Thứ Hai, 27/12/2021 14:06

Sao lại dè dặt với điện gió!

Các địa phương đã đăng ký xin đưa vào quy hoạch thêm 110.000 MW điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, tại hội nghị “phát triển điện gió ngoài khơi vì tương lai năng lượng sạch của Việt Nam” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết bộ đang xem xét đưa vào Quy hoạch điện 8 khoảng 5.000 MW cho giai đoạn đến năm 2030 và đến năm 2045 sẽ là 40.000 MW.

Cũng tại hội nghị này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, giải thích lý do chỉ đưa 5.000 MW điện gió ngoài khơi vào quy hoạch là do thị trường điện gió hiện vẫn còn mới mẻ, bị ràng buộc bởi lưới truyền tải. Ông nói “đến năm 2030 Việt Nam chỉ tham gia vào lượng công suất nhất định để có thời gian tăng cường lưới điện truyền tải, hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp cho điện gió ngoài khơi”.

Nói rằng cần phải có thời gian để tăng cường lưới truyền tải và hoàn thiện cơ chế chính sách mà bỏ qua một nguồn năng lượng sạch rất tiềm năng, “bắt” các nhà đầu tư tiềm năng của điện gió ngoài khơi phải chờ đến tận năm 2045 là lý do khó chấp nhận, mặc dù đại diện của Bộ Công Thương cũng xác nhận đây là nguồn tốt để thay thế dần điện sản xuất từ nguyên liệu hóa thạch (điện than).

Nhược điểm lớn nhất của điện gió, cũng như điện mặt trời, là kém ổn định, vì chỉ có thể phát điện khi có gió đủ mạnh. Nhưng đây chỉ là vấn đề kỹ thuật và cũng luôn có sẵn giải pháp để giải quyết, nên vấn đề còn lại chỉ là giá thành mà thôi.

Cho đến nay và theo dự thảo Quy hoạch điện 8 thì ít nhất là 2-3 thập kỷ nữa, Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào các nhà máy nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho nền kinh tế vì cho rằng giá nhiệt điện than rẻ.

Thế nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhiệt điện than ở Việt Nam giá còn rẻ là nhờ được bao cấp các loại chi phí bảo vệ môi trường. Nếu tính đúng và đủ cái giá thiệt hại về môi trường mà xã hội phải gánh thay cho các nhà máy điện, chắc chắn giá thành của điện than không còn rẻ hơn điện gió hay điện mặt trời nữa. Đó là chưa nói đến việc vì mục tiêu cắt giảm chi phí đầu tư để có giá thành điện tốt, không ít chủ đầu tư nhà máy điện than ở Việt Nam đã bỏ qua công nghệ được đánh giá có hiệu suất cao và thân thiện với môi trường hơn.

Rõ ràng là lâu nay chúng ta đang thực thi chính sách đánh đổi môi trường lấy nguồn điện giá rẻ. Nhưng đây không phải cách khôn ngoan, nếu tính đến lợi ích cho các thế hệ tương lai, đồng thời cũng không thể đánh đổi mãi khi mà những phản ứng của người dân liên quan đến ô nhiễm môi trường ngày càng phổ biến và sức ép từ thị trường quốc tế, buộc Việt Nam phải cam kết cắt giảm lượng khí thải carbon ngày càng mạnh. Tại Hội nghị COP26 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam sẽ giảm phát thải carbon xuống mức bằng 0 vào năm 2050.

Để góp phần thực hiện cam kết trên, điều Việt Nam cần làm ngay từ bây giờ là đẩy nhanh tốc độ phát triển các nguồn năng lượng sạch như điện gió và điện mặt trời. Những trở ngại liên quan đến mạng lưới truyền tải và cơ chế chính sách nên được giải quyết sớm, thay vì phải chờ đến vài chục năm như các phát biểu trên đây của đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo.

Khó khăn lớn nhất và cũng là khó giải quyết nhất của Việt Nam hiện nay là bài toán giá điện. Ở đây cũng cần nói thêm là mặt bằng giá bán lẻ điện của Việt Nam hiện nay chỉ thấp với khách hàng là ngành sản xuất công nghiệp, không quá thấp đối với điện cho sinh hoạt và với khu vực dịch vụ thì giá đã khá cao.

Việc duy trì chính sách giá điện thấp đối với công nghiệp trong suốt mấy chục năm qua, chẳng những bất công đối với người dùng điện sinh hoạt và các ngành kinh doanh dịch vụ, mà còn vô tình khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu máy móc thiết bị và công nghệ lạc hậu, khuyến khích đầu tư vào những ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng nhưng tạo ra giá trị gia tăng thấp. Giờ đây chính sách này còn là rào cản rất lớn đối với triển vọng phát triển nguồn năng lượng sạch.

Vì vậy, thay vì từ chối hay dè dặt với điện gió cũng như các nguồn năng lượng tái tạo khác, Bộ Công Thương hãy bắt tay vào nghiên cứu một kế hoạch tổng thể nhằm từng bước giải quyết các điểm nghẽn đang cản trở tiềm năng phát triển nguồn năng lượng sạch này, đồng thời cũng là góp phần tạo ra nền tảng phát triển bền vững cho Việt Nam.

Tấn Đức

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Đề nghị làm rõ trách nhiệm Bộ Y tế, Bộ KH&CN trong vụ Việt Á (27/12/2021)

>   Hàng loạt sai phạm ở Công ty Xuất nhập khẩu y tế TP HCM (27/12/2021)

>   Ông Nguyễn Đức Chung hầu tòa vì thao túng cho Nhật Cường trúng thầu (27/12/2021)

>   Xét xử sai phạm tại IPC: Dẫn giải ông Tất Thành Cang và đồng phạm đến tòa (27/12/2021)

>   Bay quốc tế vẫn chưa 'mở' với khách du lịch? (27/12/2021)

>   Vì sao hàng hóa ngày càng ùn tắc nghiêm trọng tại các cửa khẩu? (26/12/2021)

>   Kit xét nghiệm của Việt Á được nghiên cứu sản xuất như thế nào? (26/12/2021)

>   Hà Nội sẽ khởi công thêm 3 tuyến đường sắt đô thị (25/12/2021)

>   Giá xăng tăng trở lại từ 15h ngày 25/12 (25/12/2021)

>   Chế biến thủy sản đặt chỉ tiêu xuất khẩu 8,9 tỉ USD năm 2022 (25/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật