Thứ Bảy, 25/12/2021 21:00

Nhà đầu tư "sốt xình xịch" vì hàng trăm MW điện có nguy cơ "ế"

Khoảng 300MW điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận, dù đã vận hành thương mại (COD) trước thời hạn 31/12/2020 để được hưởng giá bán theo cơ chế khuyến khích năng lượng tái tạo nhưng lại bị ngừng huy động từ 1/1/2022 vì chưa có giá mua.

Nhà đầu tư

Một dự án điện mặt trời đã đi vào vận hành thương mại ở Ninh Thuận

Chưa có giá mua

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương về việc sẽ dừng huy động số công suất điện mặt trời (ĐMT) chưa có chính sách giá mua của Trung Nam Group và Công ty CP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận từ ngày 1/1/2022. Các dự án này đều nằm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận với tổng công suất khoảng 300MW và đã được COD trước thời điểm 31/12/2020.

Lý do được chỉ ra là tổng công suất 300MW này nằm ngoài ưu đãi 2.000MW (với giá mua 9,35 cent/kWh) của Nghị quyết 115/NQ-CP năm 2018 về phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo và cũng không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi theo Quyết định 13/QĐ-TTg về chính sách giá dành cho các dự án ĐMT có chủ trương đầu tư trước 23/11/2019 (với giá mua 7.09 cent/kWh).

Đại diện Trung Nam Group cho biết, 172MW ĐMT chưa có cơ chế giá mua của Trung Nam nằm trong dự án đầu tư có điều kiện. Theo đó, khi Chính phủ quyết định cho Ninh Thuận 2.000MW với mức giá ưu đãi 9,35 cent/kWh thì xuất hiện câu chuyện không đủ lưới điện để truyền tải số công suất này lên lưới. Do đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã họp bàn và đề xuất cho phép nhà đầu tư tư nhân tự bỏ kinh phí xây dựng đường truyền tải với điều kiện bổ sung dự án nhà máy ĐMT công suất 450MW vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Sau khi được chấp thuận, tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Trung Nam Group được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án ĐMT 450MW kết hợp Trạm biến áp (TBA) 500kV Thuận Nam và các đường dây đấu nối 500kV, 220kV đấu nối hệ thống lưới điện quốc gia.

Đến nay, dự án đã đi vào hoạt động thương mại trên 1 năm đóng góp vai trò quan trọng trong việc giải tỏa công suất thông qua TBA 500kV và đường dây 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân với tổng quy mô công suất 1.800MW.

Giá trị truyền tải điện theo giá hiện hành của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia vào khoảng 200 tỷ đồng, nhưng Trung Nam không được thu do theo Luật Điện lực, tư nhân chưa được kinh doanh lưới điện truyền tải.

Đề xuất áp dụng chính sách giá đã có cho các dự án

Ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Trung Nam Group cho biết, hiện nay doanh thu của tổ hợp ĐMT này chỉ được nhận từ 277,88MW nằm trong giá ưu đãi theo Nghị quyết 115. Phần công suất còn lại của dự án (khoảng 172 MW) hiện chưa xác định được giá bán điện cụ thể làm cơ sở thanh toán.

Điều này dẫn đến áp lực rất lớn cho doanh nghiệp trong việc chi trả lãi vay cho ngân hàng theo phương án tài chính đã được phê duyệt cũng như bố trí nguồn kinh phí để vận hành, duy trì hoạt động của TBA 500kV Thuận Nam và các đường dây đấu nối.

Ông Nguyễn Văn Vỵ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, cơ chế chính sách giá năng lượng tái tạo của Việt Nam chưa liên tục, đang bị đứt gãy và gián đoạn. Các cơ chế chính sách áp dụng trong thời gian qua chưa đưa ra được định hướng lâu dài, nhằm tạo ra môi trường đầu tư ổn định và có thể dự đoán được, đảm bảo dự đoán được dòng doanh thu của các dự án. Do đó, cần có một hành lang pháp lý thông suốt, rõ ràng và liên tục.

Tuy nhiên, đáng chú ý, trong suốt năm 2021, dù chưa có chính sách giá rõ ràng nhưng 300MW ĐMT ở Ninh Thuận vẫn được huy động. Theo các nhà đầu tư, điều này cũng giúp doanh nghiệp giảm bớt lo lắng bởi sản lượng điện của dự án vẫn được sử dụng và sẽ được chi trả sau khi có cơ chế giá. Nhưng mới đây EVN đã quyết định dừng huy động toàn bộ phần công suất này kể từ đầu năm 2022 vì chưa có chính sách giá.

Trước tình thế này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét không cắt giảm công suất, ưu tiên khai thác tối đa công suất Nhà máy ĐMT 450MW của Trung Nam. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung cơ chế giá bán điện 7.09 cent/kWh đối với phần công suất ĐMT ngoài phạm vi 2.000MW trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nhưng COD trước ngày 31/12/2020 và cho phép thực hiện thanh toán phần công suất đã được huy động và ghi nhận sản lượng từ EVN.

Nhật Thu

Pháp luật VN

Các tin tức khác

>   Hơn 2,7 triệu vé máy bay tết sẽ được bán (25/12/2021)

>   Bài học chính sách phục hồi du lịch từ thế giới (25/12/2021)

>   Hành khách nhập cảnh chưa tiêm vắc xin phải có xác nhận nơi cách ly (24/12/2021)

>   Ủy ban Kiểm tra T.Ư kỷ luật nhiều lãnh đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản (24/12/2021)

>   Các hãng hàng không công bố lịch bay quốc tế (24/12/2021)

>   Quảng Ninh lên phương án 'giải cứu' hơn 1.500 container bị mắc kẹt ở Móng Cái (24/12/2021)

>   Sát giờ G vẫn chờ hướng dẫn bay quốc tế (24/12/2021)

>   TP.HCM công bố các hoạt động liên quan Công ty Việt Á (24/12/2021)

>   Ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu: Bộ Công thương ra văn bản hoả tốc (24/12/2021)

>   Phó thủ tướng: 'Dứt khoát phải hiện đại hóa ngành đường sắt' (23/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật