Một lượng rau củ quả khổng lồ đứng trước nguy cơ hư thối phải bỏ hoặc bán tháo và hàng ngàn tài xế tiếp tục vật vờ, lo lắng chưa biết bao giờ tình trạng này chấm dứt.
Lâu nay, giao dịch nông sản giữa Việt Nam - Trung Quốc chuộng hình thức tiểu ngạch vì dễ dàng, hai bên tự trao đổi, lại hưởng thuế ưu đãi vùng mậu biên Trung Quốc khoảng 1.5-2%, thấp hơn rất nhiều so với đi chính ngạch (khoảng 9-12%). Tính ra, chi phí một lô hàng xuất qua đường mậu biên thường chỉ bằng 1/5 so với chính ngạch. Nhưng hơn 2 năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả. Đặc biệt, mới đây chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc khiến con đường xuất khẩu tiểu ngạch của Việt Nam vốn rủi ro bấp bênh nay càng thêm siết chặt, khó khăn.
Dù vậy, xuất khẩu tiểu ngạch chưa thể một sớm một chiều thay đổi. Thứ nhất, xuất khẩu tiểu ngạch có những đặc điểm mà chính ngạch không phù hợp. Ví dụ trong 1.4 tỷ dân Trung Quốc, vẫn có một bộ phận không nhỏ người dân chỉ thích sản phẩm giá rẻ. Thứ hai, xuất khẩu tiểu ngạch không bị giới hạn như chính ngạch. Hiện tại, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc một số loại trái cây là thanh long, xoài, mít, vải, chôm chôm, dưa hấu, nhãn, chuối và măng cụt. Còn những loại khác như sầu riêng, khoai lang, chanh leo, bưởi, bơ, dừa.. vẫn chờ cấp phép.
Bản thân doanh nghiệp Việt tham gia trồng trọt hoặc thu mua nông sản xuất sang Trung Quốc cũng chủ yếu ở quy mô nhỏ, xuất hàng qua cửa mậu biên là chính chứ chưa chuyên nghiệp, tự tin tham gia sân chơi chính ngạch. Phải thế chăng mà dù có những khó khăn, thương mại biên giới qua các nước, chủ yếu là Trung Quốc năm 2020 vẫn đạt 30 tỷ USD.
Ở con đường chính ngạch, nông sản Việt muốn tham gia phải thỏa mãn nhiều tiêu chí. Trung Quốc đã yêu cầu vùng trồng, cơ sở đóng gói phải có mã số quản lý, truy xuất nguồn gốc. Mới đây nhất, Trung Quốc tiếp tục ban hành lệnh 248 về đăng ký doanh nghiệp và lệnh 249 về quản lý giám sát an toàn thực phẩm, có hiệu lực từ 01/01/2022. Đây đều là những chính sách có tính siết chặt xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Các quy định này lại liên tục điều chỉnh, hơn 40 lần thay đổi chỉ tính riêng năm 2021. Vì thế, một chuyển hướng tức thì từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch là không khả thi mà cần lộ trình và thời gian chuẩn bị.
Quay về thị trường trong nước cũng không dễ dàng khi sức mua nội địa không đảm bảo khả năng hấp thụ một lượng lớn nông sản từ tiểu ngạch chuyển sang. Chưa kể, muốn chen chân trong thị trường nội địa, nông sản Việt phải đáp ứng thị hiếu khẩu vị người dùng, hợp tác với các đối tác, bán hàng, đóng gói, bảo quản sản phẩm, logistics, truyền thông, marketing.. hoàn toàn khác với khi xuất khẩu.
Trong lúc chờ đợi cơ hội mới và lộ trình chuyển đổi, những xe nông sản Việt vẫn mỗi ngày trực chỉ biên giới Trung Quốc trong tâm thế “còn nước còn tát”. Ngoài ra, các doanh nghiệp chấp nhận thua lỗ để duy trì mối quan hệ bạn hàng đã thiết lập từ trước.
Rõ ràng, câu chuyện của nông sản Việt không thể là triệt tiêu đường tiểu ngạch mà cần đa dạng hình thức xuất khẩu, đa dạng sản phẩm và có cách phòng ngừa rủi ro, để khi cửa này bít lối thì có cửa khác mở ra.
Đó còn là câu chuyện liên kết, phối hợp của nhiều bên, mà trong đó, vai trò của các cơ quan quản lý rất quan trọng. Một khi Việt Nam đạt những thay đổi mạnh mẽ trong chuỗi cung ứng, với vùng chuyên canh tập trung, đạt tiêu chuẩn GAP (VietGAP, GlobalGAP…), có những dự báo dài hơi và kịp thời, nông dân được sát cánh hỗ trợ, danh mục hàng xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc được mở rộng thì nông sản Việt Nam không chỉ có thể chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch qua Trung Quốc mà còn có thể thâm nhập các thị trường khó tính như Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ.. Vị thế nông sản của Việt Nam cũng được nâng lên và người tiêu dùng nội địa sẽ mua được rau quả sạch, ngon từ các vùng chuyên canh theo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ngọc Thủy
FILI
|