Chủ Nhật, 26/12/2021 19:40

Kit xét nghiệm của Việt Á được nghiên cứu sản xuất như thế nào?

Tổng kinh phí thực hiện nghiên cứu sản xuất kit xét nghiệm Covid-19 Việt Á là gần 19 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ tháng 2/2020 đến tháng 10/2021.

Cổng thông tin Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa đăng thông tin về bộ kit xét nghiệm Covid-19 do Học viện Quân y phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á nghiên cứu sản xuất.

Đây là báo cáo đánh giá kết quả nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia về "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)". Học viện Quân y là đơn vị tổ chức chủ trì, do PGS.TS Hồ Anh Sơn chủ nhiệm nhiệm vụ.

Tổng kinh phí thực hiện xấp xỉ 19 tỷ đồng. Thời gian thực hiện theo hợp đồng đã ký kết từ tháng 2/2020 đến tháng 7/2021, tuy nhiên thực tế thực hiện đến tháng 10/2021.

thổi giá kit xét nghiệm ảnh 1

Bị can Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương, trái) và Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á). Ảnh: Bộ Công an.

Các thành viên tham gia thực hiện chính nhiệm vụ gồm 13 người thuộc Học viện Quân Y, 4 người của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á. Trong đó, ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, là thành viên nghiên cứu đề tài.

Cũng theo báo cáo, đề tài đã nghiên cứu chế tạo thành công 2 bộ sinh phẩm RT-PCR sàng lọc và real-time RT-PCR phát hiện chủng 2019-nCoV là những sản phẩm nghiên cứu có hàm lượng khoa học cao, cũng như tính ứng dụng thực tiễn thể hiện bằng những chứng nhận khoa học. Trong đó có Quyết định cấp phép lưu hành 2 bộ sinh phẩm này của Bộ Y tế; Giấy chứng nhận kiểm nghiệm trang thiết bị y tế chẩn đoán in-vitro của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ngoài ra, Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cũng đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Châu Âu (CE) và cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ sinh phẩm (20/4/2020)...

Việc nghiên cứu sản xuất các kit để chủ động xác định nhanh ca bệnh, phục vụ theo dõi điều trị và tìm hiểu sâu hơn về đặc điểm dịch tễ học, đường lây truyền nhằm phục vụ cho việc xây dựng hoạch định các chính sách và các chương trình Y tế Quốc gia về dự phòng.

"Bộ sinh phẩm tạo ra đạt trình độ cao về sinh học phân tử, có khả năng phát hiện sớm và đáp ứng nhanh trong trường hợp khi có dịch xảy ra và đạt đỉnh dịch với số lượng người nhiễm lớn trên phạm vi cả nước", báo cáo nêu.

Đánh giá về tính hiệu quả kinh tế, đơn vị chủ trì cho rằng việc ra đời được bộ sinh phẩm “Made in Vietnam” có ý nghĩa xã hội to lớn ở thời điểm đất nước đối mặt với nguy cơ dịch bùng phát dịch phức tạp, nhu cầu kit xét nghiệm lớn trong khi nguồn cung hạn hẹp.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là cơ sở cho các nghiên cứu về sau như đặc điểm di truyền phân tử, sự tiến hóa của chủng SARS-CoV-2 phục vụ cho chế tạo vaccine dự phòng và thuốc kháng virus.

Báo cáo cũng nêu rõ hiện nay, bộ sinh phẩm và các quy trình chẩn đoán dựa trên kỹ thuật real-time RT- PCR đã chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất trên 3 triệu test phục vụ xét nghiệm sàng lọc phát hiện SARS-CoV-2 trên 163 trung tâm, bệnh viện lớn trong cả nước như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, CDC Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Dương, CDC TP.HCM

Liên quan sản phẩm kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, ngày 20/12, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã gỡ thông tin “WHO chấp thuận kit test của Công ty Việt Á” trên trang web chính thức của bộ. Đại diện Bộ KH&CN lý giải do có sai sót về mặt thông tin nên gỡ bài.

Thực chất WHO mới chỉ chấp thuận đưa kit test này vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng, không phải chấp thuận sử dụng. Kit không được WHO chấp thuận sử dụng nhưng vẫn được sử dụng khá phổ biến ở Việt Nam trong 2 năm phòng chống dịch. Đại diện Bộ KH&CN cho rằng việc WHO chấp nhận hay không độc lập với quyết định cấp phép sử dụng của Bộ Y tế.

Trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố ông Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc doanh nghiệp này), ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương) và 5 bị can khác về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Kết quả điều tra cho thấy sau khi ký 5 hợp đồng cung ứng kit xét nghiệm cho CDC Hải Dương với tổng trị giá 151 tỷ đồng, Việt Á đã chi “lại quả” ngoài hợp đồng cho ông Tuyến gần 30 tỷ.

Ngoài ra, nhân viên Công ty Việt Á còn khai đã chi tiền cho một số CDC và bệnh viện khác.

Sơn Hà

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Hà Nội sẽ khởi công thêm 3 tuyến đường sắt đô thị (25/12/2021)

>   Giá xăng tăng trở lại từ 15h ngày 25/12 (25/12/2021)

>   Chế biến thủy sản đặt chỉ tiêu xuất khẩu 8,9 tỉ USD năm 2022 (25/12/2021)

>   Nhà đầu tư "sốt xình xịch" vì hàng trăm MW điện có nguy cơ "ế" (25/12/2021)

>   Hơn 2,7 triệu vé máy bay tết sẽ được bán (25/12/2021)

>   Bài học chính sách phục hồi du lịch từ thế giới (25/12/2021)

>   Hành khách nhập cảnh chưa tiêm vắc xin phải có xác nhận nơi cách ly (24/12/2021)

>   Ủy ban Kiểm tra T.Ư kỷ luật nhiều lãnh đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản (24/12/2021)

>   Các hãng hàng không công bố lịch bay quốc tế (24/12/2021)

>   Quảng Ninh lên phương án 'giải cứu' hơn 1.500 container bị mắc kẹt ở Móng Cái (24/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật