2022: RCEP tạo động lực phục hồi kinh tế
Ngày 1-1-2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực. Đây là hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất, với quy mô của nhóm nước tham gia chiếm đến 30% dân số thế giới cũng như 30% GDP toàn cầu.
Ảnh minh họa
|
Khi được thực thi, FTA này được kỳ vọng đóng vai trò động lực quan trọng cho thương mại và đầu tư, thúc đẩy hồi phục các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Tác động kinh tế trên 3 khía cạnh
Tính đến ngày 7-12 đã có 11 quốc gia phê chuẩn “siêu” hiệp định RCEP. Trong đó có 6 nước ASEAN là Singapore, Lào, Campuchia, Brunei, Việt Nam và Thái Lan, cùng 5 nước ngoài ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia và Hàn Quốc. Đối với các nước thuộc ASEAN, khi có hiệu lực, RCEP được kỳ vọng tạo động lực hồi phục mạnh mẽ trên 3 khía cạnh.
Thứ nhất, giảm thuế quan và thống nhất các quy tắc xuất xứ. Về quy tắc xuất xứ, trước khi có RCEP, việc xuất khẩu của các nước ASEAN thường được thực hiện trên khuôn khổ các FTA ASEAN+1, như ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), ASEAN - Nhật Bản (AJCEP). Trong hoạt động thương mại nội khối sử dụng Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Những hiệp định này quy định các quy tắc xuất xứ khác nhau. Thí dụ, đối với ACFTA, các doanh nghiệp (DN) phải sử dụng mẫu E, đối với ATIGA là mẫu D và với AJCEP sử dụng mẫu AJ. Khi các quy tắc xuất xứ được thống nhất sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông tốt hơn, giúp DN tăng khả năng đáp ứng các điều kiện được hưởng ưu đãi thuế quan, gia tăng xuất khẩu trong khu vực.
Quan trọng hơn, RCEP yêu cầu ít nhất 40% giá trị của nhiều sản phẩm phải được sản xuất nội khối. Tức quy trình sản xuất sản phẩm phải được chia sẻ giữa các quốc gia tham gia hiệp định từ 40% trở lên, đặc biệt các sản phẩm công nghệ cao như điện tử và ô tô, như một tiêu chí để được hưởng các ưu đãi về thuế quan.
Ngoài ra, RCEP còn giúp loại bỏ tới 90% thuế quan đối với hàng hóa trao đổi giữa các bên ký kết trong vòng 20 năm tới kể từ ngày có hiệu lực. Riêng trong năm 2022, Trung Quốc - một trong 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của ASEAN, sẽ xóa bỏ đến 70% thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ ASEAN.
Ngược lại, một số nước ASEAN như Singapore, Brunei, Thái Lan và Việt Nam cũng xóa bỏ đến 75% thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Thứ hai, tăng cường sự hài hòa của các biện pháp phi thuế quan (NTM). Các NTM như tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, các yêu cầu về đóng gói và nhãn hiệu sản phẩm sẽ được thúc đẩy tính minh bạch, thông qua áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và công nhận lẫn nhau các thủ tục đánh giá giữa các thành viên tham gia.
Thực tế, dù đã có một số tiến bộ trong các quy định liên quan đến NTM trong ATIGA, nhưng các DN vẫn thường xuyên phàn nàn về tính phức tạp và chi phí tuân thủ các tiêu chuẩn phi thuế quan do các đối tác nhập khẩu áp đặt.
Thứ ba, RCEP được kỳ vọng kích thích thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới. Trước hết RCEP thúc đẩy thương mại phi giấy tờ, thực hiện các thủ tục hành chính bằng phương thức điện tử, công nhận tính pháp lý ngang với hồ sơ giấy. Đồng thời khuyến khích chứng thực và chữ ký điện tử.
RCEP còn có các điều khoản bảo vệ người sử dụng mạng và dữ liệu thông tin cá nhân. Sự thúc đẩy gia tăng các hoạt động TMĐT đặc biệt có ý nghĩa với DNNVV do chi phí thấp, tốc độ xử lý nhanh và tính minh bạch cao, từ đó tăng khả năng phục hồi sau đại dịch trong năm 2022 và giai đoạn sau đó.
Việt Nam làm gì để không bị lỡ hẹn?
Trong cơ cấu thương mại, khu vực RCEP chiếm 50-55% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu chiếm khoảng 25-30%, nhập khẩu chiếm đến 70%. Như vậy thách thức đầu tiên là làm sao giảm nhập siêu từ các quốc gia RCEP.
Trong bối cảnh nhiều DN có nguồn lực dồi dào, đặc biệt là từ Trung Quốc và Hàn Quốc - 2 nước nhập siêu lớn của Việt Nam, tranh thủ các điều kiện thuận lợi để khai thác các thị trường còn rệu rã sau dịch, chúng ta có khả năng bị nới rộng quy mô nhập siêu. Nếu không có các biện pháp xử lý sẽ gây ảnh hưởng lên tỷ giá, từ đó ảnh hưởng lớn đến doanh thu DN xuất khẩu Việt Nam.
Các trở ngại khi mua hàng trực tuyến tại Việt Nam. Nguồn: Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam.
|
Ngoài vấn đề nhập khẩu, DN Việt phải cạnh tranh với các đối tác trong việc tiếp cận các thị trường hấp dẫn. Trước đây nhờ vào các FTA song phương và ASEAN+1 với Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam phần nào có lợi thế về thuế quan so với các đối thủ như Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi cùng tham gia “sân chơi”, với sự bất lợi về quy mô vốn cũng như năng lực quản lý và trình độ công nghệ, chúng ta có thể mất dần thị phần vào tay DN khác. Để hạn chế các bất cập này, DN Việt cần tích cực chuẩn bị, tìm hiểu thói quen thị hiếu của thị trường xuất khẩu.
Theo đó, tham gia RCEP không chỉ tập trung đáp ứng các yêu cầu để tăng xuất khẩu, còn phải cân nhắc tìm kiếm thêm cơ hội kinh doanh mới, nhu cầu mới của thị trường các đối thủ khác chưa đáp ứng được, nhằm chiếm lĩnh trước vị thế.Việt Nam được đánh giá có nhiều ưu thế đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu, đáp ứng được nhu cầu nhiều quốc gia. Tuy nhiên, khả năng tăng giá trị trong quy trình xuất khẩu chưa cao do DN nông lâm, thủy sản thường sử dụng xuất khẩu theo giá FOB (giao hàng tại cảng đi).
Từ khi Covid-19 xuất hiện, phần lớn đối tác yêu cầu chuyển sang phương thức CIF (giao hàng tại cảng đến), đã khiến không ít DN bị động vì chưa có kinh nghiệm đàm phán với các hãng tàu. Do đó, cần thúc đẩy xuất khẩu theo phương thức CIF để DN Việt được trực tiếp làm việc, ký hợp đồng với các hãng tàu. Khi ấy, DN xuất khẩu vừa chủ động với lợi ích của mình, vừa tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu để tăng doanh thu.
Vấn đề nữa là đẩy mạnh TMĐT bắt kịp xu hướng từ RCEP. Thực tế, bên cạnh một số thành tựu nổi bật do sự bùng nổ mua sắm trực tuyến trong thời gian giãn cách, TMĐT Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu. Nổi bật nhất là giá cao, chất lượng kém so với quảng cáo và nguy cơ lộ thông tin cá nhân.
Trong bối cảnh RCEP đòi hỏi các bên tham gia nâng cao khả năng bảo vệ người tiêu dùng và thông tin cá nhân trên mạng, yếu điểm này có thể khiến DN Việt bị lép vế rất nhiều so với đối thủ nước ngoài.
Để khắc phục tình trạng này, cơ quan nhà nước nên cân nhắc đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ công như hải quan điện tử, kê khai nộp thuế và thủ tục xuất nhập khẩu điện tử.
Đồng thời, hỗ trợ DN phân phối, lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin và vận tải, logistics để giảm bớt gánh nặng về chi phí, tạo điều kiện giảm giá thành sản phẩm. Cần có khung pháp lý rõ ràng đảm bảo an toàn cho các sàn TMĐT cũng như thông tin của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện hạ tầng thanh toán điện tử, tạo lập hành lang pháp lý vững vàng cho các giải pháp thanh toán số, nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm để thúc đẩy thị trường TMĐT phát triển có chất lượng.
Lê Dương Anh Tuấn, Trường Kinh doanh, Đại học UEH
Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính
|